Dọc đường

Những người xây đảo Trường Sa

Làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thủy, Nam Định) trong mỗi cuộc họp, hay trong bữa trà dư tử hậu và thường ngày trong những cuộc “buôn dưa lê” không phải là những câu chuyện thông thường. Họ nói về đảo, về thời tiết khắc nghiệt ngoài biển khơi, về chủ quyền và lòng tự hào.

Đội thợ xây làng Bỉnh Di tham gia xây dựng đảo.

Làng xây đảo

Từ làng Bỉnh Di đi tàu biển, mà con đường thủy lộ cứ kéo dài thẳng tắp như sợi chỉ thì có lẽ cũng chẳng kém gì nghìn cây số. Ấy thế, những tin tức về đảo Trường Sa cứ được người trong làng cập nhật từng phút.

Sau mỗi cuộc “alo”, người này chạy sang nhà kia hớt hải báo tin ngoài đảo sắp có bão; rồi thì bão đã qua; rồi nay anh em được nghỉ để liên hoan và rất nhiều những tin tức có vẻ rất thời sự nhưng cũng rất đời thường về đảo.

Thì ra, ở Bỉnh Di có đến 300 anh em thanh niên trai tráng đã và đang tiếp bước vượt ngàn trùng khơi xây đảo Trường Sa – đó là tiền tuyến. Những người thợ xây ở đây báo tin về đất liền, về hậu phương thường xuyên để bà con yên tâm. Có lẽ vì thế mà ở làng quê này hình thành một thói quen rất đáng yêu: Buôn chuyện ngoài đảo.

Ông Lê Ngọc Đóa, Bí thư Đảng ủy xã Giao Thịnh, kể rằng: Ở địa phương có những làng rất đặc thù. Bỉnh Di thì chuyên đi xây dựng đảo, Thức Khóa thì chuyên đi đào vàng, làng khác nữa thì chỉ trồng lúa, đi biển hoặc chỉ đi làm nghề. Họ chuyên sâu vào một nghề, một lĩnh vực tạo ra những phường hội truyền thống.

Đi trong làng Bỉnh Di, những câu hát về Trường Sa thi thoảng vẫn ngân vang đâu đó trong những vườn nhà hoặc bên bờ ao. Theo ông Đóa, đây là làng duy nhất từng được huy động quy mô lớn số lượng thợ đi xây các đảo ở Trường Sa.

“Những người tham gia ra đảo xây dựng được hưởng lương và các chế độ khá ưu đãi. Tuy có vất vả, có gian lao và nguy hiểm nhưng chúng tôi luôn tự hào vì được góp sức cho biển đảo quê hương”, ông Lê Văn Hoàn, người làng Bỉnh Di tham gia xây dựng đảo Trường Sa.

Bởi thế Bỉnh Di còn được các cán bộ hải quân gọi vui là “làng xây đảo”. Câu chuyện cả làng đi xây đảo ở Trường Sa đến với những người thợ là một cơ duyên đặc biệt.

Ông Đỗ Ngọc Kiên, nguyên đội trưởng đội mạ thép cho đoàn công binh T3 bảo rằng: Ông Hoàng Kiền, khi ấy là trung tá, chỉ huy trưởng một đơn vị công binh, về quê tuyển người ra Trường Sa nhưng phải là người có tay nghề cao để tiếp tục việc tôn tạo và xây dựng đảo.

Cả làng Bỉnh Di có rất nhiều người đăng ký nhưng đợt đầu ông Kiền chỉ tuyển 9 người thợ giỏi nhất vào năm 1991. Tổ thợ này có trách nhiệm xây một ngôi nhà 2 tầng cùng ngọn hải đăng và cột mốc ở đảo Nam Yết, thuộc quần đảo Trường Sa.

Sau khi nhóm thợ đầu tiên với 9 người hoàn thành công việc. Từ đấy, các thế hệ Bỉnh Di theo gót chân cha anh tham gia các đợt tuyển người đi xây dựng ở đảo Trường Sa và các đảo lân cận. Bởi thế, Bỉnh Di mới có thơ rằng: Sóng xô phai bạc mái đầu/Lòng dân với đảo áo nâu sáng ngời/Bỉnh Di làng nhỏ đẹp tươi/Đảo xa in dấu chân người nông dân.

Đội thợ mộc ra đảo.

Đại gia đình ra đảo

Gia đình ông Phan Trọng Phán được coi là gia đình nổi tiếng nhất nhì xã Giao Thịnh bởi cả nhà đi xây đảo. Ông Phán kể: Cả nhà có 8 thành viên gồm cả con trai và cháu nội tham gia xây dựng trên đảo Trường Sa.

Anh Phan Văn Bảy, con trai út của ông Phán kể rằng, trước gia đình nghèo lắm, bản thân anh ngoài việc làm ruộng thì cũng chỉ đi phụ hồ trong những lúc nông nhàn nhưng vẫn chỉ đủ ăn ở mức tằn tiện. Từ khi theo chân cha anh đi xây dựng đảo thì kinh tế khấm khá hơn. Nhà dần có của ăn của để, con cái được học hành lại tậu được đất xây được nhà tầng.

Trong gia đình anh Bảy, tham gia đi xây dựng đảo đầu tiên là hai anh Thông và Phông. Nơi đầu tiên hai anh đến xây dựng công trình là đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Năm 2011, anh Bảy cùng các anh Bốn, Năm và 5 cháu trong gia đình ra Trường Sa.

Từng tham gia xây dựng các công trình trên đảo Trường Sa, hai bố con ông Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Nhất vẫn còn nhớ như in những ngày tháng lênh đênh làm bạn với sóng biển để cố gắng hoàn thành những công trình vững chắc góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Gia đình ông Đoàn Văn Tự với thâm niên hai “cuộc đời” gắn bó với đảo kể rằng: “Lúc thanh niên, tôi nhập ngũ làm chiến sĩ ở Đoàn M71 Hải quân. Sau xuất ngũ, số phận thế nào, thấy tuyển thợ đi Trường Sa, tôi xung phong ngay và trúng luôn”.

Là người đã dạn dày sóng gió nên ông Tự được đi làm ở khá nhiều đảo. Mùa biển động, các công nhân phải về đất liền, riêng ông Tự được giữ lại giao làm tổ trưởng tổ sản xuất đá phục vụ xây đảo.

Ông Lê Ngọc Đóa, Bí thư Đảng ủy xã Giao Thịnh bảo rằng: “Ở Bỉnh Di có nhiều đại gia đình ra đảo lắm. Tất cả ông, con, cháu, chắt nếu đủ sức khỏe và có tay nghề đều tham gia nhiệt tình”.

Những vật dụng người Bỉnh Di đem ra đảo để xây dựng.

Chiến thắng chính mình

Hơn 300 công nhân ở Bỉnh Di tham gia xây đảo Trường Sa đều là những chiến binh thực thụ. Khi đi, những dáng người có vẻ yếu ớt kia được tôi luyện bởi sóng gió trở nên vạm vỡ, khỏe khoắn lạ thường. Nhưng, điều mà họ phải chiến đấu và chiến thắng ngoài những khắc nghiệt thời tiết còn là chính bản thân.

“Ngày trước, những công nhân xây đảo ám ảnh nhất là thiếu nước và phải chiến đấu thường xuyên với nắng gió. Anh em phải căng bạt ra, cứ thấy nao nao chuẩn bị say nắng thì chạy vào nghỉ một chút, rồi lại ra làm”, ông Tự cho biết.

Ông Lê Văn Biền bảo rằng: Xây được một hàng gạch ở Trường Sa bằng xây cả bức tường ở đất liền. Bởi vì vữa để xây đảo phải trộn bằng nước ngọt, nhiều lúc phải dành nước ăn để trộn hồ.

Có những anh em chuyên bốc vác xi-măng bị mồ hôi quyện vào đến nỗi xi-măng vón cục “ăn” vào da người. Anh em đành phải cắn răng bóc lớp xi-măng chết ấy đi đến độ lột cả da. Vất vả là vậy nhưng không ít lần cả đội thợ đứng khóc vì mưa kéo đến, công sức cả ngày tự dưng biến mất.

Kỷ vật mà những người thợ đem về đất liền là các loại vỏ ốc.

Những người thợ từng làm ở Trường Sa đều cho biết, sức mạnh của thiên nhiên khó nơi nào thể hiện thường xuyên và mạnh mẽ như ở đây. Họ từng chứng kiến cơn lốc bốc bồn đựng đầy 25.000 lít xăng cuốn bay lên trời.

Sóng gió ghê gớm làm vậy nhưng họ đều vượt qua. Duy chỉ có sự nhung nhớ với đất liền, với vợ con gia đình là dai dẳng nhất.

Ông Hoàn, một trong những thợ đầu tiên ra đảo, chia sẻ: “Ngoài đảo lạnh lẽo, nhớ đến gia đình chẳng ai cầm lòng được. Rồi ở nhà có đám cưới, đám ma mình cũng không kịp về. Nhưng chúng tôi đều dặn lòng đang phụng vụ Tổ quốc, không được chán nản, buồn phiền. Phải hoàn thành nhiệm vụ vì đó là trách nhiệm. Bởi thế mà chiến thắng chính mình mới là sự chiến đấu khó khăn và dai dẳng nhất”.

“Hiện nay, địa phương có 3 tổ chuyên đi xây dựng đảo Trường Sa và Cam Ranh. Cứ gần tết thì họ về, ăn tết xong thì lại đi. Tính từ mốc năm 1991 đến nay đã có trên 300 người tham gia xây dựng đảo”, ông Lê Ngọc Đóa, Bí thư Đảng ủy xã Giao Thịnh.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP