Giáo dục

Những người mua bằng "thần tốc" từ ĐH Đông Đô đều có vị trí chủ chốt trong các cơ quan

  • Tác giả : Cát Cát
(khoahocdoisong.vn) -Theo kết quả điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, người sử dụng văn bằng được mua "thần tốc" đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành. Phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ.

Liên quan đến vụ việc đường dây chạy bằng cấp "thần tốc" ở ĐH Đông Đô, kết quả điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bước đầu cho thấy Trường ĐH Đông Đô đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh hệ chính quy cho các học viên theo học xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận người dân cần có văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thiện hồ sơ cán bộ (nâng lương, nâng ngạch, thăng hạng, thi tuyển vào biên chế…).

Người sử dụng văn bằng được xác định đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành, phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ.

Họ được tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 25 môn và thi tốt nghiệp chỉ trong thời gian 1 đến 2 ngày (được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3 đến 6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học.

Mức phí cho những tấm bằng này thông qua “cò giáo dục” dao động từ 50 - 150 triệu/học viên.

Theo thống kê của cơ quan công an, trong khóa học 2016-2018 đã có khoảng 400 hồ sơ văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh được đào tạo theo hình thức trên.

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, với những bằng cấp đã cấp trái quy định này thì sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định pháp luật.

Việc cấp bằng đại học mà không thực hiện thủ tục tuyển sinh, không đào tạo như vậy là hành vi được xác định là “làm, cấp giấy tờ giả”, đó là căn cứ để buộc tội các bị can trong vụ án này, đồng thời cũng là cơ sở để xác định những bằng cấp này là không có giá trị pháp lý và sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo luật sư Cường, các học viên học văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Đông Đô sẽ chia làm 2 nhóm: Nhóm thứ nhất là những người không tham gia thi tuyển, không tham gia học tập... mà bỏ tiền ra để được nhận bằng tốt nghiệp. Đây là hành vi sai phạm của cả học viên lẫn cán bộ nhà trường. Hành vi này phải xử lý nghiêm minh và thu hồi toàn bộ bằng cấp, chứng chỉ đã cấp.

Nhóm thứ hai là các học viên tham gia thi tuyển sinh, tham gia học tập đào tạo theo đúng nội dung, chương trình của Bộ GD-ĐT, đã thi tốt nghiệp. Những học viên này phải được đảm bảo quyền lợi, phải được xem xét cấp bằng theo đúng quy định.

Cát Cát

BẢN DESKTOP