Dọc đường

Nông nghiệp 4.0: Gian nan khởi nghiệp

  • Tác giả : Tô Hội
(khoahocdoisong.vn) - Ứng dụng công nghệ, thay đổi tập quán sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp hay còn gọi nền nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam vẫn còn là con đường gian nan.

Kỳ 1:Công nghệ tốt, rẻ, dễ dùng mà… không bán được

Từng đi khảo sát ở nhiều vùng miền khắp cả nước, ông Đàm Quang Thắng,  cố vấn cao cấp chương trình Khởi nghiệp quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội hóa chất Nông nghiệp Hà Nội, Tổng giám đốc Công ty Agricare Việt Nam cho rằng, người làm nông nghiệp hiện nay chủ yếu là người già, tuổi đời từ 48 đến 60. Do đó, việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp càng trở nên khó khăn.

Thuyết phục để bán công nghệ cực khó

Ông Đàm Quang Thắng cho biết, trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp gồm rất nhiều khâu, để chuyên nghiệp thì phải xâu chuỗi chứ không thể làm chắp vá. Bản thân các địa phương, vùng nào cũng có các khu sản xuất rau an toàn, cũng có những người làm nông nghiệp, cũng cần ứng dụng công nghệ cao. Địa phương nào cũng có các khoản kinh phí để đầu tư về công nghệ cho nông nghiệp. Trong khi các startup, những người khởi nghiệp bằng nông nghiệp 4.0 hiện có rất nhiều, có thể hình thành một chu trình khép kín trong sản xuất nông nghiệp, từ hệ thống chăm sóc cây tự động đến hệ thống quản lý, chia sẻ tài nguyên nông nghiệp. Đầu tư công nghệ, chắc chắn chi phí sản xuất giảm, chất lượng sản phẩm tăng. Thế nhưng, để các startup thuyết phục được địa phương, bán được hàng, lại là chuyện không dễ dàng gì.

“Tôi ví dụ, để bán được một bộ kit cho cây trồng có giá từ 6-8 triệu đồng, mất cực kỳ nhiều thời gian. Trong khi đó nếu không ứng dụng được nhiều, chỉ có 3-4 người dùng thì lại rất khó để đánh giá được thị trường. Ít nhất phải có 30-50 người sử dụng mới đánh giá chuẩn được. Mà để có một lượng người dùng đủ lớn ấy, có khi các startup đã hết sạch vốn để kinh doanh rồi”.

Thực tế, có những sản phẩm của các startup rất hữu ích như hệ thống IoT để quản lý cây trồng, chế phẩm khử sâu bệnh bằng nano bạc hay mô hình chia sẻ nông nghiệp… đều có thể ứng dụng. Bản thân người nông dân cũng có thể đặt câu hỏi rằng, tôi được gì khi mua công nghệ. Chia sẻ lợi nhuận là một trong những mục tiêu của các startup khi khởi nghiệp, nhưng chắc chắn họ không bao giờ dám cam kết ông mua công nghệ của tôi, chắc chắn ông sẽ có lãi. Họ chỉ có thể cam kết chi phí sản xuất giảm, năng suất tăng cao, còn các yếu tố thị trường thì khó có thể làm được.

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia Techfest Vietnam do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, các tổ chức chính trị - xã hội. Techfest 2018 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 tại Đà Nẵng với định hướng chủ đạo “Khởi nghiệp sáng tạo 4.0 - Kết nối toàn cầu”.

Người già mới làm nông nghiệp

“Thực tế, đối tượng khách hàng của các startup mảng nông nghiệp rất đặc thù. Công nghệ muốn áp dụng phải làm chủ, và sử dụng được công nghệ ấy. Tôi tự nhận mình là người bám sát ngành nông nghiệp cực kỳ sát. Tôi đi cùng doanh nghiệp, vận động thị trường, tìm hiểu thực trạng nền nông nghiệp thì thấy vấn đề là những người còn lại để làm nông nghiệp hiện nay là người già hết. Tuổi trung bình của những người làm nông nghiệp từ 48-60. Những thanh niên trẻ họ thường đi làm xuất khẩu lao động hoặc ở các khu công nghiệp, lương 1 tháng bằng cả năm làm nông nghiệp. Nên để ứng dụng một sản phẩm công nghệ vào nông nghiệp thực sự là cực kỳ khó. Đa phần họ chưa đủ trình độ để ứng dụng công nghệ, thế thì làm nông nghiệp 4.0 kiểu gì?”, ông Đàm Quang Thắng chia sẻ.

Vậy là để “tìm đường”, các startup buộc phải tìm đến những người có tiền, có nhu cầu đầu tư vào nông nghiệp, chứ không phải là những người nông dân. Dù là công nghệ rất tiện ích, đem lại hiệu quả, nhưng chính người dùng phải nhìn thấy giá trị thực sự của công nghệ ấy thì họ mới sẵn sàng bỏ tiền ra mua. Ở đây, không thể kỳ vọng điều đó ở người nông dân sản xuất truyền thống. Để các startup có được khách hàng mất một khoản chi phí rất lớn, do đó, việc khởi nghiệp bằng nông nghiệp là điều lại càng khó.

