Môi trường

Nuôi cá lồng trái phép, 30ha hồ Gò Miếu - Thái Nguyên bị đầu độc

  • Tác giả : Trần Hòa
(khoahocdoisong.vn) - Hồ Gò Miếu, xã Ký Phú (Đại Từ - Thái Nguyên) là 1 trong 3 hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Thái Nguyên. Thế nhưng, mấy tháng trở lại đây nước hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến cho hoạt động tưới tiêu cũng như đời sống của bà con địa phương bị ảnh hưởng.

Hồ thủy lợi bỗng dưng bốc mùi!

Theo phản ánh của người dân xã Ký Phú, thời gian gần đây hồ Gò Miếu (còn có tên gọi khác là hồ Vai Miếu) có diện tích rộng 30ha bị ô nhiễm nặng nề, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân.

Càng tiến sát đến hồ Gò Miếu, mùi hôi thối càng rõ ràng hơn. Chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy mức độ ô nhiễm của nước hồ. Toàn bộ mặt hồ được phủ một lớp váng màu vàng giống mỡ cá. Thậm chí, một góc hồ kéo dài hàng trăm mét bị sóng đánh nên váng mỡ tụ lại đặc quánh, sủi bọt trắng, bốc mùi hôi thối.

Người dân sống gần hồ Gò Miếu cho biết, đây là lần đầu tiên nước hồ bị như vậy. Còn từ trước đến nay dù cho thời điểm cạn nhất nước hồ vẫn luôn trong xanh và người dân vẫn dùng nước tắm giặt hàng ngày, nhưng thời gian gần đây đến rửa tay chân cũng không dám vì nước hồ quá bẩn.

Người dân nơi đây cho biết, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước hồ Gò Miếu là do hoạt động chăn nuôi cá lồng của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật (gọi tắt là Công ty Việt Nhật) do ông Lưu Văn Hạnh làm Giám đốc.

Theo tìm hiểu, trong lòng hồ và phía trên thượng nguồn không có người sinh sống, toàn bộ nước cấp cho hồ Gò Miếu đều chảy từ rừng nguyên sinh trong Vườn quốc gia Tam Đảo nên không thể có chuyện ô nhiễm.

Người dân nơi đây cho biết, mức độ ô nhiễm của hồ gần đây ngày một nghiêm trọng hơn từ ngày Công ty Việt Nhật chuyển từ sử dụng thức ăn công nghiệp sang dùng cá tạp, cá mè để nuôi cá lăng đen, cá trê nên mới khiến nước hồ bị ô nhiễm nặng nề như vậy.

Sau khi phát hiện sự ô nhiễm bất thường tại hồ Gò Miếu, một số hộ dân sống dưới chân hồ Gò Miếu đã phản ánh, kiến nghị lên các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên nhưng chưa được giải đáp thỏa đáng.

Hồ Gò Miếu rộng 30ha đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Hồ Gò Miếu rộng 30ha đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Thừa nhận hồ bị ô nhiễm

Trao đổi với PV báo KH&ĐS, ông Đặng Lê Ninh - Chủ tịch UBND xã Ký Phú cho biết, chính quyền và người dân nơi đây rất bức xúc trước việc một hồ nước ngọt có tầm quan trọng sống còn với xã Ký Phú bị ô nhiễm do nghi ngờ liên quan đến hoạt động nuôi cá lồng của Công ty Việt Nhật. Tuy nhiên, do việc quản lý, khai thác, vận hành hồ Gò Miếu thuộc thẩm quyền của Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên nên xã chỉ biết báo cáo, phối hợp với cấp trên chứ không tự xử lý được.

“Chúng tôi đã cho kiểm tra vấn đề ô nhiễm tại hồ Gò Miếu. Việc đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên cho đơn vị khác đấu thầu nuôi cá là việc của công ty, họ có quyền khai thác và hoạt động thế nào thì do họ quyết định”, ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ.

