Dọc đường

Những người đàn bà giấu mặt

Bên bếp lửa hay bậc cầu thang, nơi các chị ngồi ôm những đứa con nhỏ mang hai dòng máu, luôn cúi mặt, không muốn hiện diện trong ống kính của chúng tôi.

Chồng như mụ đàn bà lắm điều

Người phụ nữ bay lên trên đôi chân giả

Những người đàn bà ở chốn núi rừng này từng đi từ nỗi khổ này sang nỗi đau khác để kiếm tìm cuộc sống no đủ, kiếm tìm bình yên mà sao rất khó…

Chúng tôi đến xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An vào những ngày nắng nóng khủng khiếp. Phong cảnh rất tẻ nhạt, chỉ một màu xanh lợt lạt u buồn nơi núi rừng.

Đây là nơi rất gần với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ thượng nguồn Nậm Nơn của sông Lam. Bao nhiêu năm đã qua, Thủy điện Bản Vẽ còn để lại rất nhiều vấn đề nóng ở các kỳ họp Quốc hội.

Và cuộc sống thì vẫn trôi qua tưởng như bình lặng, mà thật ra ẩn chứa bao nhiêu chuyện buồn nhiều, vui ít của con người nơi đây.

Năm 2005, Thủy điện Bản Vẽ khởi công, dân bốn xãYên Na,Hữu Khuông,Mai Sơn,Nhôn Mai của huyện Tương Dương thuộc lòng hồ phải về tái định cư ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương.

Quê hương mới, đất chật người đông, phần lớn không đủ đất để trồng trọt. Thành thị mới thiếu đất chứ chốn núi rừng mà không đủ đất sản xuất thì quả là lạ.

Nhưng đúng là cuộc sống trái ngang như vậy. Dân của bốn xã tái định cư kể trên đã có hơn 1000 người bỏ làng mới ở Ngọc Lâm tìm về quê cũ, rồi sống vất vưởng, làm thuê làm mướn.

Anh Tài – Đồn phó Đồn Biên phòng ở vùng biên Ngọc Lâm cho biết: “Đã nhiều năm trôi qua, bà con vẫn không thích ứng được cuộc sống ở nơi mới này.

Một số bỏ về quê cũ. Số khác phải vượt biên giới qua Lào làm thuê. Thu nhập bấp bênh”.

Bà Lô Thị Huệ đang xếp những cây keo lên xe công nông. Chúng tôi bắt chuyện, bà hồn nhiên kể: “Quê cũ thì chúng tôi làm rẫy.

Trên nớ khá hơn, kiếm tiền dễ hơn nhưng  xuống núi phải đi bộ. Xuống đây đi lại dễ hơn nhưng kiếm tiền vất vả, làm rẫy làm nương thì không đủ đất.

Chúng tôi không trồng được lúa vì không có ruộng. Cả làng đi làm công, mỗi ngày trên trăm nghìn đồng, vất vả lắm”.

Phụ họa vào câu chuyện, một anh dân quân xã kể: “Ở quê cũ thì làm nương rẫy một mùa cả năm không lo cơm gạo, ở đây ruộng quá ít.

Trên quê cải thiện bằng đánh cá, ở đây thực phẩm hằng ngày phải mua. Dân đông quá, không có chỗ để chăn nuôi. Chỉ có học sinh đi học thuận lợi vì đường sá đi lại dễ dàng.

Trên quê, học ra thì kiếm được việc, xuống đây thì chịu. Bố mẹ nghèo khổ cũng cố gắng nuôi lợn, đi làm công nuôi con ăn học cho có nghề nhưng học về không xin được việc, phải ở nhà trồng keo.

Ở đây xin việc đòi tiền 100 triệu đồng lấy mô ra mà đưa. Keo cũng không có đất, chia ít quá, một sào không đủ ăn đủ sống.

Nếu có đất nhiều thì làm rẫy làm nương, trồng keo, trồng sắn. Nhưng ở đây trồng được một nghìn cây keo thì không còn đất trồng sắn nữa”.

Chuyện sinh nhai của người dân sống ở vùng biên giới này nghe sao mà chua xót. Những khao khát đổi đời ngày những quan chức Thủy điện Bản Vẽ vẽ ra để vận động bà con sớm tái định cư, nay ngày càng xa vời, bởi họ như cây cỏ thiên nhiên, khó có những kỹ năng sinh tồn nơi đồng bằng đông đúc.

Những người lanh lẹ nhất thì qua Lào và Thái Lan làm thuê cho Việt kiều bên đó. Những người già chỉ biết bám một sào ruộng được chia, bấu víu cuộc sống ở mức sinh tồn thấp nhất.

Họ làm tôi nhớ đến ánh mắt ghẻ lạnh của cán bộ Hải quan Lào từng bắt gặp khi làm thủ tục nhập cảnh vào Lào vài năm trước.

Người Lào hiền lành, thân thiện mà người Việt qua cũng ít được hoan nghênh, vì đã gây ra nhiều vụ việc mất trật tự, lao động trái phép, trộm cắp.

những người đàn bà giấu mặt

Một khu tái định cư của Thủy điện Bản Vẽ

Các anh ở đồn biên phòng đóng tại xã Ngọc Lâm mở cho chúng tôi xem một vài hồ sơ buôn bán phụ nữ qua biên giới chỉ vì đói nghèo, không tìm được việc làm mà thành nạn nhân của bọn buôn người.

Một số chị em bị buôn đi bán lại đã về được đến nhà sau nhiều năm biền biệt, nhưng trước ống kính của chúng tôi, họ luôn ngoảnh mặt, giấu mặt vì tủi phận, vì xấu hổ.

Chúng tôi ngồi cùng em bên bậc cửa. Quá khứ như một dòng chảy được tái hiện đầy những cung buồn. Ngoài kia núi rừng mênh mang mà gia đình em không đủ đất canh tác.

Đang làm mướn, bỗng có mấy phụ nữ lớn tuổi lân la làm quen rủ các em xuống thị trấn chơi, cho ăn, cho mặc rồi rủ rê qua Trung Quốc làm ăn, nói là sẽ giàu rất nhanh.

Các em đồng ý là họ đưa mỗi người 5 triệu đồng, bảo ứng trước lương đưa cho gia đình để cha mẹ đồng ý cho các em đi làm xa.

Những người chất phác ở vùng núi rừng bên giới này không hề biết cạm bẫy đã giăng lên với 5 triệu đồng là món tiền vô cùng lớn.

Những cô gái lên xe đi miệt mài trong niềm vui đến một chân trời mới lạ. Đã có những cô gái khi được cảnh sát Trung Quốc giải thoát, khai báo bị bán vào các nhà chứa đến ba bốn năm.

Cô gái tôi gặp đang ngồi bế đứa con mang hai dòng máu, kết quả của chuyến phiêu lưu vượt biên giới.

Cô gái kể sau khi nhận 5 triệu đồng, đã cùng bạn bị đưa lên xe rồi vượt biên đến những vùng rất xa, rồi gả bán cho một người đàn ông Trung Quốc.

Gia đình chồng có nương rẫy, kinh tế dù tốt hơn nhưng không làm cho cô nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà.

Cô có con nhưng sống như bị giam lỏng. Thế rồi cô nung nấu trở về quê hương và đã bỏ trốn.

Hành trình đói khát, lưu lạc đến mấy tháng trời, với sự giúp đỡ của người Việt sống bên đó và bộ đội biên phòng, cô đã trở lại xã Ngọc Lâm, đặt được chân lên đất mẹ với đứa con nhỏ trên tay mà không biết rồi đây cuộc sống sẽ ra sao.

Chuyện phía sau những người phụ nữ giấu mặt là như vậy. Luân lạc qua những nẻo đường xa lạ, hẳn trong lòng họ từng chất chứa bao lo toan cho một tương lai bất định, nhưng rồi vẫn quyết nhắm mắt đưa chân.

Người may mắn gặp người đàn ông tốt bụng, tuy xa lạ, nhưng dần dần cũng có sự gắn kết để trở thành một gia đình, người không may bị nhà chồng chê đuổi, lưu lạc làm vợ hết người này sang người khác, không tìm thấy con đường về lại quê hương.

Từ cuộc sống phát nương làm rẫy, săn bắt, hái lượm trong rừng như hàng ngàn năm tổ tiên đã sống, sau gần 10 năm chuyển về khu tái định cư, dân Ngọc Lâm vẫn hoang mang trước những mô hình kinh tế mới.

Ban Quản lý Thuỷ điện Bản Vẽ vẫn tiếp tục cấp gạo cứu đói cho từng hộ dân mùa giáp hạt.

Chính vì vậy, những vùng miền núi khó khăn như Ngọc Lâm là địa bàn lý tưởng của những kẻ buôn người. Đối tượng bị nhắm đến là những cô gái trẻ người dân tộc thiểu số không có việc làm, hoặc phải lao động chân tay quá vất vả mà thu nhập thấp.

Rời miền biên ải, hình ảnh cô gái ngồi ôm đứa con mang hai dòng máu ngơ ngác buồn ám ảnh chúng tôi rất lâu. Các em tủi thân, ngoảnh mặt khi kể lại quãng đời buồn khổ nhất.

Các em không biết rằng, có không ít những phụ nữ yếu đuối như các em khi phải rời bỏ gia đình dấn thân vào con đường mà không có bất cứ sự trợ giúp nào của pháp luật, để hôm nay ôm con ngồi trên bậc thềm mà không biết phải bước tiếp ra sao để con lớn lên không gặp phải ngang trái như mẹ.

Hồng Bích (Theo DNSG)

BẢN DESKTOP