Quyết liệt các giải pháp để hoàn thành mục tiêu
Bộ trưởng Bộ Y tế, Đào Hồng Lan cho biết, trong năm 2022, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, ngành Y tế nỗ lực hết sức trong điều kiện năng lực, nguồn lực của hệ thống y tế còn hạn chế và đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Trước hết, quán triệt và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với phương châm hành động là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”; trong đó cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao.
Với các giải pháp quyết liệt, kết thúc năm 2022, toàn ngành y tế đã hoàn thành và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, đạt 11,1 bác sĩ, 31 giường bệnh trên 10.000 dân, 92,03% dân số tham gia BHYT; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao.
Cùng với đó, Ngành y tế đã tập trung công tác hoàn thiện thể chế, trong đó được phê duyệt nhiều chính sách quan trọng trong phát triển ngành y tế: Quốc hội thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024; Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/9/2022 về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững…
Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan |
Cả nước chuyển sang giai đoạn mới “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cao nhất thế giới. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường từng bước phục hồi sau hơn 2 năm phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý môi trường y tế, tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tình hình ngộ độc thực phẩm giảm cả về số vụ và số mắc so với năm 2021. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, trẻ sơ sinh.
Tiếp tục phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, xây dựng các chuẩn năng lực nghề nghiệp, chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực sức khỏe. Nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế, trình Chính phủ điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên 100% theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Nhiều dịch vụ công của Bộ Y tế đều được cung cấp ở cấp độ 4. Hoàn thành kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19 và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính về y tế với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư.
Năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở được nâng lên; Ngành y tế đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phối hợp với bộ, cơ quan liên quan để rà soát, đề xuất sửa đổi hoặc làm rõ các văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm đấu thầu.
Đẩy nhanh việc cấp mới, gia hạn, duy trì giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19. Nghiên cứu hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản, xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Ngoài ra, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, y học cổ truyền, dân số, an toàn thực phẩm, quản lý môi trường y tế, đào tạo phát triển nhân lực y tế, chuyển đổi số y tế … tiếp tục được chú trọng. Các hoạt động phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế, truyền thông được tăng cưởng nhằm tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại và thách thức
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, bên cạnh những kết quả đạt được ngành y tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn:
Theo đó, Việt Nam của chúng ta hiện nay đứng trước không ít khó khăn do tình hình dịch COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp. Trên thế giới, các quốc gia đều nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn và vẫn có thể xuất hiện các chủng vi rút mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.
Cùng với dịch COVID-19, sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết, nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân... Hệ thống y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hội nghị ngành y tế |
Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ. Đặc biệt là mua sắm, đấu thầu chưa thể chế được hết các quan điểm, đường lối, chính sách tại Nghị quyết 20/NQ-TW, Nghị quyết 21/NQ-TW. Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế.
Dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến khó lường, khó dự đoán, một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng có số mắc tăng. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số vùng, nhóm dân tộc còn chưa bảo đảm. Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chưa bảo đảm yêu cầu, một số dự án kéo dài, chưa được giải quyết triệt để. Công nghiệp dược, trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế, còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc…
Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, nhất là ứng dụng trong triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu… Quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, cũng như tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ, tại các cơ sở y tế khu vực công lập do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với thời gian đào tạo và đặc thù nghề nghiệp…