Ông Đàm Quang Thắng cho biết, hiện nay, chi phí sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam quá cao, gần như là một trong những nước có nền sản xuất nông nghiệp cao nhất thế giới, do không áp dụng công nghệ mà làm hoàn toàn thủ công. Chi phí sản xuất nông nghiệp hiện nay, thất thoát sau thu hoạch là 7% trong khi ở Thái Lan chỉ dưới 2%. Chi phí quá cao như vậy trong khi sản phẩm đầu ra lại bán quá thấp, thấp hơn nhiều các nước trong khu vực.

“Trong khi người trồng rau hiện nay khi được mùa, đổ đi không hết, bán rẻ như cho, thì làm sao người nông dân bỏ tiền ra mua công nghệ của các startup được? Sản phẩm nông nghiệp phải bán được giá, có thị trường nhất định thì người nông dân mới tính đến đầu tư công nghệ để giảm chi phí, tăng chất lượng. Còn giờ có 2000 đồng/kg thì ai dám bỏ ra 7-8 triệu đồng mua công nghệ chăm bón? Ngay như cây tiêu cho hiệu quả kinh tế rất cao, nhưng người ta cũng không mua, không ứng dụng công nghệ”, TS Đàm Quang Thắng đặt câu hỏi.

Ông Đàm Quang Thắng

Ông Đàm Quang Thắng

Xấu mã, giá rẻ cũng khó bán

Giá trị nông sản Việt hiện đang rất thấp. Ông Đàm Quang Thắng ví dụ, 1kg na Lạng Sơn có giá chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng 1 kg na Đài Loan có giá cao hơn gấp hàng chục lần, trong khi chất lượng không ngon bằng, mà người tiêu dùng vẫn chọn mua na Đài Loan. Rau quả nói chung cũng thế, sản phẩm nhập khẩu dù đắt vẫn được ưa chuộng hơn hàng nội. Bởi tâm lý, hàng nội dễ có thuốc tăng trọng, thuốc trừ sâu… Sản phẩm nông sản của ta chật vật ra thị trường, là bởi gần như không áp dụng các công nghệ vào nông nghiệp. Các vùng sản xuất an toàn thậm chí cũng không mặn mà.

“Ví dụ như công nghệ IoT cho nông nghiệp, có các camera theo dõi chu trình sản xuất, có truy xuất quá trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến, có các thiết bị cảm biến theo dõi, chăm sóc cây… nhưng các startup làm về công nghệ IoT trong nông nghiệp đến giờ vẫn ngán ngẩm vì khó tìm được khách hàng”, ông Đàm Quang Thắng cho biết. Một bất cập rất điển hình nữa là hiện nay người nông dân đang tập trung quá nhiều vào khâu sản xuất mà quên mất các khâu khác như mẫu mã sản phẩm, công nghệ bảo quản sau thu hoạch… Công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp cực kỳ khó khăn.

“Việt Nam có rất nhiều loại quả tươi ngon, giá trị cao nhưng không có công nghệ bảo quản sau thu hoạch nên giá trị xuất khẩu rất thấp. Rồi khâu thiết kế sản phẩm để nhận diện thương hiệu gần như không có. Trong khi ở những nước khác thì họ làm cực kỳ tốt. Ví dụ đơn giản nhất là sản phẩm quả sấy khô của Thái Lan. Hình thức cực đẹp, màu sắc bắt mắt. Trong khi đó tôi thử đặt hàng các nhà khoa học trong nước cũng làm hoa quả sấy khô thì sản phẩm trông cực kỳ xấu, vừa đen đủi, nhớt lại nhăn nheo, quắt queo, thế thì ai mua? Hay đơn giản như chiếc bánh chưng. Hiện có doanh nghiệp họ đầu tư làm hộp rất đẹp, hình thức cực kỳ bắt mắt, sản phẩm có thể dùng đi biếu rất trang trọng. Với giá bán thậm chí hàng triệu đồng/cặp. Nó đẹp đến nỗi người ta không dám ăn mà để ngắm. Trong khi bánh chưng hiện nay chỉ có giá vài chục ngàn đồng”, ông Đàm Quang Thắng cho biết.

Ông Đàm Quang Thắng cho biết, mặc dù có lợi thế về nông nghiệp, nhưng các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chưa có lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường trong nước và quốc tế. Một trong những lý do quan trọng là chưa áp dụng thành tựu công nghệ tiên tiến vào sản xuất và bảo quản. Nông nghiệp Việt Nam chưa khuyến khích được các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, đầu tư và kinh doanh nông nghệp, đặc biệt là các sản phẩm sáng tạo.

Tô Hội

BẢN DESKTOP