Khám phá

Nước giếng khoan có mùi hôi do nhiễm amoni

Nhiều nơi người dân vẫn phải sử dụng nước giếng khoan do nguồn nước sạch còn thiếu; tuy nhiên nước giếng khoan ở nhiều khu vực khi bơm lên thường có mùi hôi (giống như mùi hôi của bùn đất), và để qua đêm thì có một lớp váng màu vàng trên mặt nước.
Nước giếng khoan dễ nhiễm sắt, phèn cần xử lý trước khi dùng

Nước giếng khoan dễ nhiễm sắt, phèn cần xử lý trước khi dùng.

Theo TSKH Trần Văn Nhị, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học – Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, nước có nổi váng màu vàng là do trong nước có sắt. Trước khi bơm lên, sắt ở dạng hóa trị 2 nên không có màu; nhưng để một thời gian, tiếp xúc với không khí, sắt sẽ chuyển sang hóa trị 3, có màu vàng và nổi váng.

Để khắc phục tình trạng này, ta có thể xây bể lọc cát phía trên bể chứa nước, cho nước thấm qua lớp cát, qua màng lọc, ngấm xuống dưới và đưa vào đường dẫn tới bể chứa. Nếu nồng độ sắt đậm đặc, ta có thể cho nước dẫn qua một giàn phun mưa trước khi tới bể lọc cát.

Nước giếng khoan có mùi hôi của bùn đất có thể là do các túi khí trong đất ở nguồn khoan. Để thoáng khí thì mùi hôi trong nước sẽ bớt đi. Mùi hôi này cũng có thể do nguồn nước ở gần khu vực có chất thải và do vậy có thể có lượng amoni cao.

Nước này chỉ dùng để tắm rửa thì được, nhưng để làm nước ăn thì chỉ được giới hạn ở hàm lượng amoni rất thấp, vì amoni khi gặp không khí sẽ tạo thành NO2 (nitrit) – một hóa chất khi kết hợp với các axit amin trong thức ăn sẽ tạo thành một số độc chất gây bệnh ung thư.

Tốt nhất, để đảm bảo an toàn bà con nên mang mẫu nước đi xét nghiệm. Nếu nồng độ amoni vượt quá ngưỡng cho phép thì nên sử dụng các thiết bị xử lý có bán trên thị trường.

An Lê

BẢN DESKTOP