Đời sống

Những sai lầm ‘chết người’ khi sử dụng dầu ăn

Cuối tuần qua, Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia phối hợp với Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức hội thảo ‘Sức khoẻ và An toàn thực phẩm’ chia sẻ cách sử dụng thực phẩm an toàn cho hàng trăm đại biểu tham dự.

Ảnh minh họa.

Tại Hội thảo, PGS TS Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện Kiểm Nghiệm thực phẩm quốc gia cho biết dầu ăn là sản phẩm không thể thiếu trong tủ bếp mỗi gia đình nhưng việc sử dụng dầu ăn như nào không phải ai cũng biết. Nhiều gia đình sử dụng cả dầu oliu để chiên xào rồi sử dụng dầu chiên đi chiên lại.

Theo PGS Hảo những món chiên, nướng ở nhiệt độ cao thì nên chọn những loại dầu ăn có điểm bốc khói cao, đồng nghĩa với khả năng chịu được nhiệt độ cao như dầu gạo, dầu hạt cải, dầu cọ… Còn với các loại dầu ăn không chịu được nhiệt độ cao như dầu oliu thì chỉ nên dùng trộn salad, nấu canh hoặc xào ở nhiệt độ thấp.

Không nên chế biến ở nhiệt độ quá cao, trên 180oC và trong thời gian dài để đảm bảo món ăn không bị cháy và giảm giá trị dinh dưỡng. Dầu ăn đã sử dụng qua 1 lần thì nên đổ bỏ, không dùng lại; càng không nên đổ lẫn với dầu chưa dùng, sẽ làm dầu biến chất và nhanh hỏng hơn.

Theo bà Hảo, Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia đã từng tiến hành lấy mẫu dầu của các cơ sở chế biến thực phẩm trong 4 quận nội thành Hà Nôi năm 2012 như: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, hầu hết các cơ sở chế biến đều dùng dầu chiên đi chiên lại, có nơi chiên đi chiên lại đến 3 – 4 lần.

“Thói quen ăn uống của người Việt hiện nay chính là nguy cơ rước bệnh vào người. Dầu không thể thiếu trong bếp ăn nhưng chế biến như thế nào không phải dễ dàng. Khi dầu bốc khói là khi các chất trong dầu đã biến đổi sang chất khác”, bà Hảo giải thích.

Cũng tại hội thảo, PGS. TS Lê Bạch Mai – nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết tầm quan trọng của chất béo đối với sự phát triển của trẻ nhỏ,các chuyên gia chỉ rõ chất béo chiếm 60% trong phần vật chất giúp hoàn thiện não bộ của trẻ từ 0 đến 3 tuổi để hình thành phần não cứng. Do đó, trẻ cần được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất, nhất là chất béo để phát triển cả về thể chất lẫn trí não. Nếu thiếu hụt chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ ảnh hưởng đến chức năng nhiều bộ phận, đặc biệt là não.

Bên cạnh đó, chất béo khi vào cơ thể sẽ bị đốt cháy sản sinh ra năng lượng cung cấp cho các hoạt động của cơ thể. Chất béo còn đóng vai trò là chất dung môi hòa tan các Vitamin quan trọng với trẻ như Vitamin A, D, E nên để cơ thể trẻ hấp thụ tốt các Vitamin này càng cần phải có chất béo.

Chất béo bao gồm: Chất béo bão hòa, Chất béo không bão hòa và Chất béo có nguồn gốc thực vật. Chất béo bão hòa có nhiều trong các loại mỡ động vật. chứa nhiều cholesterol không tốt cho sức khỏe nên thường được khuyến nghị hạn chế sử dụng.

Chất béo không bão hòa có nhiều trong các loại hạt và các loại hải sản. Chất béo có nguồn gốc thực vật không chứa cholesterol, nhiều vitamin và các chất béo không bão hòa. Như vậy, hai loại: chất béo không bão hòa và chất béo có nguồn gốc thực vật được đánh giá là tốt cho sức khỏe.

Đối với trẻ em, nhu cầu chất béo trong cơ thể trẻ rất khác so với người lớn. Do đó, để cung cấp đầy đủ, cân bằng và hợp lý nguồn chất béo cần thiết cho con, cha mẹ có thể chọn cách thức sử dụng những loại dầu ăn dinh dưỡng đặc chế dành riêng cho trẻ bằng cách bổ sung trực tiếp và thường xuyên trong các bữa ăn cho con.

Ví dụ như mỗi bữa ăn, cha mẹ cho 1 muỗng khoảng 5ml dầu ăn dinh dưỡng cá hồi vào thức ăn đã nấu chín còn nóng, đây là loại dầu ăn dinh dưỡng đặc chế riêng cho trẻ có chứa nhiều dưỡng chất quý giá và cần thiết như DHA, EPA, Omega 3, 6, 9 và Vitamin A,E giúp phát triển não bộ và xây dựng nền tảng sản sinh năng lượng cho trẻ.

Theo Khánh Chi (/Infonet.vn)

BẢN DESKTOP