Dữ liệu y khoa

Những thức ăn thông dụng chứa mầm bệnh ký sinh trùng

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Ngoài thịt, các loại hải sản, rau thường dùng có chứa mầm bệnh ký sinh trùng. Mầm bệnh đó xâm nhập vào con người sẽ gây bệnh gì? Làm sao để tránh?

Thức ăn là thủy sản:

Thuỷ sản nước ngọt bao gồm cá, tôm, cua, lươn, ếch đều có khả năng bị ô nhiễm bởi mầm bệnh ký sinh trùng, đó là các loài ký sinh trùng truyền qua thức ăn (Foodborne parasites).

Cá gây nhiều bệnh giun, sán: Trong cá, nhất là cá nước ngọt có thể chứa nhiều loại mầm bệnh ký sinh trùng gây bệnh cho người như bệnh sán lá gan nhỏ (Clonorchiasis, Opisthorchiasis); bệnh sán lá ruột nhỏ (Heterophyiasis, Echinostomiasis); bệnh giun đầu gai Gnathostomiasis.

Người bị bệnh sán lá gan nhỏ khi ăn phải cá có ấu trùng sán chưa nấu chín như gỏi cá, cá rán hay nướng chưa kỹ, cá om dưa. Những ấu trùng này vào dạ dày rồi lên ống mật ký sinh và gây bệnh. Chúng có thể sống tới trên 20 năm, chúng kích thích ống mật gây dày dãn đường mật, gây xơ gan và ung thư đường mật, có trường hợp sán lên ống tụy gây u đầu tụy và ung thư tụy.

Sán lá gan nhỏ phân bố ở nhiều nơi, ít nhất có tới 32 tỉnh có bệnh lưu hành, có nơi 30-40% người dân bị nhiễm sán lá gan nhỏ (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Yên, Bình Định), có tỉnh bệnh sán lá gan nhỏ phân bố trên toàn tỉnh như Hòa Bình.

Ăn cá chưa nấu chín có nguy cơ nhiễm sán lá gan nhỏ rất cao vì tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán trên cá nước ngọt cao (từ 10% đến 90%), đặc biệt kiểm tra 10 loài cá nuôi ở ao tại Nam Định và Ninh Bình có tới 8 loài nhiễm ấu trùng, ngay cả cá ở chợ nội thành Hà Nội cũng có 7 loài nhiễm ấu trùng trong 10 loài kiểm tra.

Phần lớn các bệnh nhân sán lá gan nhỏ đều không thấy biểu hiện bệnh rõ, thường có rối loạn tiêu hóa, nếu bệnh nặng mới có đau tức vùng gan, đôi khi vàng da, nước tiểu vàng. Cần được phát hiện sớm để điều trị, nếu để lâu khi xuất hiện khối u trong gan thì đã muộn.

Hơn nữa các động vật như chó mèo cũng bị nhiễm sán lá gan nhỏ như người và việc quản lý phân của chúng rất khó nên trứng sán theo phân chó mèo xuống ao nuôi cá mà chúng ta không biết.

Trong cá, ngoài mầm bệnh sán lá gan nhỏ còn có sán lá ruột nhỏ, chúng ký sinh ở ruột chiếm thức ăn của chúng ta và gây viêm ruột. Bệnh cũng phân bố ở những vùng có tập quan ăn gỏi cá và cá chưa nấu chín. Trong cá và lươn còn nhiễm ấu trùng giun đầu gai gây bệnh ấu trùng giun ở người rất khó chẩn đoán và khó chữa. Đã có hàng trăm bệnh nhân được xác định ở Việt nam, chủ yếu ấu trùng giun ký sinh dưới da. Lươn nhiễm ấu trùng giun này 11%, cá quả nhiễm 4,6%.

ky-sinh-trung-trong-luon-song.jpg

ky-sinh-trung-trong-luon-song.jpg

Ăn cua nhiễm sán lá phổi dễ nhầm với lao: Cua đá (cua suối) có thể nhiễm ấu trùng sán lá phổi. Người ăn phải cua có ấu trùng này sẽ bị bệnh sán lá phổi Paragonimiasis (gồm trên 10 loài trong số 50 loài được thông báo gây bệnh ở người). Sán lá phổi sống trong phế quản hay màng phổi gây ra ho ra máu hay tràn dịch màng phổi.

