Thời sự

“Nữ tư lệnh hồi sức" ngành y

  • Tác giả : Thúy Nga
Đó là tên gọi trìu mến, thân thương của đồng nghiệp với PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Bộ môn Hồi sức Cấp cứu Đại học Y Dược, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà

Chị là là một trong 51 nữ trí thức ngành Y được tôn vinh tại lễ vinh danh Nữ trí thức ngành Y lần thứ Nhất, diễn ra tại Hà Nội ngày 2/3.

Gần 30 năm trước, cô gái trẻ Ngọc Thảo tốt nghiệp y khoa, bước chân vào làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, gắn bó với lĩnh vực hồi sức cấp cứu từ đó. Trong suy nghĩ của nhiều người, khoa hồi sức cấp cứu vốn là "nơi đầu sóng ngọn gió", nhưng với một bác sĩ trẻ đam mê tìm tòi, đây chính là "ngôi nhà thứ hai của mình".

"Hằng ngày thời gian của tôi ở đây còn nhiều hơn ở nhà. Máy móc xung quanh bệnh nhân kêu tít tít, nào là những đèn đỏ, hoặc những dòng chữ cảnh báo... phát liên hồi. Ở đây được xem là vùng học thuật, đọc và học liên tục mà vẫn chỉ là hạt cát mênh mông trong biển trời kiến thức chuyên ngành" - bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo đúc rút.

PGS.TSBS Phạm Thị Ngọc Thảo (Người thứ 2 từ phải sang) tại lễ Vinh danh nữ tri thức ngành y

PGS.TSBS Phạm Thị Ngọc Thảo (Người thứ 2 từ phải sang) tại lễ Vinh danh nữ tri thức ngành y

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bà được xem là "người tiên phong" thực hiện những nghiên cứu mở đường cho chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Và trong số ấy, nghiên cứu về hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng đã giúp ngành hồi sức cấp cứu cứu sống nhiều bệnh nhân tưởng chừng không còn hy vọng sống.

Không chỉ thế, nghiên cứu này còn góp phần làm giảm sự tiến triển của suy đa tạng, chi phí chữa bệnh cũng như thời gian nằm viện của bệnh nhân vì thế cũng được giảm đi đáng kể.

Là một trong những chuyên gia hàng đầu về Hồi sức Cấp cứu của Việt Nam, PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo là người có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch COVID-19 với tư cách là thành viên Tổ hội chẩn chuyên môn điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng thuộc Trung tâm chỉ đạo, quản lý, điều hành hội chẩn trực tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của cả nước.

Những đóng góp to lớn của bà đã cứu sống nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân 91 - phi công người Anh mắc COVID-19, khi phổi đông đặc, hoại tử. “Ngày ấy, đã có lúc êkip điều trị có những khoảng lặng, khi diễn tiến bệnh nhân này một xấu đi, thể tích phổi lành chỉ còn 10%, các biện pháp điều trị đã được thực hiện nhưng không cải thiện.

Đồng nghiệp trìu mến gọi chị là "chị hai"

Đồng nghiệp trìu mến gọi chị là "chị hai"

Trong cuộc chiến cam go giữ lấy sự sống cho bệnh nhân 91, với ekip điều trị, có rất nhiều thời khắc quan trọng quyết định sự sinh tồn của bệnh nhân. Đưa ra một quyết định để giữ được sự sống cho bệnh nhân trước lằn ranh sinh tử là lựa chọn đầy thách thức của toàn bộ ekip” - " - bác sĩ Thảo kể.

Nhằm ghi nhận những đóng góp thầm lặng của các thầy thuốc, đặc biệt là tri ân những tấm gương y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch COVID-19, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Thảo, đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.

Đặc biệt, từ trước đến nay, trong chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo đóng vai trò là “người tiên phong”, thực hiện những nghiên cứu mở đường cho chuyên ngành này. Nữ bác sĩ được đồng nghiệp và mọi người trìu mến gọi là “chị Hai” hay “nữ tư lệnh hồi sức”…

Trước những sinh tử của người bệnh, PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo đã ví những thời khắc ấy "như thời khắc người diễn viên đang đi trên dây. Chỉ khác rằng, diễn viên bị rơi xuống khi đi trên dây thì sẽ bị thương còn với ekip điều trị, chỉ cần bác sĩ tuột tay thì bệnh nhân sẽ chết".

Vì vậy, áp lực giữ lấy sự sống cho bệnh nhân trong từng thời khắc ấy không chỉ đơn thuần là giữ thăng bằng, khéo léo như người diễn viên xiếc đi trên dây mà còn phải tỉnh táo để đưa ra những quyết định phù hợp ở từng thời điểm…

Giải thưởng Kovalepskaia dành cho nhà khoa học nữ

Những đề tài khoa học mang tính mở đường mà PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo đã đóng góp có thể kể đến là “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh", trong đó nghiên cứu "Hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng" là đề tài mang lại nhiều hiệu quả và tính ứng dụng cao.

Thành công của đề tài nghiên cứu khoa học này đã giúp ngành Hồi sức cấp cứu cứu sống nhiều bệnh nhân tưởng như không còn hy vọng sống, góp phần làm giảm sự tiến triển của suy đa tạng, chi phí chữa bệnh cũng như thời gian nằm viện của bệnh nhân. Đây cũng là kỹ thuật đã đạt Giải thưởng Nhà nước về nghiên cứu khoa học và nghiên cứu ứng dụng lọc máu trong sepsis đã giúp PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo nhận Giải thưởng Kovalepskaia dành cho nhà khoa học nữ.

Đặc biệt, đề tài “Ứng dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) trong điều trị Hội chứng nguy ngập hô hấp cấp (ARDS) và viêm cơ tim cấp” chính là kỹ thuật tạo nên kỳ tích tại Việt Nam. Là một trong những người tiên phong được cử đi học kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Đại học Regensburg - Cộng hòa liên bang Đức, khi về nước cách đây hơn 10 năm, bác sĩ Thảo đã cùng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký triển khai kỹ thuật mới và đưa kỹ thuật cao này vào hoạt động thường quy trong chuyên ngành. Và ECMO đã cứu sống nhiều bệnh nhân rất nặng, tưởng chừng không qua khỏi.

Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo còn tham gia rất nhiều đề tài nghiên cứu khác liên quan đến cấp cứu chấn thương, hồi sức ghép tạng, nhiễm khuẩn huyết…

Lễ tôn vinh nữ trí thức tiêu biểu ngành Y tế là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức nhằm biểu dương những đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn từ 2019-2022 của những nữ trí thức ngành Y, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò, công lao và tôn vinh thành tích của đội ngũ nữ trí thức nói chung và nữ trí thức ngành Y tế nói riêng.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP