Dọc đường

“Nữ hoàng thổ cẩm” xuất khẩu vải Mông đi trời Âu

Ngỡ rằng vải Mông nhiều màu sắc của đồng bào Mông chỉ phổ biến ở trên núi cao nơi họ cư trú hay trong trong những buổi chợ phiên hoặc cùng lắm “góp mặt” ở các lễ hội văn hóa. Nhưng giờ đây đã khác, vải Mông được xuất khẩu sang tận Châu Âu và một số nước trên thế giới.

Người góp công đầu đưa vải Mông quảng bá khắp hoàn vũ chính là người phụ nữ bản địa được mệnh danh là “nữ hoàng thổ cẩm” ở xã Lùng Tám (Quản Bạ – Hà Giang).

Chị Mai và mẫu vải Mông do ĐSQ Canada đặt hàng.

Vải Mông thời vang bóng

Xã Lùng Tám nằm lọt thỏm giữa những dãy núi tai mèo cao hun hút của vùng trời Quản Bạ. Đó từng là một thung lũng vải Mông tuyệt vời nhất của xứ đá Hà Giang, Lùng Tám còn là huyền thoại không thể quên trong tâm trí bà con người Mông về vải vóc lụa là.

Cụ Má A Minh năm nay đã ở ngưỡng tuổi 90 từng là một thợ giỏi nhất nhì ở thung lũng vải Mông nhớ lại: “Ngày tao còn trẻ, không chỉ có đàn bà mới ngồi thêu cái vải, cái túi nhiều hoa văn mà cả đàn ông cũng biết làm. Cả vùng rộng lớn như Lùng Tám lúc nào cũng như hội, quần áo sặc sỡ, người khắp tỉnh kéo về chợ phiên mua bán thổ cẩm”.

“Muốn có được 1 sản phẩm thổ cẩm đẹp thì người thợ phải giỏi tay nghề, hiểu văn hóa và ý nghĩa sản phẩm mình làm ra. Người nước ngoài rất thích sản phẩm của người Mông, vì nó không chỉ bền – đẹp mà còn toát ra được ý nghĩa, thần thái của thời trang”, chị Vàng Thị Mai.

Cụ Minh còn cho biết, thời xưa ở Lùng Tám từ đứa trẻ nhỏ đến người già đã mờ đôi mắt vẫn có thể thêu được những sản phẩm thượng hạng. Người Mông ở Hà Giang nói riêng và bà con dân tộc Mông trong cả nước nói chung đều coi Lùng Tám là “cái nôi thổ cẩm”. Bởi ở đây, tạo hóa đã ban tặng cho dân bản phần thổ nhưỡng hợp với cây lanh để dệt vải. Hơn thế nữa, người bản địa lại khéo tay, kiên trì và rất có khiếu thẩm mĩ tạo hoa văn cho thổ cẩm.

Thế rồi, cách đây 20 năm, những cô gái Mông ở Lùng Tám bắt đầu thờ ơ với nghề truyền thống. Không còn nữa những thửa ruộng trồng lanh, những máy dệt với tiếng thoi càng xa lạ với họ. Thung lũng thổ cẩm trở nên hoang vắng lạ thường, vải Mông sặc sỡ không được thêu đan dệt họa nữa, tiếng tăm thổ cẩm Lùng Tám bỗng chốc rơi tõm vào quá khứ, không còn ai nhắc tới.

Chủ tịch UBND xã Lùng Tám giới thiệu về cách nhuộm vải Mông.

Khôi phục nghề truyền thống

Tiếc “cái nôi thổ cẩm” thời thịnh vượng, từ năm 2000 UBND xã Lùng Tám đã họp lên họp xuống bàn phương cách khôi phục lại nghề truyền thống. Và đến năm 2001, HTX dệt thổ cẩm Hợp Tiến được thành lập. Chủ nhiệm HTX chính là người phụ nữ được mệnh danh là “nữ hoàng thổ cẩm” Vàng Thị Mai.

Ông Cao Xuân Nghì – Chủ tịch UBND xã Lùng Tám bảo: “Quả thực, nếu không có người tâm huyết như chị Mai thì HTX không thể thành công được. Chị đã ra sức hô hào được 20 chị em người Mông tham gia HTX để sản xuất vải vóc”.

Tuy nhiên, theo ông Nghì không phải có HTX là đã khôi phục được nghề truyền thống vì số vốn ít ỏi ban đầu chỉ với 20 triệu đồng. Vậy là, các chị em trong HTX đã phải làm cật lực để bán những sản phẩm ban đầu ở các buổi chợ phiên.

Chưa hết, việc chị Mai đứng ra hô hào chị em phụ nữ vào HTX cũng không đơn giản. Các cao niên thì cho rằng, đất Lùng Tám từ lâu đã mất “lộc cây lanh” mà chỉ để trồng ngô, trồng lúa. Bây giờ trồng lanh chẳng khác nào “bắt cá trên cây”.

Hơn nữa, những ông chồng thường xuyên đến HTX lôi vợ về vì cho rằng: làm thổ cẩm chẳng có ích lợi gì mà lại bỏ bê công việc gia đình. Thậm chí, có ông chồng còn đến đánh đập vợ, cấm cửa không cho tham gia HTX. Mỗi lúc như thế, chị Mai lại phải nhờ đến chính quyền đến can thiệp và làm công tác tư tưởng, thậm chí là mời chính những ông chồng đó tham gia HTX để cùng giữ gìn làng nghề.

Vải Mông đã có mặt ở nhiều nước Châu Âu.

Đưa thổ cẩm sang… Tây

Không gói gọn thị trường thổ cẩm ở Hà Giang, chị Mai đã lặn lội xuống Thủ đô đến với phố cổ để tìm hiểu thị trường. 36 phố phường Hà Nội, chưa nơi nào chị không qua, cửa hàng nào chị cũng tới để chào hàng, để cam kết và quảng bá cho sản phẩm vải của dân tộc Mông.

Đó là những túi xách được trang trí họa tiết khá cầu kỳ, những khăn vuông bản rộng, bản hẹp đủ kích cỡ và màu sắc. Thậm chí còn có cả những tấm thảm lớn hàng chục m2 được chào bán với mức giá rẻ.

Cũng từ đây, chị Mai đã mua sách kinh doanh về nghiền ngẫm, tìm gặp các nhà kinh tế để học hỏi. Và may mắn đã đến với HTX dệt thổ cẩm Hợp Tiến khi có vài khách Tây thích thú với sản phẩm và đặt mua với số lượng lớn.

Chị Mai lại hướng sản phẩm ra với thế giới khi ngày càng nhiều doanh nhân người nước ngoài liên hệ đặt hàng những tấm thảm trang trí ở các khách sạn cao cấp. Thậm chí, nhiều hãng hàng không cũng mua vải Tây làm vỏ nệm trên máy bay.

Chị Mai vui vẻ đưa ra một mẫu sản phẩm khá bắt mắt, đó là mẫu thổ cẩm mà Đại sứ quán Canada đặt hàng để trang trí trong sảnh tiếp khách. Các chị em trong HTX đang ra sức thêu đan dệt họa thật tỉ mỉ để giữ uy tín với khách hàng.

Người làm vải Mông phải rất tỉ mỉ.

Chị Mai cũng đã nhiều lần sang các nước Châu Âu để tìm hiểu thị trường và rất thành công khi đi đến đâu, khách hàng cũng thích thú với sản phẩm thổ cẩm của người Mông. Và ngay sau đó, có những đơn đặt hàng lên tới 300 triệu đồng được gửi tới HTX dệt thổ cẩm Hợp Tiến.

Những lúc như vậy, ở Lùng Tám ai cũng thấy vui, nhất là chị Mai. Tuy nhiên, niềm vui luôn đồng hành với lo lắng, nhiều đêm “nữ hoàng thổ cẩm” không dám chợp mắt để sáng tác những hoa văn họa tiết mới cho sản phẩm. Những cái tên rất mĩ miều và ý nghĩa như: Tam đại đồng đường, phụ tử, phu thê,… được thể hiện rõ nét trên sản phẩm thổ cẩm của người Mông.

Cho đến nay, thổ cẩm Mông đã có mặt tại nhiều nước như Mỹ, Đức, Canada, Ý, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản… Và ngày càng có nhiều khách hàng nước ngoài thích thú và gắn bó với vải Mông vì họ khám phá trong đó nét văn hóa lâu đời và độc đáo nhất.

“Chúng tôi không chỉ thành công trong việc khôi phục nghề truyền thống mà còn quảng bá, tạo thương hiệu với quốc tế. Hiện nay, vốn của HTX dệt thổ cẩm Hợp Tiến đã lên tới hàng tỷ đồng và đã thu hút được hàng trăm chị em tham gia để bảo tồn thổ cẩm người Mông”, ông Cao Xuân Nghì – Chủ tịch UBND xã Lùng Tám.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP