Dữ liệu y khoa

Những thay đổi ở mắt bất thường khi mang thai cần khám ngay

  • Tác giả : TS.BS Hoàng Cương
Khi mang thai, cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi do nội tiết tố, trong đó có những ảnh hưởng đến mắt. Một số thay đổi có tính chất bệnh lý cần được theo dõi chặt chẽ và xử trí kịp thời.

Những thay đổi sinh lý ảnh hưởng đến mắt khi mang thai

Mi mắt: Một trong những thay đổi sinh lý phổ biến nhất trong thai kỳ là tăng sắc tố mi mắt, thường được gọi là nám. Những nghiên cứu cho đến hiện tại cho thấy nám da là kết quả của sự gia tăng hormone hắc tố, dẫn đến tăng sinh hắc tố và tăng tế bào hắc tố. Nám thường biến mất trong vài tháng sau khi sinh.

Giác mạc và đường lệ: Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến rối loạn chức năng tuyến lệ và hội chứng khô mắt. Việc sản xuất estrogen và progesterone có xu hướng tăng và testosterone tự do trong huyết thanh bị giảm do tăng protein liên kết với testosterone. Trong khi testosterone thúc đẩy sự phát triển của các tuyến meibomian thì estrogen dẫn đến cái chết của tế bào acinar.

Thêm nữa, dehydroepiandrosterone (DHEA) giảm 50% trong thai kỳ. DHEA là một androgen thượng thận chính giúp duy trì cấu trúc và chức năng của tuyến lệ.

Ngoài tình trạng khô giác mạc, cảm giác giác mạc có thể giảm, thường là thứ phát do tăng giữ nước ở giác mạc. Do đó, việc đeo kính áp tròng có thể trở nên khó dung nạp hơn hoặc thậm chí nguy hiểm hơn khi mang thai

Vấn đề khúc xạ: Độ dày và độ cong của giác mạc tăng lên trong quí thứ hai và quí thứ ba của thai kỳ, có thể là do giữ nước. Vì những thay đổi này, phẫu thuật khúc xạ giác mạc bị chống chỉ định trong thời kỳ mang thai.

Hơn nữa, rối loạn chức năng tuyến lệ làm phức tạp hóa quá trình hàn gắn vết thương sau bất kỳ thủ thuật khúc xạ giác mạc nào. Do vậy khô mắt có thể dẫn đến việc chậm liền vết thương.

Chính vì vậy, tất cả các phẫu thuật khúc xạ giác mạc như LASIK hoặc thậm chí là thay kính thuốc theo đơn cũng nên trì hoãn cho tới ba đến sáu tháng sau khi sinh, khi khúc xạ đã ổn định.

Nhãn áp (IOP): đã được nhiều báo cáo cho là giảm từ 2 đến 3 mmHg khi mang thai. Mặc dù cơ chế chính xác đằng sau sự giảm sút này chưa được thiết lập nhưng có một số giả thuyết được đề cập: Tăng luân chuyển dòng thủy dịch, độ đàn hồi của mô lớn hơn và sau đó là độ cứng của củng mạc giảm, giảm sức cản hệ thống mạch máu hệ dẫn đến giảm áp lực tĩnh mạch thượng củng mạc và nhiễm toàn thân trong thai kỳ.

IOP thường trở lại mức cơ bản trước khi mang thai trong giai đoạn sau sinh. Tuy nhiên, ở bệnh nhân tăng nhãn áp, diễn biến lâm sàng có thể thay đổi và cần được theo dõi.

Những thay đổi ở mắt bất thường khi mang thai cần khám ngay ảnh 1

Những thay đổi ở mắt bất thường khi mang thai cần khám ngay

Bệnh về mắt có từ trước sẽ ra sao?

Bệnh võng mạc tiểu đường: Các bằng chứng cho tới nay chỉ ra rằng bệnh võng mạc tiểu đường có thể phát triển và tiến triển trong thai kỳ. Diễn tiến của bệnh võng mạc bị ảnh hưởng bởi thời gian mắc bệnh tiểu đường, mức độ bệnh võng mạc trước khi mang thai, kiểm soát đường huyết và sự hiện diện của các bệnh đi kèm khác như tăng huyết áp.

Giới chuyên môn khuyến nghị rằng tất cả phụ nữ mắc bệnh tiểu đường nên khám đáy mắt trước khi thụ thai và trong ba tháng đầu. Tần suất theo dõi trong quí thứ 2 và quí thứ 3 được quyết định bởi mức độ nghiêm trọng của bệnh võng mạc.

Đối với phụ nữ mắc bệnh võng mạc không tăng sinh nghiêm trọng nên khám đáy mắt hai đến ba tháng một lần. Phụ nữ mắc bệnh võng mạc tăng sinh cần theo dõi thường xuyên hơn.

Các bệnh nhân mắc bệnh võng mạc tăng sinh và không tăng sinh nghiêm trọng trước khi mang thai, nếu quang đông bằng laser toàn võng mạc có thể làm giảm 50% nguy cơ tiến triển của bệnh. Quang đông toàn bộ võng mạc an toàn nếu áp dụng trong thời kỳ mang thai.

Ngoài ra, phù hoàng điểm do tiểu đường có thể trầm trọng hơn trong thời kỳ mang thai nhưng thường tự khỏi sau sinh. Trong một số ít trường hợp, chứng phù nề có thể kéo dài sau khi mang thai và dẫn đến các biến đổi thị lực lâu dài. Mặc dù tiêm thuốc kháng VEGF là phương pháp điều trị chính cho phù hoàng điểm và tân mạch nhưng chúng thường được tránh dùng trong thai kỳ.

Hiện tại, không có mối tương quan có ý nghĩa lâm sàng nào được xác định giữa bệnh tiểu đường thai kỳ và sự phát triển bệnh võng mạc tiểu đường. Do đó, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ không cần khám mắt thường xuyên trong thai kỳ.

Viêm màng bồ đào: Các trường hợp viêm màng bồ đào không nhiễm trùng thường cải thiện trong quý thứ hai và thứ ba của thai kỳ, mặc dù cơ chế chính vẫn chưa rõ ràng. Phản ứng miễn dịch có lợi này có thể cho phép giảm liều thuốc ức chế miễn dịch trong thời kỳ mang thai.

Nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch thường được sử dụng bị chống chỉ định trong thai kỳ, vì chúng có thể gây ra những bất thường cho thai nhi.

Các loại thuốc quan trọng nhất cần tránh khi mang thai là mycophenolate, methotrexate, leflunomide và cyclophosphamide. Tuy nhiên, steroid liều thấp, hydroxy chloroquine, cyclosporine, azathioprine, sulfasalazine và thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u như infliximab, certolizumab, adalimumab được coi là an toàn hơn.

Cho tới nay chưa có đủ dữ liệu về sự an toàn của một số sinh phẩm như rituximab và tocilizumab. Vì vậy, nên tránh sử dụng trong khi mang thai. Điều quan trọng là bệnh nhân phải khai báo chi tiết với bác sĩ sản khoa và bác sĩ khớp về việc lựa chọn thuốc ức chế miễn dịch trước khi mang thai.

Toxoplasma: Tái hoạt lại bệnh toxoplasmosis tiềm ẩn ở mắt có thể xảy ra trong thai kỳ; nó có thể dẫn đến các triệu chứng ở người mẹ và nhiễm trùng bẩm sinh ở trẻ. Ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch bình thường, viêm võng mạc - màng bồ đào do toxoplasma là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm màng bồ đào sau.

Trong các trường hợp bệnh tái hoạt có thể xảy ra hoại tử võng mạc, viêm thành mạch, viêm dịch kính và viêm màng bồ đào. Những trường hợp này thường biểu hiện dưới dạng hiệu ứng “đèn pha trong sương mù” khi khám đáy mắt.

Trong một số ít trường hợp, viêm thị thần kinh - võng mạc, viêm gai thị, viêm củng mạc, viêm màng bồ đào trước dạng Fuchs và hoại tử võng mạc cũng đã được báo cáo.

Nhiễm trùng tái hoạt trong khi mang thai được điều trị bằng uống spiramycin hoặc pyrimethamine - sulfadiazine với axit folinic cho đến khi sinh để giảm lây truyền từ mẹ sang thai nhi. Clindamycin và dexamethasone tiêm vào dịch kính cũng có thể được sử dụng như liệu pháp bổ trợ.

TS.BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt TƯ)

TS.BS Hoàng Cương

BẢN DESKTOP