Trong khi đó, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 27,5% về còn 217 tỷ đồng. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư và thu nhập từ góp vốn mua cổ phần không đáng kể khi giảm mạnh lần lượt 61% và 64% về vỏn vẹn 6,2 tỷ đồng và 3,7 tỷ đồng.
Đặc biệt, hoạt động khác của Sacombank kỳ này bất ngờ âm tới 110,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 30 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động lại tăng 9% lên 3.287 tỷ đồng. Thêm vào đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng mạnh 45% khi chiếm 1.198 tỷ đồng.
Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Sacombank trong quý 3 vẫn tăng 35% so cùng kỳ khi đạt 2.201 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.489 tỷ đồng, tăng gần 19% so cùng kỳ.
Về chi phí, cũng cần lưu ý, trong kỳ, Sacombank chi hơn 127 tỷ đồng để trả thù lao cho HĐQT (41,48 tỷ), Ban Tổng giám đốc (72,4 tỷ) và Ban kiểm soát (13,3 tỷ), con số này tương đương với kỳ trước.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2024, tổng tài sản có của Sacombank tăng thêm 28.596 tỷ lên 702.985 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng chiếm 525.493 tỷ đồng, tăng 8,8% so đầu năm. Tiền gửi của khách hàng cũng tăng 10,9% so đầu năm, lên 566.724 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ cho vay, tại thời điểm cuối tháng 9/2024, tổng nợ xấu của Sacombank tăng hơn 18% so đầu năm, lên mức 12.999 tỷ đồng.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn rất đáng ngại khi gấp 1,8 lần đầu năm, với 9.045 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng 2,4% lên 1.526 tỷ đồng. Riêng nợ nghi ngờ giảm mạnh tới 47% về còn 2.427 tỷ đồng.
Tương ứng tỷ lệ nợ xấu của Sacombank tăng từ mức 2,28% của đầu năm lên 2,47%.
Chất lượng nợ cho vay của Sacombank tại thời điểm cuối tháng 9/2024 |