Dữ liệu y khoa

Những lưu ý khi xông hơi

  • Tác giả : Phạm Hằng
(khoahocdoisong.vn) - Xông hơi là một phương pháp phòng trị bệnh của dân gian có từ lâu đời.

Cách xông đơn giản có lợi cho sức khỏe

Xông hơi là phương pháp làm cho ra mồ hôi, điều tiết thân nhiệt của cơ thể, do hệ thần kinh tự động điều khiển. Từ lâu  y học cổ truyền (YHCT) đã biết vận dụng cơ chế này qua hình thức xông hơi. Việc tăng tiết mồ hôi làm giãn nở mạch máu ngoại biên qua xông có thể phòng trị hiệu quả một số bệnh ngoại thương như: ngoại cảm phong hàn, hạ sốt... Nội thương như: tiêu thũng, trừ thấp, giải độc, hạ huyết áp… Hơn nữa khi xông hơi nhiệt lượng hơi nước, tinh dầu hít vào đường hô hấp có tác dụng diệt vi khuẩn, virus chữa bệnh cảm cúm.

Có thể nói xông hơi chữa trị bệnh ngoại cảm phong hàn tà khí chưa vào sâu, còn trệ đọng ngoài biểu, thường có biểu hiện như ho, hắt hơi, đau đầu ớn lạnh, nghẹt mũi, xổ mũi, sốt nhẹ, không ra mồ hôi rất hiệu quả. Vì xông hơi làm mở lỗ chân lông làm ra mồ hôi. Việc tăng tiết mồ hôi và giãn nở những mạch máu ngoại biên qua xông hơi không những có thể giúp giải cảm, hạ sốt mà còn được vận dụng để làm tiêu thũng tán thấp, hạ  huyết áp và giải độc cho cơ thể trong nhiều trường hợp khác nhau.

Phương pháp xông hơi rất đơn giản ở tại nhà chỉ cần cho dược liệu vào nồi đổ từ  03 đến 05 lít nước đậy kín đun sôi khoảng 5 đến 7 phút, nhấc nồi ra ngồi lên chiếu trùm chăn kín mở nắp vung từ từ hơi bốc ra để xông, khi mồ hôi ra thì lấy khăn lau, nếu bị cảm cúm chủ yếu xông nửa người trên và hít hơi nước ấm có tinh dầu làm thông mũi họng, đường hô hấp trên. Hoặc có thể đi  ra cơ sở y học dân tộc chuyên xông hơi.

Chọn dược liệu phù hợp bệnh

Chọn dược liệu xông hơi cũng rất quan trọng. Tốt nhất dùng dược liệu có tinh dầu cay ấm như bạc hà, kinh giới, tía tô, hương nhu, lá sả…, lá hay vỏ quả bưởi, quýt, cam, chanh, mỗi thứ một nắm, lá tươi hay khô nấu xông cũng được, nhưng phải còn nhiều tinh dầu. Tuy nhiên tùy theo từng bệnh có thể gia giảm dược liệu xông cho hiệu quả  như sau:

Nếu ngoại cảm có sốt nhiều gia vị có tác dụng hạ nhiệt như lá tre, lá cúc tần...

Nếu sợ lạnh, sợ gió nhiều gia thêm vị có tính cay ấm như quế chi, gừng.

Nếu nhức mỏi gia thêm vị khu phong thấp như ngũ trão, lá lốt, ngải cứu.

Nếu viêm mũi gia cây cứt lợn có tác dụng giải cảm, chống dị ứng.

Có thể nói xông hơi là một phương pháp chữa bệnh ngoại cảm phong hàn giai đoạn đầu, xông hơi có thể giúp trục thuỷ giải độc rất có hiệu quả trong các chứng sưng phù, ứ nước do gan, do thận hoặc do tim. Xông hơi khiến cơ thể  bài tiết bớt lượng nước, chất cặn bã dư thừa và có thể phân huỷ một lượng mở nhất định để điều hoà thân nhiệt. Do đó biện pháp xông hơi rất hữu ích cho việc chống béo phì. Dân gian còn có kinh nghiệm dùng nồi xông để giải độc và phục hồi sức khoẻ khi cảm thấy mệt mỏi.

Xông hơi phòng trị bệnh cần lưu ý: Người mập, người  khỏe nên xông lâu thời gian có thể 30 -40 phút, người  gầy yếu, da khô, huyết áp thấp, dễ ra mồ hôi  khoảng 5-10 phút nếu xông lâu dễ mất tân dịch có thể làm người mệt thêm. Xông giải cảm chỉ nên xông một lần cho ra mồ hôi là được.

Xông hơi vào vùng mặt để làm nở lỗ chân lông và tăng tiết bã nhờn trong điều trị mụn hoặc tăng cường lưu thông khí huyết ra vùng mặt để làm đẹp da mặt. Xông hơi nửa người dưới (lưng xuống chân), trị các chứng phong thấp, thấp khớp.   

Lương y Phan Thị Thạnh (Hội Đông y TP Vũng Tàu)

Phạm Hằng

BẢN DESKTOP