Trao đổi với PV báo KH&ĐS, ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên, đơn vị đang trực tiếp quản lý và vận hành hồ Gò Miếu, thừa nhận sự việc ô nhiễm đúng như người dân phản ánh.

“Tôi ghi nhận việc hồ bị ô nhiễm khi nước có màu xanh rêu như tảo và có mùi hôi. Mức đầu xác định là do tảo, khi trời nắng nóng thì tảo chết và dạt vào nổi váng. Chúng tôi cũng xác nhận là đơn vị nuôi cá lồng cho cá ăn bằng cá tươi. Hiện nay, cá lồng nuôi trong hồ khoảng 20 tấn, trị giá khoảng 5 tỉ”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cho biết thêm, ngay sau khi nắm bắt được thông tin ô nhiễm tại hồ Gò Miếu, phía Công ty đã cùng Phòng TN&MT huyện Đại Từ kiểm tra, lấy một số mẫu nước phân tích. Trước mắt, đơn vị yêu cầu Công ty Việt Nhật phải tiến hành vớt toàn bộ lượng váng nổi trên mặt hồ để xử lý. Bớt khẩu phần ăn của cá để theo dõi đánh giá mức độ ô nhiễm.

Bước đầu xác nhận, hồ Gò Miếu bị ô nhiễm là do hoạt động nuôi cá lồng.

Bước đầu xác nhận, hồ Gò Miếu bị ô nhiễm là do hoạt động nuôi cá lồng.

Nuôi cá lồng với “giấy phép hết hạn”

Theo quy định tại các Thông tư số 71/2011/TT-BNNPTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực Thú y và Thông tư số 16/2015/TT-BNNPTNT ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản của Bộ NN-PTNT, nuôi cá lồng/bè là một hoạt động bắt buộc phải có hồ sơ báo cáo Sở NN-PTNT các tỉnh, thành để cơ quan chuyên môn là Chi cục Thủy sản thẩm định, phê duyệt cấp giấy chứng nhận mới được phép hoạt động.

Theo đó, ngày 19/4/2017, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 896/SNN-CCTS chứng nhận đăng ký bè cá với tổng số lượng 30 lồng cho Công ty Việt Nhật nuôi cá nước ngọt tại hồ Gò Miếu thuộc địa bàn xóm Chuối, xã Ký Phú, tỉnh Thái nguyên. Giấy phép có thời hạn 1 năm, đến ngày 19/4/2018.  

Bọt trắng đóng váng và bốc mùi hôi thối.

Bọt trắng đóng váng và bốc mùi hôi thối.

Quyết định 896 yêu cầu Công ty Việt Nhật phải tuân thủ đúng theo các hướng dẫn quy định tại Thông tư 71 cũng như 16 của Bộ NN-PTNT cùng các quy định khắt khe khác về môi trường, thức ăn, con giống, nguồn nước, dòng chảy…

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, ông Hoàng Văn Dũng khẳng định, sau khi chứng nhận số 896/SNN-CCTS Sở NN-PTNT Thái Nguyên cấp cho Công ty Việt Nhật hết hạn ngày 19/4/2018, đến nay phía Sở NN-PTNT chưa cấp thêm hay gia hạn bất cứ giấy chứng nhận nào cho Công ty Việt Nhật. Do đó, có thể nói hoạt động nuôi cá lồng trên hồ Gò Miếu của Công ty Việt Nhật hiện nay là không phép.

UBND huyện Đại Từ vừa có Công văn số 652/UBND-TNMT gửi Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, đề nghị Công ty kiểm tra hoạt động chăn nuôi thả cá và nuôi cá lồng bè trong phạm vi lòng hồ. Chỉ đạo thực hiện kiểm tra, lấy mẫu quan trắc váng màu nổi trên mặt hồ và nguồn nước trong hồ, xác định rõ nguyên nhân, lý do mặt nước hồ bị nổi váng, đồng thời có biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng trên.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP