KINH TẾ

Nông dân "điêu đứng" vì giá thức ăn chăn nuôi

  • Tác giả : Hoàng Minh
(khoahocdoisong.vn) - Giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) chính tăng chóng mặt trong những tháng đầu năm 2021 và chưa có chiều hướng giảm ngay trong quý II/2021, dự kiến sẽ giảm dần và ổn định từ quý III/2021.

Theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá TACN thành phẩm sẽ còn tăng, tối thiểu là 5 - 10% (500 - 1.000đ/kg) tùy loại. Có thể giá TACN sẽ đạt mức tăng chung là 20%, khi đó thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt và gà thịt ở giai đoạn vỗ béo có thể sẽ lên mức 11.000 - 11.300đ/kg và đây là mức giá đã được thiết lập vào năm 2014.

Ông Nguyễn Xuân Dương lý giải một số nguyên nhân dẫn đến tăng giá TACN là do giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao và thiết lập ở mặt bằng giá mới như hiện nay. Hơn nữa, chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng, các quỹ đầu tư lớn chuyển hướng sang đầu cơ nông sản và Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước.

Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực lên mọi hoạt động kinh tế xã hội, khiến chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa nói chung, trong đó có mặt hàng TACN (trung bình chi phí vận chuyển tăng 200 - 300% so với bình thường).

Theo đó, giá nguyên vật liệu sản xuất đầu vào tăng, lượng cung khan hiếm hơn, nhiều doanh nghiệp sản xuất TACN không thể mua nguyên liệu theo quý, theo năm như trước mà chỉ mua theo từng tháng. 

Ông Hoàng Văn Thái, chủ nông trại ở tỉnh Thái Bình cho biết, nếu như năm trước, giá 1 bao cám loại 25kg là 320.000đ thì nay tăng lên gần 400.000đ/bao. Trong khi đầu ra tiêu thụ rất khó khăn, chỉ bằng 1/10 trước đây.

Hiện tại, các doanh nghiệp TACN được coi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu dẫn đến hoạt động sản xuất đình trệ. Một số nhà máy có kế hoạch dự trữ nguyên liệu trong vụ chính, nhưng phải tốn nhiều chi phí về kho lạnh và lãi suất ngân hàng. Do đó, chi phí giá vốn vẫn duy trì ở mức cao.

Trước thực trạng trên, Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lên phương án, giải pháp đàm phán với các nước cung cấp nguyên liệu chính cho ngành sản xuất TACN để có nguồn nguyên liệu ổn định, phù hợp, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn để ổn định sản xuất.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, trục lợi, ép giá, tung tin thất thiệt (nếu có). 

Hoàng Minh

BẢN DESKTOP