Vấn đề - Sự kiện

Những sự kiện chính sách nổi bật của ngành giáo dục năm 2024

  • Tác giả : Bình Nguyên/TTCS
Năm 2024 sắp khép lại, Báo Tri thức và Cuộc sống xin điểm lại những kết quả nổi bật của ngành giáo dục và những chính sách mới đối với giáo viên, học sinh...
Trong năm 2024, ngành giáo dục đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Cùng nhiều chính sách quan trọng dành cho giáo viên, học sinh, được công bố và chính thức có hiệu lực.
Một trong những kết quả nổi bật đó là, năm học 2024-2025, triển khai đồng bộ việc dạy học theo Chương trình mới - Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1 đến lớp 12, ngành giáo dục tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được đưa vào dạy học từ năm học 2020-2021 theo hình thức cuốn chiếu, sau 4 năm đã thu được những kết quả bước đầu. Năm học mới 2024-2025, Chương trình sẽ được triển khai cho khối lớp 5, 9 và 12 là những khối lớp cuối cùng để ngành Giáo dục hoàn thành đầy đủ, đồng bộ các môn học, hoạt động giáo dục theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nhung su kien, chinh sach noi bat cua nganh giao duc nam 2024
Đội tuyển quốc gia Việt Nam có 8 học sinh dự thi thì cả 8 học sinh đều giành huy chương Olympic Vật lý Châu Á 2024
Kết quả về chất lượng giáo dục mũi nhọn: Thông tin từ Bộ GD&ĐT, năm 2024, học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ; các Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Trong đó, Đoàn tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 tại Hoa Kỳ đã giành được 1 giải Nhì. Đây là giải cao nhất học sinh Việt Nam giành được kể từ năm 2013 đến nay. Năm 2024 là năm học sinh Việt Nam giành được nhiều huy chương nhất với 12 huy chương vàng, 15 huy chương bạc và 10 huy chương đồng và 1 bằng khen. So với năm 2023, năm 2024 tăng 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc.
Mới đây, ngày 2/12, Đoàn học sinh Hà Nội với 6 thí sinh, đại diện Việt Nam tham dự Olympic khoa học trẻ quốc tế (IJSO) năm 2024 đã xuất sắc giành 6 huy chương, gồm 5 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.
Về chính sách miễn học phí, trong năm 2024, có 10 tỉnh thành miễn học phí 100% cho học sinh từ mầm non tới hết lớp 12 trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2024-2025 là Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái Bình Dương, Long An. Tuần trước, HĐND TP HCM đã thông qua phương án miễn học phí cho bậc THCS, tổng kinh phí thực hiện khoảng 237 tỷ đồng. Trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh tiểu học được miễn phí theo Luật Giáo dục. Hiện, trẻ mầm non dưới 5 tuổi và học sinh THPT phải đóng học phí. Sở GD&ĐT TP.HCM cũng vừa hoàn thành dự thảo xin miễn học phí cho trẻ em mầm non dưới 5 tuổi, học sinh THPT công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên THPT trên địa bàn TPHCM từ năm học 2025-2026.
Về chuyển đổi số: Toàn ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học. Đến nay, đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông, kết nối Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm. Đồng thời, triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức thành công đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.
Một chính sách nổi bật đối với giáo viên là lương cơ sở của giáo viên tăng kể từ ngày 1/7. Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I sẽ nhận mức lương cao nhất từ ngày 1/7/2024 (Theo Điều 3 Thông tư 10/2023/TT-BNV). Trong đó, người có hệ số lương 6.78 hưởng lương gần 16 triệu đồng/tháng. Giáo viên mầm non hạng III là nhóm nhận lương thấp nhất, dao động 4,91-11,44 triệu đồng/tháng (tùy bậc). Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng. Dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Từ năm học này, ngành giáo dục bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS theo Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT. Trước đây, kết quả tốt nghiệp của học sinh được xếp loại giỏi, khá, trung bình căn cứ vào hạnh kiểm và học lực. Theo thông tư mới, Bộ GD&ĐT cho phép địa phương, nhà trường tổ chức xét tốt nghiệp THCS 2 lần/năm (trước đây, các trường chỉ xét tốt nghiệp 1 lần trong năm). Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới. Trong khi trước đây, các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS chỉ được xét tốt nghiệp 1 lần trong năm.
Cũng từ năm 2024, thay vì thi thăng hạng, giáo viên được đăng ký xét thăng hạng nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, số năm công tác.
>>> Mời quý độc giả xem video GS.TS Hoàng Văn Cường chia sẻ về hai đòn bẩy cho giáo dục đại học:


Bình Nguyên/TTCS

BẢN DESKTOP