Mất túi mật - khó khăn trong tiêu hóa
Thời gian gần đây nhiều người mổ sỏi túi mật xong sức khỏe bình thường nhưng khi càng lớn tuổi, tác hại của việc mất đi túi mật mới lộ rõ. Cụ thể, nhiều người thấy trước kia có thể ăn trứng, ăn khoai không thấy đầy bụng thì nay, ăn những thức ăn này bụng ấm ách, khó tiêu, buồn nôn. Có người cứ ăn đồ chiên xào, ăn cá rán lại thấy ngứa râm ran.
TS.BS Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho biết, túi mật là bộ phận của đường dẫn mật ngoài gan. Trong cơ thể, gan sản xuất mật rồi chuyển xuống ống mật và dự trữ ở túi mật. Đến bữa ăn, túi mật co bóp và chuyển dịch mật trong túi mật vào tá tràng giúp tiêu hoá thức ăn. Khi bị cắt túi mật, dịch mật tiết ra từ gan được đưa thẳng xuống tá tràng, không được cô đặc và dự trữ ở túi mật nên có thể ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa. Khi túi mật mất đi, người bệnh phải chuyển sang ăn thực phẩm dễ tiêu, hạn chế mỡ và những đồ ăn chiên rán, vừa ăn vừa thăm dò, nếu không thấy xuất hiện những khó chịu nào đáng kể thì mới trở lại ăn uống bình thường.
Trường hợp nào nên phẫu thuật?
Mặc dù phẫu thuật sỏi túi mật là nội soi, ít biến chứng nhưng tác động vào bất cứ bộ phận nào của cơ thể cũng cần cân nhắc. Theo TS.BS Đinh Quý Lan, nếu kiểm tra chỉ thấy sỏi đơn thuần, sỏi đó không gây hại cho chức năng gan, không ảnh hưởng sức khỏe thì người bệnh nên sống chung với sỏi.
Với sỏi gây biến chứng (chiếm 30%) sẽ có chỉ định cắt túi mật trong những trường hợp: Thứ nhất, sỏi gây viêm túi mật, viêm đường mật, sốt, vàng da, điều trị nội khoa không hiệu quả, nghỉ thuốc lại tái phát. Thứ hai, sỏi di chuyển khiến người bệnh đau nhiều, tắc mật (tắc ngay ống mật chủ), tắc ống dẫn mật thì phải cắt túi mật. Thứ ba, sỏi gây viêm, hoại tử, thủng túi mật dẫn đến viêm phúc mạc ruột thì phải chỉ định cắt ngay. Thứ tư là ung thư túi mật, mổ ra có sỏi thì phải cắt túi mật.
Hiện nay cắt túi mật đang có chiều hướng gia tăng, chưa có kiểm tra cụ thể để xem xét chỉ định đó có đúng theo quy định của bệnh lý hay không.
Mổ nội soi có an toàn?
Phẫu thuật túi mật nội soi có tỷ lệ biến chứng nhất định. Sau cắt có thể bị dính túi mật, viêm nhiễm sau phẫu thuật, chảy máu tuy không nhiều. Một số người sau cắt có triệu chứng như đau bụng hoặc vàng da nguyên nhân do sót sỏi, tổn thương đường mật, mất nhu động và giãn ống mật chủ (có thể nội soi mật tụy ngược dòng để chẩn đoán chính xác). Khi túi mật mất đi, dịch mật tăng tiết xuống tá tràng, trào ngược lên dạ dày gây viêm dạ dày.
Ngoài ra, có thể gặp một số biến chứng khác như viêm tụy do dịch mật tràn vào ống tụy, rối loạn vận động đường mật. Chính vì vậy, sau khi cắt bỏ túi mật cần theo dõi các biến chứng sớm và muộn do cắt bỏ túi mật gây ra để xử lý kịp thời.
Sau khi cắt túi mật, người bệnh nên ăn lỏng để nhanh hồi phục. Nên hạn chế chất béo giúp gan không phải gắng sức. Lượng chất béo nạp vào cơ thể không nên vượt quá 30% tổng lượng calo trong ngày. Về tỷ lệ chất béo, chỉ nên nạp vào không quá 7% chất béo bão hòa và 1% chất béo trans. Nên hạn chế ăn các món ăn chiên xào, nên tăng cường đồ luộc, hầm, nướng…
Khi ăn cá, hải sản có vỏ, thịt gà nên bỏ da. Hạn chế tiêu thụ những thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt hộp, thịt xông khói, lạp xưởng, giăm bông vì chúng chứa nhiều chất béo. Khi ăn thịt thấy khó chịu có thể chọn những nguồn cung cấp protein từ thực vật như đậu hũ, đậu Hà Lan hay đậu lăng.
Cũng như nhiều bệnh sau phẫu thuật khác, khi đã cắt bỏ túi mật nên tăng cường chất xơ từ trái cây và rau xanh cùng với các loại ngũ cốc thô giúp cảm thấy no lâu mà không nạp quá nhiều chất béo. Nên ăn gạo lức, bánh mì làm từ bột ngũ cốc thô. Khi bị đầy hơi, không nên ăn rau sống mà nên ăn rau đã nấu chín mềm. Với nước, nên tích cực uống nước lọc, nước hoa quả ép không đường, không uống rượu vì có hại cho gan, các đồ uống có gas cũng không nên dùng vì chúng gây đầy bụng, khó tiêu.