Mỗi gia đình tự phân loại rác
Hiện nay, tình hình dịch tễ tại TPHCM rất phức tạp, nhiều trung tâm cách ly được thành lập từ các trường học, doanh trại quân đội và đặc biệt các khu vực dân cư ở những quận huyện bị phong toả, cách ly xã hội do dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị 16.
Một thách thức lớn cần phải giải quyết tức thì trong thời gian giãn cách vì Covid-19 là chất thải phát sinh từ các hoạt động cách ly y tế và cách ly xã hội đã, đang được xã hội quan tâm. |
Ngoài các hoạt động truy vết, xét nghiệm, chích ngừa văcxin được thực hiện rộng rãi và có quản lý chặt chẽ, một thách thức lớn và cần phải giải quyết tức thì là các chất thải phát sinh từ các hoạt động cách ly y tế và cách ly xã hội.
Đối với các gia đình trong khu cư dân, khu phố bị phong toả hoặc cách ly cũng cần trang bị cho mình thùng đựng chất thải. Gia đình có người nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19 cần trang bị thùng màu vàng, trong có lót bao màu vàng có viết chữ, chất thải lây nhiễm có nguy cơ chứa SARS-CoV-2, nhà không có người nghi hoặc nhiễm Covid-19, trang bị thùng màu xanh và bao màu xanh đựng chất thải sinh hoạt.
Hằng ngày, người dân cần bỏ rác vào các thùng chứa của gia đình, khi đầy, cột miệng túi chặt và bỏ vào thùng chứa đựng chất thải tập trung. |
Hằng ngày, mỗi gia đình sẽ bỏ rác vào các thùng của nhà mình, khi đầy cột miệng túi chặt, đưa đến bỏ vào thùng đựng chất thải tập trung của khu phố.
Công ty Môi trường Đô thị TPHCM đưa xe vận chuyển sẽ đến lấy 2 lần/ngày hoặc tối thiểu 1 lần vào buổi sáng hoặc tối khuya bằng cách cẩu thùng đầy và cho thùng mới đã vệ sinh sạch đến.
Tại các nơi để thùng đựng cần có các hướng dẫn người dân cách phân loại và bỏ như thế nào. Các chất thải cần được nhân viên thu gom thường xuyên đến thu gom khi thùng đã đầy và vận chuyển đến nơi tập trung chất thải và tại đây công ty môi trường đô thị sẽ thu gom cũng như xử lý theo lịch quy định.
Điều quan trọng nhất dù là ở khu dân cư bị phong tỏa/cách ly y tế hoặc khu cách ly tập trung là phải giáo dục, truyền thông cho người dân về phân loại, thu gom chất thải đúng quy định (đặc biệt là các loại khẩu trang, bộ phương tiện phòng hộ cá nhân, chất thải từ đường hô hấp của người lây nhiễm).
Các cơ quan chức năng có thể làm tờ bướm phát cho người dân, hoặc hộ gia đình để họ hiểu và tạo thói quen phân loại rác thải, cột chặt bao rác thải trước khi bỏ vào thùng…
Người dân nên cột bao rác thật chặt, bỏ vào thùng đậy nắp
Một vấn đề khác là nhiều người dân băn khoăn, hiện nay nhiều nơi đã bỏ rác đầy ngõ và đầy nền đường trong các khu dân cư nơi khu phong tỏa. Xử lý ra sao và có cần xịt khử trùng hay không?
Tại nhiều khu vực tập trung rác thải từ khu vực cách ly, phong toả việc phun xịt khử khuẩn bên ngoài bao, thùng đựng chỉ có tác dụng bề mặt trong khoảng thời gian ngắn (1 giờ với dung dịch có chứa clo, sau đó clo bay hơi sẽ hết tác dụng).
Cách xử lý nhất trong tình huống này là cột bao rác thật chặt bỏ vào thùng đậy nắp hạn chế phát tán rác và ít mùi nhất, khô ráo nhất. |
Trong khi đó, nước dịch rỉ chảy tràn lan từ các bao rác, gây ẩm ướt còn là điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn khác phát triển và ô nhiễm mùi của hóa chất, mùi của rác... Vì vậy, cách xử lý an toàn nhất trong tình huống này là cột bao rác thật chặt bỏ vào thùng đậy nắp hạn chế phát tán rác và ít mùi nhất, khô ráo nhất.
Quan trọng nhất, Công ty Môi trường Đô thị TPHCM, quận và đội vệ sinh các khu vực cần phối hợp tham gia trong việc xử lý chất thải trong giai đoạn dịch. Các phương án thu gom, vận chuyển rác tối ưu cho các khu vực bị cách ly, phong tỏa, tránh làm phát tán nguồn nhiễm và ô nhiễm môi trường.
TS.BSCKII Nguyễn Thị Thanh Hà (Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn TPHCM)