Thời sự

Nữ điều dưỡng có con khóc òa khi thấy mẹ trên tivi: Mình ở nhà, người khác sẽ phải đi thay

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Nữ điều dưỡng Phùng Thị Hạnh, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) chia sẻ, chị là một chiến sĩ, nhận nhiệm vụ là đi. Nếu mình xin ở nhà, lại sẽ có người khác phải đi thay mình.
Người mẹ trẻ nhận nhiệm vụ chi viện cho tuyến đầu chống dịch Bắc Giang.

Người mẹ trẻ nhận nhiệm vụ chi viện cho tuyến đầu chống dịch Bắc Giang.

“Dường như nơi này gần Mặt Trời hơn”

Nữ điều dưỡng Phùng Thị Hạnh, Khoa Chẩn đoán chức năng, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) đang nuôi con nhỏ còn bú mẹ. Nhưng gạt nỗi niềm riêng, chị đã cùng các đồng đội lên đường "chia lửa" với tuyến đầu chống dịch.

Chị Hạnh chia sẻ, khi mới đến Bắc Giang, thời tiết ngày nắng nóng, đêm lại lạnh, tựa như Sa Pa. Nhiều đêm mưa sầm sập kèm với sấm chớp đùng đoàng.

Công việc của chị Hạnh tại Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 2 mỗi ngày đều tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm Covid-19. Chị lấy mẫu xét nghiệm máu và nước tiểu cho họ. Cứ 3 tiếng một ca, thay phiên nhau, có ca trực khi kết thúc đã 3h sáng.

“Sau mỗi kíp trực phải khử khuẩn từ đầu đến chân. Cởi quần áo cũng phải có quy trình, làm sao để không bị lây. Khử khuẩn xong thì đi tắm. Mấy hôm đầu lên, bệnh viện dã chiến chưa kịp lắp bình nước nóng. Những hôm ca trực kết thúc lúc đêm khuya, trời lạnh, lại phải tắm nước lạnh, vừa chị tắm vừa lo, chỉ sợ ngã bệnh sẽ không có người làm”, chị Hạnh chia sẻ.

Sau sinh, chị Hạnh sức khỏe yếu hơn trước. Những ngày nắng nóng cao điểm, mồ hôi ướt sũng từ đầu đến chân. Các đồng nghiệp của chị vẫn hay đùa, nói với nhau: “Dường như nơi này gần Mặt Trời hơn, nóng hơn thì phải”.

Mặc đồ bảo hộ kín mít, nóng ướt sũng người, đồng nghiệp của chị vẫn đùa: "Dường như nơi này gần mặt trời hơn".

Mặc đồ bảo hộ kín mít, nóng ướt sũng người, đồng nghiệp của chị vẫn đùa: "Dường như nơi này gần mặt trời hơn". 

Với người bình thường, nắng nóng, mặc đồ bảo hộ, phòng không có điều hòa đã thấy khó chịu, với chị Hạnh, một bà mẹ đang nuôi con bú, đột ngột xa con sữa tràn về căng tức ngực, nỗi khó nhọc nhân thêm.

Những ngày đầu bị sốt, nóng vì căng sữa, chị Hạnh phải mua thuốc uống tiêu sữa, uống cả kháng sinh. Nhưng cứ khi nào nghĩ đến con, sữa lại lập tức dồn về căng ngực. Nghĩ đến con ở nhà đang khát sữa, mẹ lại phải vắt bỏ sữa đi, vừa vắt sữa, chị vừa khóc.

Con chị “nghiện” sữa mẹ, bé không ăn sữa ngoài. Điều lo lắng nhất khi chị đi vắng là bé sẽ bị ốm, lúc ốm không có sữa mẹ sẽ rất thương. Nhưng chị cũng không thể gửi sữa về, vì hằng ngày tiếp xúc với F0, chị cũng không dám chắc nguồn sữa của mình có an toàn hay không.

Mình không nhận nhiệm vụ, sẽ có người khác phải đi thay

Chị Hạnh chia sẻ, khi bức ảnh, clip con chị khóc òa khi mẹ trên tivi lan truyền trên mạng, các phương tiện truyền thông, chị đọc thấy có nhiều người trách chị, sao con nhỏ thế lại xung phong ra tuyến đầu làm gì, sao không báo cáo cấp trên để ở nhà với con? Rằng làm mẹ như chị vừa đáng thương lại vừa đáng trách. Rằng mình phải lo cho sức khỏe của mình, gia đình mình đã rồi mới lo cho người khác được chứ…

Hình ảnh con gái khóc òa khiến chị Hạnh cũng khóc "ướt gối".

Hình ảnh con gái khóc òa khiến chị Hạnh cũng khóc "ướt gối".

Đọc những bình luận của mọi người, chị xúc động vì được quan tâm, nhưng nhiều người chưa hiểu, đó là nhiệm vụ của chị. Khi con được 1 tuổi, hết chế độ thai sản là chị đã trở về như giống như người bình thường, nhận nhiệm vụ là đi. Cấp trên cũng không biết chị đang cho con bú.

“Tôi nhận nhiệm vụ lúc 10h đêm, sáng hôm sau là lên đường ngay. Lúc đó, cũng xác định tư tưởng, nếu mình báo cáo xin không đi thì người khác lại phải đi thay mình. Thực ra, ai cũng có hoàn cảnh, mình khó khăn hơn một chút là con còn nhỏ, lại vẫn còn bú mẹ, khi đi căng sữa bị sốt... Nhưng mọi người, con khoảng 5-6 tuổi gọi điện về suốt ngày hỏi: “mẹ ơi bao giờ mẹ về” cũng nhói lòng, thương lắm”, chị Hạnh tâm sự.

