Đời sống

Những sản phẩm an toàn nào đã được cấp phép thay thế thuốc lá?

Ai cũng biết thuốc lá có tác hại cho sức khỏe chính mình và người thân. Thế nhưng, bỏ thuốc lá đối với người nghiện quả là một quá trình gian nan, thậm chí với một số người là bất khả thi.

• Cha mẹ hút thuốc lá, con dễ tử vong như thế nào?

Trong trường hợp không thể bỏ thuốc, liệu có giải pháp nào cho người nghiện?

Vì sao khó bỏ thuốc lá?

Thật khó để hình dung sức hút mãnh liệt của thuốc lá nếu bạn là người không hút. Bởi trong thuốc lá chứa nicotine, một chất gây nghiện, vốn giúp người hút thuốc cảm thấy hưng phấn, kích thích não bộ hoạt động nhanh nhạy khiến con người tỉnh táo, tập trung cao độ, suy nghĩ ra những ý tưởng tốt hơn.

Và đã là chất gây nghiện, khi không nạp vào cơ thể lượng nicotine như thường lệ, cơ thể ắt hẳn sẽ đòi hỏi. Vì vậy người nghiện thường có triệu chứng như mất ngủ, đau đầu, khó chịu, thèm thuốc khi cai. Rõ ràng, nicotine là nguyên nhân chính khiến con người hút thuốc và khó bỏ thuốc.

Thế nhưng, nicotine có mối liên hệ như thế nào với các loại bệnh liên quan đến thuốc lá?

Theo nghiên cứu của Viện Y tế và Chăm sóc Sức khoẻ Quốc gia Anh Quốc, các độc tố và chất gây ung thư trong khói thuốc lá – chứ không phải nicotine – mới là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong.

Các chuyên gia tại Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đồng ý rằng, những hợp chất độc hại được tạo ra trong quá trình đốt cháy thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đễn các bệnh liên quan đến hút thuốc như ung thư phổi cùng các bệnh về tim mạch chứ không phải nicotine.

Quá trình đốt cháy điếu thuốc lá được diễn ra ở nhiệt độ cao (từ 600 – 900 độ C) dẫn đến sự đốt cháy hoàn toàn lá thuốc bao gồm cả đốt cháy các hợp chất dễ bay hơi và đốt cháy tạp chất từ than, cuối cùng tạo ra một lượng tàn tro tương ứng. Các nhà nghiên cứu ước tính khói thuốc lá có chứa 7,357 hợp chất hóa học thuộc nhiều loại khác nhau. Khoa học thừa nhận rộng rãi rằng có khoảng 60 loại hóa chất chính sinh ra từ quá trình đốt cháy của thuốc lá là độc hại và gây ung thư.

Vì vậy, các liệu pháp thay thế nicotine, cũng như giảm thiểu tác hại của thuốc lá đã được ra đời và sử dụng rộng rãi trong nhiều năm, nhằm giúp kiểm soát các triệu chứng khi cai nghiện. Từ đó, chuyển qua các phương pháp điều trị an toàn hơn.

Các sản phẩm thay thế thuốc lá an toàn hiện hành trên thế giới

Trên thế giới, phổ biến nhất hiện nay là các liệu pháp bao gồm: miếng dán nicotin, kẹo cao su nicotin, viên ngậm, viên microtabs, ống hít nicotine và bình xịt mũi nicotine…

Các miếng dán nicotine: tác dụng tốt đối với hầu hết những người hút thuốc lá thông thường và có thể được dán liên tục (miếng dán 24 tiếng) hay chỉ trong lúc bạn đang thức và hoạt động (miếng dán 16 tiếng). Chúng hoạt động bằng cách đưa nicotine trực tiếp vào máu thông qua da.

Kẹo cao su nicotine có hai loại: 2mg và 4mg. Khi bạn sử dụng kẹo cao su nicotine, nicotine được hấp thụ qua thành miệng. Kẹo cao su nicotine hữu ích bởi nó có thể cung cấp những liều nicotine trong khoảng thời gian ngắn.

Viên ngậm nicotine: được đặt trong miệng và tan dần dần để giải phóng nicotine. Viên ngậm nicotine hoạt động giống như kẹo cao su nicotine.

Viên Microtab: là một dạng thuốc viên mini chứa nicotine có thể tan dễ dàng khi ngậm trong miệng. Hãy đảm bảo rằng bạn chỉ ngậm chứ không cố nhai hoặc nuốt chúng – bởi những điều đó có thể đem lại một số tác dụng phụ không mong muốn.

Ống hít nicotine: trông giống một điếu thuốc lá nhựa. Sản phẩm này tạo ra hơi nicotine, được hấp thụ qua miệng và cổ họng. Nếu bạn nhớ cảm giác ‘đưa điếu thuốc lên miệng’ khi hút thuốc, đây có thể là một lựa chọn phù hợp với bạn.

Bình xịt mũi nicotine: cung cấp một liều nicotine nhanh và hiệu quả thông qua lớp màng của mũi. Ưu điểm của xịt mũi là chúng hoạt động nhanh hơn nhiều so với kẹo cao su nicotine hay viên ngậm.

Toàn bộ các sản phẩm có chứa nicotine đã được cấp phép kể trên đều là những phương pháp hiệu quả nhằm giúp bạn ngừng hút thuốc với một lộ trình điều trị đầy đủ thường kéo dài 8-12 tuần, nhưng bạn cần xin khuyến cáo từ dược sĩ, bác sĩ của bạn.

Theo Huyền Anh (Infonet.vn)

BẢN DESKTOP