Bình luận

Nông nghiệp không chỉ là chuyện của nông dân

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nông nghiệp không chỉ là chuyện của nông dân, của những người làm nông nghiệp mà là của toàn xã hội.

Đổi mới không thì chết

Trong Báo cáo phát triển Việt Nam 2016, Ngân hàng Thế giới (WB) có chỉ ra, nông nghiệp Việt Nam đang ở ngã ba đường, phải chọn một con đường khác để đi, nếu không sẽ hứng đủ những thách thức mới?

Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước ba thách thức lớn: Đô thị hóa, biến đổi khí hậu và hội nhập. Đô thị hóa cùng công nghiệp, dịch vụ phát triển lên đang lấy bớt đi nguồn đất, nguồn nước, nguồn nhân lực và cả nguồn tài chính rất cần cho nông nghiệp. Cũng như biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước năm nay đã thực sự xảy ra rồi.

Còn về hội nhập, cấu trúc thị trường và nhu cầu thực phẩm thay đổi, nông nghiệp Việt Nam cũng phải chuyển theo hướng đưa ra thị trường sản phẩm an toàn, chất lượng, tăng chế biến, tạo giá trị gia tăng cao hơn, thay vì xuất khẩu hàng thô hay bán ra thị trường trong nước hàng kém an toàn.

Là thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi và phát triển?

Đúng vậy. Khi Đổi mới năm 1986, ta ở thế bị dồn tới chân tường, phải đổi mới không thì chết. Bây giờ nông nghiệp cũng đứng trước tình thế đó. Nông nghiệp muốn phát triển phải làm theo cách khác, xuất phát từ nhu cầu thị trường, đưa công nghệ vào, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. Phải tăng giá trị, tăng thu nhập cho nông dân để họ có động lực làm tốt hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để họ có thể tham gia kinh doanh trong nông nghiệp…

Quan trọng nhất là phải làm gì, thưa bà?

 Số một phải từ tư duy, cách nhìn nhận và hành xử của những người lãnh đạo. Nếu nông nghiệp không được thực sự coi là khu vực ưu tiên để phát triển thì sẽ không thể có được những nguồn lực và sự hỗ trợ tương ứng.

Ở nước ta, việc phân bổ các nguồn lực cho phát triển nằm trong tay nhà nước, và doanh nghiệp, kể cả FDI, thường theo tín hiệu nhà nước ưu tiên cho chỗ nào, đổ nguồn lực vào chỗ nào thì họ vào chỗ đó. Khu vực nông nghiệp nhiều rủi ro nhất, những người đầu tư thường ngần ngại, nhưng nếu nhà nước sẵn sàng chấp nhận chia sẻ những rủi ro về thiên tai, đồng thời không gây “nhân tai” mà tạo thuận lợi cho đầu tư của doanh nghiệp và nông dân thì người ta mới dám làm.

Nhóm lợi ích lái được chính sách

Từ trước đến nay chúng ta vẫn luôn xác định nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế?

Các nghị quyết, văn bản thì rất nhiều và rất toàn diện, với vô vàn thứ ưu tiên, mũi nhọn. Nhưng doanh nghiệp, người dân hay các cấp chính quyền thì nhìn vào thực tế. Mấy năm vừa rồi khó khăn như vậy, nhà nước ta vẫn dành 30.000 tỷ để vực dậy bất động sản. Nhưng nông nghiệp có bao giờ được hỗ trợ như thế không?

Thực tế trong vận hành kinh tế luôn có những tình huống nhóm lợi ích lái được chính sách theo lợi ích của họ. Khu vực nông nghiệp đông người làm nhất, nhưng hầu hết là thân phận nhỏ nhoi, không có tiếng nói, cho nên dù các nghị quyết có viết hay thế nào về nông nghiệp thì trên thực tế, nguồn lực cho nông nghiệp vẫn hạn hẹp.

Thời kỳ đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã tạo được kỳ tích?

Khi bắt đầu Đổi mới, ta chủ trương tập trung phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Vì vậy, bên cạnh đổi mới về thể chế, nhà nước đã làm nhiều việc cho nông nghiệp, nhất là về hạ tầng thủy lợi.

Nhờ đó nông dân có động lực và khả năng để làm tốt hơn. Trong có 1-2 năm trời mà nước ta chuyển từ vị thế một nước thiếu đói, phải nhập khẩu lương thực sang nước xuất khẩu gạo. Điều đó thực sự là kỳ tích. Khi có sự quan tâm thực sự thì nông nghiệp tạo được sự chuyển mình rất mạnh. Kết quả đến rất nhanh so với các lĩnh vực khác.