Trước hôm lên đường, mẹ bác giúp việc trông con cho chị bị tai nạn phải vào viện, chị Hạnh phải tìm giúp việc mới trông con. Nhưng giúp việc mới bé chưa quen, bà nội phải sang hỗ trợ.

Bữa đó, cả nhà đang ngồi ăn cơm, bố cháu kể cháu cũng đang gặm cánh gà, bỗng len lén ra phía tivi. Cả nhà nghĩ cháu ra xem tivi như mọi ngày, không để ý. Bỗng nhiên, thấy cháu khóc òa, giơ tay hướng về phía tivi kêu “bế, bế”. Cả nhà lặng đi, xúc động. Không hiểu sao mẹ cháu bịt khẩu trang, cháu chỉ nghe giọng mẹ, lại còn qua tivi mà vẫn nhận ra mẹ.

Chồng chị đã quay lại cảnh đó, rồi gửi cho vợ với lời nhắn “con gọi mẹ này”. Lúc đó, ở Bắc Giang sóng yếu, chưa xem được ngay, chị cứ tưởng chồng quay cảnh con gọi mẹ cho mẹ xem, còn đang hồi hộp, vui vẻ chờ xem con gọi mẹ bập bẹ thế nào. Bỗng thấy cảnh con con khóc òa khi thấy mẹ trên tivi, thế là mẹ cũng khóc ướt gối luôn.

Chồng chị Hạnh luôn động viên vợ: Mình là bộ đội, mình không nhận nhiệm vụ thì người khác lại vất vả.

Chồng chị Hạnh luôn động viên vợ: Mình là bộ đội, mình không nhận nhiệm vụ thì người khác lại vất vả.

Chị Hạnh cho biết, chồng chị làm ngành ngân hàng rất hiền, tâm lý, thường hay động viên vợ. Khi chị nhận nhiệm vụ, chồng nói: "Bây giờ dịch như vậy, mình là bộ đội, mình không nhận nhiệm vụ, không đi thì người khác lại vất vả". Chồng còn đùa: "Bây giờ em không đi, người khác mà biết em khiến cho họ phải đi là người ta ghét em". 

Bất ngờ vì nhiều người chưa hiểu về dịch bệnh

Chị Hạnh chia sẻ, nhiều người khi biết câu chuyện của chị đã để lại bình luận trên mạng: "Ôi thương bé quá, tại sao chị không xin nghỉ một ngày về thăm bé đi…".

Câu nói đó của những người rất trẻ khiến chị ngạc nhiên tột độ. Chị hằng ngày tiếp xúc với F0, ở vùng dịch, làm sao có thể trở về thăm con như người bình thường được. Chị cứ tưởng mọi người ít ra cũng đã có những hiểu biết cơ bản về dịch bệnh, không ngờ lại như vậy.

Lại có một bệnh nhân vừa nhập viện đã định ra ngoài để nhận hàng đặt qua mạng. Bác sĩ kêu trời bảo: “Ôi bạn ơi, bạn đang là bệnh nhân Covid-19. Bạn mà ra là lây cho chúng tôi, lây cho người ship hàng, bạn quay vào đi".

Cũng chính vì những hiểu biết về dịch bệnh của bệnh nhân còn “lơ mơ” như vậy, nên công việc của nhân viên y tế vừa chữa bệnh, lại vừa phải tuyên truyền. Có những lúc phải bảo bệnh nhân, giờ phải nhắn tin, gọi điện về cho người thân, nhắc nhở phòng chống như thế này, thế kia…

Điều khiến chị lo lắng là, những người bị bệnh mà hiểu biết về dịch bệnh vẫn còn như vậy, không hiểu, với những người chưa bị bệnh thì như thế nào?

Chị Hạnh chỉ mong mọi người cùng nhau tìm hiểu thật nhiều về Covid-19, cùng nhau giữ sức khỏe, đẩy lùi dịch bệnh, để các nhân viên y tế như chị mau chóng dược trở về với gia đình.

Chị Hạnh chỉ mong mau hết dịch để được trở về nhà với gia đình, với con gái nhỏ.

Chị Hạnh chỉ mong mau hết dịch để được trở về nhà với gia đình, với con gái nhỏ.

Sứ mệnh "Hai lần chiến sĩ"

Tham gia chống dịch tại tâm dịch Bắc Giang là nhiệm vụ quan trọng, xác định như vậy nên dù thương con nhưng chị Hạnh sẵn sàng cùng đồng đội lên đường và bám trụ đến khi hoàn thành nhiệm vụ, bao giờ hết dịch mới về. May mắn, có người "sếp" tâm lý, thường xuyên động viên anh chị em, nên trong khó khăn vẫn rất vui.

"Chúng tôi luôn xác định sứ mệnh “hai lần chiến sĩ “của mình – chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, chiến sĩ trên mặt trận y tế, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “chống Covid-19 là nhiệm vụ chiến đấu thời bình” từ lâu đã thấm sâu trong mỗi suy nghĩ, hành động của chúng tôi.

Dẫu thương con nhưng trong sâu thẳm lòng mình, tôi tin rồi mai sau lớn lên con sẽ hiểu, sẽ cảm thông và tự hào với công việc của mẹ và các cô, các chú, các bác đồng nghiệp hôm nay. Mẹ sẽ về bên con một ngày không xa nữa", chị Hạnh chia sẻ.

Mai Loan

BẢN DESKTOP