Hầu hết bệnh nhân sán lá phổi đều bị chẩn đoán nhầm là lao phổi, đôi khi còn nhầm với u phổi. Có bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm lao phổi và điều trị lao 30 năm, trong lúc đó điều trị sán lá phổi chỉ 2 ngày. Bệnh sán lá phổi đã phát hiện ở 10 tỉnh miền núi phía Bắc, có nơi tỷ lệ nhiễm tới 15% (Sơn La). Cua đá ở 10 tỉnh có bệnh nhân đều bị nhiễm ấu trùng sán lá phổi, có nơi cua nhiễm 98% và có cua nhiễm tới 242 ấu trùng (Sìn Hồ, Lai Châu).

Ếch gây ấu trùng sán trong mắt, phổi: Ếch nhái có thể chứa ấu trùng sán nhái. Nếu người ăn thịt ếch nhái có ấu trùng chưa nấu chín hay đắp ếch nhái lên mắt để chữa bệnh đều bị nhiễm bệnh sán nhái Sparganosis. Bệnh phân bố rải rác nhiều nơi, có cháu nhỏ 26 tháng cũng bị nhiễm ấu trùng sán nhái trong màng phổi (Bệnh viện Nhi Trung ương, 2007). Ở Việt nam tỷ lệ ếch nhái có ấu trùng sán là 75%.

Ốc thủ phạm của sán lá, giun lươn: Ốc là vật chủ trung gian của rất nhiều loài giun sán, nhất là sán lá, nhưng ăn ốc sống chỉ bị nhiễm một số loài sán lá ruột nhỏ, đặc biệt ăn ốc sên chưa chín bị nhiễm bệnh giun lươn não Angiostrongyliasis, bệnh có thể bị nhiễm khi ăn rau hay mút tay bẩn có ấu trùng.

Bệnh giun lươn não gây viêm màng não tăng bạch cầu ái toan. Bệnh gặp nhiều ở trẻ em. Bệnh phân bố rải rác nhiều nơi và đã phát hiện hàng trăm bệnh nhân, có thôn gặp 2 cháu nhỏ cùng bị bệnh và cùng vào Bệnh viện Nhi (Phú Thọ, 2009). Nếu không chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh sẽ tiến triển nặng và có thể tử vong. 

Ký sinh trùng sinh trưởng trong rau:

Rau chứa mầm bệnh ký sinh trùng bên trong:  là các loài rau thủy sinh như rau ngổ, rau cải soong, rau muống ao, rau cần, rau răm có thể chứa ấu trùng sán lá gan lớn và sán lá ruột lớn. Người ăn phải rau sống có ấu trùng loài sán này sẽ bị bệnh sán lá gan lớn Fascioliasis hay bệnh sán lá ruột lớn Fasciolopsiasis.

Bệnh sán lá gan lớn gây nên các khối u trong gan hay một số nơi khác làm cho thầy thuốc chẩn đoán nhầm với u, đặc biệt nhầm với ung thư, dẫn đến xử lý không đúng và gây nguy hiểm cho người bệnh, thậm chí có bệnh nhân bệnh viện trả về chờ chết. Bệnh sán lá gan lớn được phát hiện trên 52 tỉnh thành với trên 20.000 bệnh nhân. Cần được chẩn đoán sớm để điều trị đúng thuốc mới khỏi được, đặc biệt một số bệnh nhân do sán không ở trong gan nên không chẩn đoán được nhưng cũng có bệnh nhân sán gây u trong gan và không có triệu chứng gì làm thầy thuốc nghĩ đến ung thư.