Nông nghiệp không phải chỉ là chuyện của nông dân, của những người làm nông nghiệp, mà xã hội phải biết quan tâm, ủng hộ, khuyến khích người ta một cách đúng đắn. Nhà nước cũng phải bớt quan liêu đi, bớt chỉ đạo theo kiểu duy ý chí, áp đặt mà tập trung cải thiện các chính sách liên quan, trước hết là chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân và nông dân, tăng cường các công cụ hỗ trợ về tín dụng, thông tin, đào tạo, tiếp cận công nghệ, mở rộng thị trường, kiểm soát chất lượng…

Bà có nói tới phải đưa công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng cho nông nghiệp?

Đầu vào cho nông nghiệp cần rất nhiều thứ: giống, phân bón, nông dược, thức ăn gia súc, máy móc, kho chứa, chế biến, các dịch vụ kỹ thuật và thương mại, hậu cần… Nhưng lâu nay các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp ít được quan tâm đầu tư phát triển. Một số doanh nghiệp được nhà nước dựng lên hoặc tư nhân đầu tư, nhưng phần lớn họ lại thiên về nhập khẩu, không thúc đẩy sản xuất trong nước, vì nhập khẩu dễ hơn, lợi nhuận nhiều hơn.

Từ đó dẫn đến nghịch lý là nền nông nghiệp của ta tương đối lớn, xuất khẩu nhiều nhưng lại lệ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu đầu vào. Và vì giá đầu vào liên tục tăng cao, trong khi giá xuất khẩu thường thấp và bấp bênh, nên rút cục nông dân chỉ hưởng lợi rất ít. Sau thu hoạch cũng vậy, dù đã nói nhiều nhưng đầu tư không thích đáng nên tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch vẫn cao.

Sự tham gia của tư nhân hiệu quả hơn nhiều

Là một nước nông nghiệp, vậy tại sao công nghiệp hóa của mình lại không hướng vào nông nghiệp?

Chúng ta vẫn bị ám ảnh bởi mô hình Xô viết, vẫn ưu tiên cho công nghiệp nặng, khát khao phát triển thép, xi măng, điện… Khi đổi mới, ta ưu tiên phát triển nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và xuất khẩu. Nhờ thế sau mấy năm thực hiện đã vực nền kinh tế dần dần ra khỏi khủng hoảng.

Ta đã chọn cái vừa sức mình. Làm gì có tiền mà làm công nghiệp nặng nhiều. Đây là ngành thâm dụng vốn kinh khủng, trong khi nông nghiệp và công nghiệp nhẹ không đòi hỏi quá nhiều vốn và rất nhiều người tham gia được. Sau này có điều chỉnh dần hướng phát triển, và đến lúc vị thế của các doanh nghiệp nhà nước, đầu tư nước ngoài nổi lên, thì các lĩnh vực được ưu tiên cao lại hướng theo sự quan tâm của các doanh nghiệp này, nông nghiệp lại bị lãng quên.

Theo bà, tại sao trong nông nghiệp không thấy vai trò của các doanh nghiệp nhà nước?

Nhìn lại xem các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong những lĩnh vực nào? Toàn những ngành điện, dầu khí, than khoáng sản, rồi thép, xi măng, hóa chất, đường sắt, hàng không…. Còn nông nghiệp, to nhất là tổng công ty lương thực, cùng vài đơn vị như tập đoàn cao su, tổng công ty cà phê, chè…, chủ yếu chỉ thu mua và xuất nông sản (trừ cao su có trồng). Nhưng họ cũng hình thành vị thế độc quyền hoặc chi phối thị trường.

Ngay cả những năm nhà nước hỗ trợ cho nông dân về giá thu mua gạo, thì hỗ trợ đó cũng rơi vào tay doanh nghiệp nhà nước là chính. Nếu so sánh thì sự tham gia của tư nhân hiệu quả hơn rất nhiều so với sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước. Trong thủy sản, dẫn đầu luôn là Minh Phú, Vĩnh Hoàn…, trong nhiều ngành hàng nông sản khác cũng vậy.

Vậy tư nhân vẫn là động lực để phát triển nông nghiệp?

Trong nông nghiệp, cần phải xác định lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Họ dùng quá nhiều nguồn lực, được nhà nước ưu đãi bằng nhiều cách mà vẫn kém hiệu quả, đồng thời lại chèn ép nông dân và tư nhân. Phải cải cách mạnh họ đi, để dành nguồn lực cho doanh nghiệp tư nhân và nông dân làm, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh tốt thì mới đem lại hiệu quả cao hơn cho nông nghiệp.

Các doanh nghiệp tư nhân như Cỏ May, Trung An… đang đi lên rất mạnh trong ngành lúa gạo nhờ tổ chức làm ăn giỏi, chất lượng sản phẩm cao. Họ rất thành công, nông dân làm với họ cũng được lợi hơn mà nhà nước không mất tiền đầu tư. Phải để khu vực tư nhân làm động lực chính thì nông nghiệp mới phát triển được.

Xin cảm ơn bà!

Nhật Minh thực hiện

BẢN DESKTOP