Sống xanh

Nông dân có việc quanh năm, thu nhập tốt nhờ trồng “cỏ dại”

  • Tác giả : Theo Hữu Khoa / Dân Việt
Bám trụ cây lác - một loài cỏ dại, những hộ dân ở xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh thoát cảnh tha hương cầu thực, bà con có việc làm quanh năm, thu nhập tốt hơn, nhiều hộ trở nên khá giả, có cuộc sống sung túc.
Cây lác nuôi sống nhiều thế hệ
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề lác, ông Lưu Văn Lập đã thành thạo những phương pháp trồng cây lác. Với vốn kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm, khi lớn ông Lập quyết tâm khởi nghiệp, mạnh dạn đầu tư trồng lác trên mảnh vườn rộng 0,5ha của mình.
Theo ông Lập, cây lác không chịu được nước nhiễm mặn, nên nếu nhiễm mặn, thân sẽ không dài, chất lượng sẽ giảm và bị mất giá. Ảnh: Hữu Khoa
Giờ đây, sau hơn 20 năm trồng lác, gia đình ông Lập mua thêm 1ha đất để canh tác, đủ tiền cho con ăn học và cất nhà mới khang trang.
Theo ông Lập, đây là vùng đất nhiễm phèn nhẹ nhưng cây lác thích nghi và phát triển tốt. Tuy nhiên, cần chủ động ngăn mặn vì khi bị nhiễm mặn cây lác sẽ không dài, chất lượng bị giảm, mất giá.
Tra Vinh: Nong dan co viec quanh nam, thu nhap tot nho trong “co dai”
Mọi công đoạn từ chăm sóc đến thu hoạch lác đều được anh Thống làm thủ công. Ảnh: Hữu Khoa
Nghề trồng lác chủ yếu lấy công làm lời vì hầu hết các khâu từ gieo trồng, giữ nước, chăm sóc đến khi thu hoạch lác, phải chẻ nhỏ rồi phơi khô, bó lại, sau đó vận chuyển đến nơi tiêu thụ đều sử dụng sức người rất vất vả.
Làm nghề này phải nhìn thời tiết, tranh thủ lúc nắng to phân loại rồi bó thành từng bó nhỏ sau đó đem phơi, trở lác thường xuyên để sợi lác khô nhanh và đều.
Cây lác được trồng một lần, lưu gốc đến 5-6 năm mới trồng lại nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí cày xới và giống.
Ông Lập cho hay, mỗi năm thu hoạch từ 2-3 vụ lác, với giá bán từ 12.000-23.000 đồng/kg (loại 1 và tùy từng thời điểm), sau khi trừ đi chi phí cho lợi nhuận từ 100-150 triệu đồng/ha/vụ. So với trồng lúa thì trồng cây lác cho lợi nhuận cao gấp 5-7 lần.
Cũng như ông Lập, anh Lê Quốc Thống (39 tuổi) cho biết, trước năm 2000, kinh tế gia đình rất khó khăn thiếu trước hụt sau, rồi bắt đầu làm lác đến nay gia đình dần thoát nghèo, kinh tế có phần ổn định hơn. Hiện tại cũng có hơn 0,3ha trồng lác đủ để trang trải gia đình, ổn định cuộc sống.
"Thời gian rảnh, vợ chồng tôi làm thuê cho nhiều hộ trồng lác khác trong, ngoài xã cũng được 200-300 ngàn đồng/người/ngày. Nghề này thu nhập không nhiều nhưng vợ chồng cùng nhau làm cũng đủ sống, lo cho con cái ăn học", anh Thống cho biết thêm.
Từng bước đưa cây lác vươn xa
Theo Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh có khoảng 3.000 ha trồng lác, trong đó xã Đức Mỹ hơn 1.700ha. Năm 2022, giá trị kinh tế từ cây lác mang lại cho địa phương gần 300 tỉ đồng, giúp nhiều người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Ngoài hiệu quả phát triển kinh tế hộ gia đình, sản phẩm từ lác còn là nguồn nguyên liệu phục vụ các làng nghề tiểu thủ công nghiệp như dệt chiếu, thảm, se lõi góp phần tạo góp phần giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Tra Vinh: Nong dan co viec quanh nam, thu nhap tot nho trong “co dai”-Hinh-2
Năm 2022, giá trị kinh tế từ cây lác mang lại cho tỉnh Trà Vinh gần 300 tỉ đồng, giúp nhiều người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu.. Ảnh: Hữu Khoa
Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng đẩy mạnh nghiên cứu cơ giới hóa trong sản xuất nghề lác. Tăng cường xúc tiến thương mại từng bước đưa cây lác Đức Mỹ đến với thị trường lớn trong và ngoài nước.
Đời sống người dân xã Đức Mỹ từng bước được nâng lên nhờ có thu nhập ổn định từ nghề làm lác. Với vài người, nghề trồng lác vẫn là công việc mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình và được người dân trong vùng gìn giữ.
Theo Hữu Khoa / Dân Việt

BẢN DESKTOP