NHÌN THẲNG

Nở rộ các “App” lừa đảo khi mua sắm trực tuyến mùa dịch

  • Tác giả : Lương Thụy Bình
Lợi dụng nhu cầu mua hàng qua mạng gia tăng trong mùa dịch Covid-19, các đối tượng đã triệt để sử dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán số của ứng dụng mua sắm trực tuyến, sự bất cẩn của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, “xoáy” nhiều vào các thủ đoạn liên quan như tạo các website bán hàng trực tuyến vật tư y tế như khẩu trang y tế, nước rửa tay khử khuẩn…

"Sập bẫy" lừa đảo mua sắm online

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng đã quảng cáo bán các thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19 tại nhà như các loại máy thở, thuốc, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2… với giá từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng. Các loại máy này thường nhái các thương hiệu uy tín như Eveny, Omroni hoặc tên chung chung là Oximeter. Bên cạnh đó, chúng có điểm chung là thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, nút bấm để khởi động. Tuy nhiên, những thiết bị này có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, các mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy.

Theo tìm hiểu, hầu hết các thiết bị đo SpO2 với giá dưới 300.000đ trên thị trường đều nhận được những phản hồi tiêu cực về chất lượng và bị đánh giá rất thấp. Bên cạnh đó, việc sử dụng những mặt hàng này còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khoẻ của người dùng.

Một thủ đoạn lừa đảo khác cũng tinh vi không kém là dùng ảnh chụp màn hình lệnh chuyển khoản giả. Theo đó, đối tượng giả làm khách đặt mua hàng qua mạng, đồng thời chụp màn hình điện thoại về thông tin chuyển khoản số tiền phải thanh toán cho bên bán thành công qua Internet Banking. Bên bán coi hình chụp màn hình điện thoại, tưởng thông tin chuyển khoản số tiền là thật nên nhờ dịch vụ giao nhận chuyển hàng cho khách. Khi shipper lấy hàng đi rồi, tài khoản ngân hàng của người bán chưa nhận được tiền nên gọi cho khách hàng thì sẽ được trấn an là do ngân hàng bị lỗi mạng nên tiền chưa tới. Lúc này, phía dịch vụ vận chuyển giao hàng xong nên bên bán không thể lấy lại hàng được.

Đáng chú ý, các đối tượng còn dùng các “App” lừa đảo mạo danh đầu tư văcxin Covid-19, thiết bị y tế. Các ứng dụng này có hình thức đầu tư vào các gói văcxin Covid-19 hoặc thiết bị y tế như khẩu trang, kính bảo hộ… Người dùng bị dụ dỗ, lôi kéo bằng cách đăng ký tài khoản tại một trang web hoặc “App” không rõ nguồn gốc, không có bản quyền công ty bảo hộ; việc đầu tư sẽ thu lời hằng ngày. Việc trao đổi thông tin với người hỗ trợ cũng như các thành viên khác được thực hiện qua nhóm chat trên zalo, telegram hoặc các ứng dụng mạng xã hội khác. Chính vì thế, nhiều người đã bị lừa hàng chục triệu đồng khi các “App” sập, không thể rút lại tiền.

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng còn xoáy nhiều vào các thủ đoạn liên quan như tạo các website bán hàng trực tuyến vật tư y tế như khẩu trang y tế, nước rửa tay khử khuẩn… Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc và không giao hàng như thỏa thuận. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá dịch vụ tiêm văcxin; dịch vụ “Ship Cod” - dịch vụ vận chuyển sẽ ứng số hàng cho người bán khi nhận hàng và thu lại tiền của người mua khi giao hàng; giả danh nhân viên bệnh viện mạo nhận thông báo đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi bệnh Covid-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán chi phí cho quá trình điều trị…

Chỉ mua sản phẩm tại các website uy tín

Trước đó, Bộ Công an cũng từng cảnh báo, người bán hàng online, các cá nhân kinh doanh cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện giao dịch chuyển tiền; chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức, công khai của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Đặc biệt, Bộ Công an nhấn mạnh, tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác; hạn chế việc công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng. Đối với các tài khoản công khai dùng để giao dịch online, người kinh doanh cần hạn chế số tiền dư quá lớn, tránh để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Khi phát hiện hành vi lừa đảo, Bộ Công an đề nghị người dân cần thông báo ngay đến cơ quan công an để được hướng dẫn giải quyết.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại các website cung cấp đầy đủ thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách về đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ đánh giá của những người đã mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét nguồn gốc rõ ràng, các đơn vị là các cửa hàng thuốc được cấp phép và mặt hàng nằm trong danh mục được phép lưu hành. Người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua ở các fanpage không có thông tin người bán, không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online mà không có cửa hàng cụ thể.

Theo quy định, các hành vi lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản; thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản dù dưới 2 triệu đồng, đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” với mức chế tài cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.

Lương Thụy Bình

BẢN DESKTOP