 Điều cần thiết là phải kiểm tra tất cả những người bị u gan hay áp xe gan để xem có bị sán hay không vì nếu bị sán chỉ cần uống thuốc là khỏi, không cần xử lý gì thêm. Ví dụ năm 2006-2010, trong số bệnh nhân chẩn đoán u gan có chỉ định mổ tại bệnh viện Việt Đức Hà nội, có hơn 30% bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn và những bệnh nhân này đều không phải mổ. Bệnh sán lá ruột lớn chỉ gây bệnh tại ruột nên không nguy hiểm như bệnh sán lá gan lớn.

Rau có mầm bệnh ký sinh trùng bám bên ngoài: những mầm bệnh ký sinh trùng bám vào rau gồm các loại trứng và ấu trùng giun sán.

Nếu người ăn rau sống có trứng giun đũa sẽ bị bệnh giun đũa. Giun đũa ký sinh tại ruột, chúng chiếm thức ăn gây thiếu dinh dưỡng, suy dinh dưỡng ở trẻ em, ngoài ra còn gây tắc ruột, lồng ruột, giun chui ống mật. Nhiễm giun đũa cao trên toàn quốc, nhất là các tỉnh phía Bắc, có nơi 90%.

Người ăn phải rau có trứng giun tóc sẽ bị nhiễm giun tóc, giun tóc ký sinh ở manh tràng và đại tràng, hút máu, gây viêm, có khi gây sa trực tràng. Bệnh cũng phân bố với tỷ lệ nhiễm cao ở miền Bắc.

Người ăn phải trứng sán dây lợn sẽ bị bệnh ấu trùng sán lợn, ấu trùng ký sin h dươi da và ở não gây động kinh, co giật, liệt, nói ngọng, mù mắt…Bệnh phân bố rải rác trên toàn quốc.

Một số loài ấu trùng giun móc, giun lươn bám vào rau cũng có thể gây nhiễm cho người, nhưng 2 loài giun này và giun mỏ chủ yếu nhiễm vào người qua đường da (ấu trùng chui qua da). Bệnh giun móc/mỏ gây thiếu máu, nếu nặng có thể gây suy tim, suy gan, suy thận và suy tủy. Bệnh phổ biến trên toàn quốc, có nơi tỷ lệ nhiễm 85%.

Bệnh giun lươn gây viêm ruột, đặc biệt gây loét hành tá tràng, có nghiên cứu cho thấy 29% số bệnh nhân bị nhiễm giun lươn trong nhóm những người được chẩn đoán loét hành tá tràng. Đặc biệt giun lươn có khả năng sinh sản ngay trong ruột nên nếu không điều trị sớm có thể gây tử vong.

Ngoài ra, bám trên rau còn có mầm bệnh đơn bào như bào nang amip Entamoeba histolytica, bào nang trùng roi Giardia lamblia. Ở môi trường chúng tồn tại dưới dạng bào nang, chúng có thể bám vào rau hoặc được côn trùng như ruồi, nhặng, dán… tha vào thức ăn. Khi người ăn phải bào nang đơn bào này, chúng vào ruột gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển thành thể hoạt động và gây bệnh.

Đặc biệt khó khăn cho công tác phòng bệnh là người lành mang bào nang đơn bào và hàng ngày thải ra môi trường với số lượng lớn bào nang. Entamoeba histolytica gây bệnh lỵ amíp, có khi thành dịch và Giardia lamblia gây bệnh tiêu chảy kéo dài, đặc biệt ở trẻ em.

Chẩn đoán các bệnh ký sinh trùng nói trên tùy thuộc từng loài ký sinh trùng mà chọn phương pháp xét nghiệm phù hợp. Cụ thể các loài giun sán đường ruột chủ yếu xét nghiệm phân (trừ giun lươn nên xét nghiệm máu ELISA), các loài giun sán trong các mô, tạng nên dùng miễn dịch chẩn đoán (ELISA).

GS.TS Nguyễn Văn Đề (Nguyên chủ nhiệm khoa ký sinh trùng, Trường ĐH Y Hà Nội)

Thúy Nga

BẢN DESKTOP