Thời sự

Nước ion kiềm: Chữa bệnh hay mang bệnh?

  • Tác giả : Thúy Nga
Nhiều người rủ nhau uống nước RO có tính kiềm (nước ion kiềm, nước kiềm) vì tin vào quảng cáo nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, đặc biệt là chữa ung thư. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, việc này có hại nhiều hơn lợi.

“Bác sĩ không bao giờ khuyên bệnh nhân uống nước để bổ sung khoáng chất hay vitamin, mà uống nước để bổ sung H2O cho cơ thể. Con người không dựa vào nước uống để lấy chất dinh dưỡng. Lượng kiềm dư thừa trong cơ thể có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa, kích ứng da và hỏng xương”, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), cho hay.

Cuồng uống nước kiềm vì tin phòng, chữa ung thư và vô sinh...?

Chị Nguyễn Thị Thắm (53 tuổi, Hà Nội) cho biết, gia đình chị vừa chi gần 70 triệu đồng để lắp máy lọc nước tạo tính kiềm giúp bảo vệ sức khỏe. Chị nghe nói, nước kiềm giúp làm tăng sức đề kháng, giảm cân, ổn định huyết áp, thải độc và phòng chống ung thư.

Chị Thắm cũng như một số người khác cho rằng, có nghiên cứu nhỏ ở Nhật Bản chứng minh việc uống nước kiềm hỗ trợ cải thiện bệnh gout, táo bón, tiêu chảy mạn tính, viêm dạ dày…, do loại nước này hoạt động tương tự chất chống oxy hóa.

Nước ion kiềm: Chữa bệnh hay mang bệnh? ảnh 1

Nước ion kiềm: Chữa bệnh hay mang bệnh?

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, nhiều người Việt đang cuồng nước uống có tính kiềm vì tin rằng nó có thể giúp phòng, chữa bệnh. Thậm chí, một số bệnh nhân ung thư coi nước kiềm như thuốc tiên, họ loại bỏ những thực phẩm bị coi là có tính axit. Có chàng trai, cô gái chuẩn bị mang thai vẫn việc uống nước có tính kiềm để điều hoà tinh trùng, chỉnh pH trong âm đạo... Đặc biệt, có cả nhân viên y tế sợ bị ung thư nên uống nhiều nước kiềm, thậm chí còn xui nhau thụt nước kiềm vào âm đạo...

Thông tin về chủ đề này cũng rất nhiều trên mạng Internet. Chỉ cần search Google “uống nước kiềm có tốt”, trong vòng 0,34 giây, 137 triệu kết quả xuất hiện. Nước kiềm, máy sản xuất nước kiềm với nhiều chủng loại đa dạng về mẫu mã sản phẩm và xuất xứ, giá cả... tràn ngập thị trường.

Khảo sát của PV Khoa học & Đời sống cho thấy, một chai nước ion kiềm Kami 350ml giá 7.000 đồng; alkaline Ocany chai 1 lít giá: 13.750 đồng; nước Ion Life thùng 24 chai dung tích 330ml giá 121.000 đồng; 450ml giá 133.000 đồng; 1.25l ml giá 133.000 đồng...

Nước Ion Gold: Thùng 24 chai dung tích 250ml giá 80.000 đồng; 350ml giá 95.000 đồng; 500ml giá 105.000 đồng; Bình 19 lít giá 62.000 đồng. Ngoài ra, một số loại nước ion kiềm khác như Ion Alkari, Lavie, Natuza, Happy Life...

Thực tế, các chuyên gia sức khỏe cho hay, con người không dựa vào nước uống để lấy chất dinh dưỡng. Chức năng của nước trong cơ thể đơn thuần là tiêu hoá thức ăn, vận chuyển chất dinh dưỡng, tuần hoàn máu, bài tiết chất thải, điều hoà nhiệt độ cơ thể.

Bác sĩ Phúc cho biết, việc dùng nước kiềm trị bệnh không phải mới, bắt đầu từ Robert O. Young, người được coi là cha đẻ của “Liệu pháp axit-kiềm” ở Mỹ. Năm 2002, Young xuất bản cuốn sách có tên "Điều kỳ diệu về axit-kiềm: Chế độ ăn uống cân bằng và phục hồi sức khỏe". Sau đó, người này liền có loạt bài "Điều kỳ diệu về axit-kiềm", trở thành “bậc thầy” về lý thuyết axit-bazơ và sức khỏe (phổ biến với công chúng Mỹ).

Đến năm 2014, Young bị đưa ra tòa vì lý thuyết này, sau đó bị bắt với cáo buộc hành nghề y trái phép. Young phải thừa nhận “Liệu pháp axit-kiềm” là trò lừa bịp. Tòa án San Diego buộc Young phải bồi thường 105 triệu USD cho những bệnh nhân bị ung thư.

Ở Việt Nam, lý thuyết trên bắt đầu nổi tiếng vài năm nay. Nhiều “chuyên gia” không có kiến thức đã tuyên truyền cho lý thuyết này.

