Y học và đời sống

Nỗi đau tâm thần kỳ 4: Cứa cổ tự sát vì trầm cảm sau sinh

  • Tác giả : Cát Cát
Một đêm, sản phụ vào nhà tắm dùng dao cứa cổ tự sát. Đưa đi cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán mắc trầm cảm sau sinh.

Bệnh nhân tự sát trong đêm

Bệnh nhân Đ.T.H. (24 tuổi ở Hải Phòng), sinh con đầu lòng. Theo lời kể của mẹ bệnh nhân, em bé sinh ra bị vàng da, phải điều trị. Trong suốt những ngày con phải điều trị, H. luôn cảm thấy lo lắng, căng thẳng. Sau 10 ngày con được xuất viện về nhà, lo lắng ngày càng tăng lên.

Vì không có sữa, nuôi con hoàn toàn bằng sữa ngoài, nên bệnh nhân lo con không có sức đề kháng, sẽ bị ốm lại. Rồi lo mình sẽ chăm con không tốt...

Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, ngủ kém, ít nói, không thấy vui, cười nói vô cớ. Gia đình đưa đi khám, làm các xét nghiệm thì sức khoẻ sau sinh về sản phụ khoa đều ổn. Gia đình động viên, chăm sóc nhưng chị H. ngày càng trầm lặng, mất ngủ nhiều hơn, ăn uống kém.

Và một đêm, bệnh nhân vào nhà tắm dùng dao cứa cổ, cổ tay, chân mình. Gia đình tạm xử lý vết thương, lập tức đưa lên bệnh viện tỉnh cấp cứu. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm, dùng thuốc nhưng bệnh không thuyên giảm.

Bệnh nhân ngày càng ít nói, rất khó nói chuyện, luôn tưởng tượng có người để ý, không tốt với mình. Gia đình bèn đưa lên Viện Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Lo lắng tăng, ngày càng mệt mỏi…thì cần đến viện

ThS.BS Nguyễn Hoàng Yến, Viện Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân H. cho biết, sau hơn một tuần điều trị tại Viện, hiện các triệu chứng đã được cải thiện. Bệnh nhân ngủ tốt hơn, bắt đầu trả lời, tiếp xúc với người khác nhưng khí sắc vẫn chưa tốt, vẫn trầm buồn và còn ý tưởng có ai đó muốn làm hại mình.

“Bệnh khởi phát trong thời kỳ sau sinh, trước đó bệnh nhân hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì về bệnh lý tâm thần hay cơ thể, nên được chẩn đoán bị mắc rối loạn tâm thần liên quan thời kỳ sinh đẻ với triệu chứng trầm cảm”, BS Yến cho biết.

Phụ nữ khi mang thai, sinh đẻ có nhiều sự biến đổi cả về tâm lý và sinh lý.

Về tâm lý, có thể xuất phát từ thay đổi về ngoại hình: sau sinh thường béo lên, sồ sề...; thay đổi về trách nhiệm: khi có con phải lo cho sức khoẻ của con; thay đổi về công việc: có thể đang làm công việc năng động, thăng tiến thì giờ chỉ quẩn quanh bốn bức tường với con...

Về sinh lý, sự sụt giảm hormon đột ngột sau khi sinh cũng khiến ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm lý.

Trong y văn, có ghi nhận hiện tượng sau sinh gọi là “baby blues”, người phụ nữ thường cảm thấy buồn man mác, khó vui vẻ, thường xuất hiện ở tuần đầu sau khi sinh. Nếu trong lúc này, được sự hỗ trợ tốt từ phía gia đình, đặc biệt là người chồng, thì sẽ tự hết. Tuy nhiên, nếu thấy các triệu chứng trên ngày càng tăng, bệnh nhân thấy mệt mỏi, lo lắng thái quá, khó vui vẻ, khó ngủ, các sinh hoạt chăm sóc cho con, cho mình bị cản trở thì nên đi khám.

Đến viện không có nghĩa là phải can thiệp thuốc ngay mà có thể điều trị bằng tâm lý lâm sàng. Nếu rối loạn xuất phát từ yếu tố stress như mâu thuẫn trong việc chăm sóc con giữa mình với bố mẹ, tình cảm vợ chồng... thì sẽ được các chuyên gia hỗ trợ, giải tỏa...

Quan tâm tới sức khoẻ tinh thần của sản phụ

Để phòng ngừa và tránh bệnh, theo BS Yến, chúng ta cần chú ý tới sức khoẻ tinh thần của người phụ nữ trong giai đoạn sinh nở. Ví dụ như quan tâm xem họ có ngủ được không, vui vẻ không, món ăn được cho là tốt, bổ đó họ có thích hay không.

“Trước mắt, cần có sự thay đổi từ giáo dục giới tính trong nhà trường tới nhận thức xã hội, đặc biệt là những bạn trẻ trước khi lập gia đình nên trang bị cho mình những kiến thức, sự hiểu biết về hôn nhân, sức khoẻ sinh sản, kỹ năng làm bố mẹ... thì sẽ tránh được những khủng hoảng, sang chấn về mặt tinh thần”, BS Yến nói.

Cát Cát

BẢN DESKTOP