“Cả lý thuyết axit-kiềm và lý thuyết thực phẩm axit-kiềm với sức khỏe, đang nhan nhản trên Internet, đều đã được chứng minh giả khoa học. Đến nay, cộng đồng khoa học đã đạt được sự đồng thuận và không có tranh chấp, coi đây là trò bịp bợm”.

Bác sĩ Phúc lý giải, có thể hiểu một cách đơn giản rằng, pH của dịch dạ dày từ 0,9 - 1,5 nên có tính axit rất cao, thỉnh thoảng bị trào ngược hay nôn khi đói, miệng sẽ thấy chua loét. Khi uống cốc nước kiềm yếu, lập tức kiềm ấy bị axit trong dạ dày trung hòa, cốc nước sẽ biến thành dịch có tính axit. Vậy, không thể nói rằng uống nước kiềm hay ăn thực phẩm kiềm là có lợi, còn uống nước axit hay ăn thực phẩm axit là hại sức khỏe.

“Đừng tin những kẻ bất lương, chúng lợi dụng tâm lý sợ chết của mọi người để tuyên truyền lý thuyết axit-kiềm, nhằm kiếm tiền nhờ bán máy, nước uống, thực phẩm với giá cắt cổ...”, bác sĩ Phúc nhấn mạnh.

Cẩn thận mang bệnh

Theo khuyến cáo của nhà sản xuất cũng như các chuyên gia chuyên nghiên cứu về nước ion kiềm những trường hợp không nên sử dụng nước ion kiềm đó là:

- Những người suy thận hay mắc các vấn đề về thận.

- Người già trên 80 tuổi, sức khỏe kém.

- Trẻ em dưới 4 tuổi không nên sử dụng nước ion kiềm có nồng độ pH lớn hơn 7.

Phân tích về loại nước này, bác sĩ Phúc thông tin,màng lọc RO có kích thước các lỗ lọc = 0,1 nanomet. Phân tử nước chui qua được lỗ này phải dùng lực ép, trong khi đường kính của vi khuẩn lớn gấp 5.000 lần, đường kính vi rút thuộc loại bé nhất như SAR-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 cũng gấp 800 lần.

Có nghĩa là, màng lọc RO sẽ lọc được vi khuẩn, virus, rỉ sét, clo dư thừa, chất hữu cơ, muối hoà tan (ion canxi, magie), các ion kim loại nặng… Như vậy, đây là loại nước quá sạch, đã loại bỏ tất cả nguyên tố vi lượng có lợi, loại hết khoáng chất có lợi, nên uống thời gian dài sẽ có hại cho sức khỏe.

Cũng theo giải thích của bác sĩ Phúc, cơ thể rất cần các khoáng chất từ nước, chủ yếu là yếu tố vi lượng không thể thiếu như: Canxi và magie, sắt… Hãy tưởng tượng một chai nước bán ngoài siêu thị 250ml chỉ có 2mg canxi, trong khi một cốc sữa có 1.000mg canxi. Điều này có nghĩa, để có đủ lượng canxi bằng một cốc sữa, chúng ta phải uống 500 chai nước, số nước đủ uống trong 100 ngày...

Chưa kể, máy đắt tiền, cần điện để chạy máy, có nước thải gấp 1 - 3 lần nước tinh khiết gây lãng phí nước. Đồng thời, nước ra chậm nên tốn không gian, máy lọc gây tiếng ồn...

Thêm chanh vào nước là có thể tạo được kiềm cho cơ thể

Thêm chanh vào nước là có thể tạo được kiềm cho cơ thể

Theo BSCKI Đinh Trần Ngọc Mai, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, chưa có các bằng chứng rõ ràng và nghiên cứu chuyên sâu về tác dụng của loại nước này. Uống nước kiềm lâu dài làm phá vỡ mức độ pH bình thường của cơ thể, gây ra triệu chứng khó chịu như nôn ói, run tay, buồn nôn, lú lẫn… Hơn nữa, nhiễm kiềm cũng có thể gây giảm canxi tự do trong cơ thể, ảnh hưởng sức khỏe của xương.

Hiện không có bằng chứng khoa học về việc uống nước kiềm có tác dụng phòng chống hay điều trị ung thư. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng nước kiềm hằng ngày.

Cách tự làm nước kiềm: Nước chanh có tính axit, nhưng chúng chứa các khoáng chất có thể tạo ra sản phẩm phụ có tính kiềm sau khi được tiêu hóa và chuyển hóa. Thêm một vắt chanh hoặc chanh vào cốc nước có thể làm cho nước có tính kiềm hơn. Thêm thuốc giảm pH hoặc muối nở là làm cho nước có tính kiềm hơn.

Nước uống thông thường thường có độ pH trung tính là 7, nước kiềm thường có độ pH là 8 hoặc 9. Theo cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, hướng dẫn về chất lượng nước uống (CDWQ) của WHO và chỉ thị nước uống (DWQ) của EU, độ pH của nước thường không ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe và sự an toàn của con người. Độ pH là 5 uống vẫn an toàn.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP