Dữ liệu y khoa

Những lưu ý khi thay khớp gối nhân tạo

  • Tác giả : PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm
(khoahocdoisong.vn) - Tổn thương khớp gối do bệnh lý hoặc chấn thương mà điều trị bảo tồn không kết quả, bệnh nhân đau không đi lại được, mất chức năng khớp gối thường được chỉ định thay khớp gối nhân tạo.

Chỉ nên thay khớp ở thời điểm muộn nhất có thể

Những bệnh nhân hoái hóa khớp gối độ 3, 4; bệnh nhân có các bệnh lý khớp không đáp ứng điều trị nội khoa, bị biến dạng khớp gối nặng, ảnh hưởng đến đi lại sinh hoạt, chấn thương khớp gối nặng đều được chỉ định thay khớp gối. Vì tuổi thọ của khớp gối nhân tạo thông thường chỉ 15 - 18 năm do mòn khớp, lỏng xi măng, vì vậy nên hạn chế thay khớp cho người trẻ tuổi vì nhiều nguy cơ hỏng khớp nhân tạo do phải hoạt động và lao động nhiều. Chỉ nên thay khớp ở thời điểm muộn nhất có thể.

Khớp gối nhân tạo đơn: Thay thế cho khớp đùi chày trong hoặc đùi chày ngoài, chỉ thay thế phần sụn đã hỏng, không can thiệp tới dây chằng, không can thiệp vào khoang khớp còn tốt. Chỉ định cho những thương tổn thoái hoá, hay hoại tử giới hạn trong một khoang khớp. Loại khớp này được áp dụng trên 20 năm nay, kết quả cho thấy rất ít trường hợp phải thay lại.

- Khớp gối nhân tạo toàn phần trượt: Điểm đặc biệt của loại khớp này là có một đĩa mâm chày di động, nên tôn trọng sinh lý của khớp gối và hệ thống  dây chằng gối. Vì thay thế hoàn toàn phần sụn khớp nên chỉ định cho trường hợp thoái hoá toàn bộ trên diện rộng, cũng như trong các trường hợp viêm khớp dạng thấp.

- Khớp gối nhân tạo có bản lề:  Loại khớp này thay thế hoàn toàn cho khớp gối, loại bỏ cả dây chằng chéo nhưng rất hiếm được sử dụng. Nó chỉ dùng trong trường hợp cấu trúc khớp bị phá huỷ nặng nề, phá huỷ toàn bộ hệ thống dây chằng, cũng như dùng để thay lại khớp gối.

Các biến chứng trong phẫu thuật

Rất hiếm gặp biến chứng trong phẫu thuật, tuy nhiên có thể gặp: Tổn thương phần mềm, tổn thương động mạch chi dưới (động mạch khoeo), tổn thương thần kinh (đặc biệt là thần kinh mác bên) với những trường hợp mổ khó. Tổn thương xương, có thể gẫy xương đùi, xương chày, hay bong chỗ bám của hệ thống gân duỗi (gân bánh chè), đứt gân cơ tứ đầu đùi... Ở gối biến chứng nhiễm trùng thường nặng, nhưng biến chứng này hiếm gặp. 

Các biến chứng khác như tắc mạch do hình thành các cục máu đông ở trong tĩnh mạch, có thể dự phòng được bằng sử dụng thuốc chống đông. Biến chứng này có thể đưa lại những nguy cơ rất nặng như nhồi máu phổi. Trường hợp máu tụ trong gối do điều trị chống đông thì cần phải mổ lại để lấy khối máu tụ.

Hội chứng thiểu dưỡng thần kinh cơ rất hiếm xảy ra, có đặc tính làm cứng khớp gối sớm, phối hợp với đau và phù nề. Trường hợp này cần phải điều trị bằng thuốc tương đối  lâu. Trường hợp cứng khớp gối có thể thấy sau những can thiệp vào khớp gối, đặc biệt sau khi thay khớp do dính trong khớp. Nguyên nhân do nhiều yếu tố phối hợp: Đau sau phẫu thuật gây khó khăn cho luyện tập, phản ứng viêm mạnh ở khớp gối, sau biến chứng máu tụ trong khớp...Vận động cưỡng bức khớp gối dưới gây mê toàn thân giúp cải thiện đáng kể biên độ vận động cũng như giảm đau cho bệnh nhân. Đây là một thao tác nhỏ, chỉ cần gấp chân của bệnh nhân đủ để làm đứt các thành phần dính ở trong khớp. Chỉ định này nên làm sớm sau phẫu thuật, không nên để quá lâu, các dây chằng dính chặt lại sẽ rất khó thực hiện.

Các biến chứng muộn biểu hiện bằng tình trạng nhiễm trùng gối muộn, tình trạng cứng khớp hay các biến chứng cơ học của khớp nhân tạo.

- Nhiễm trùng muộn: Nguyên nhân là do sự di nhập của các vi khuẩn từ nơi khác tới. Cần phải điều trị tích cực tất cả các nhiễm trùng có trên người bệnh mang khớp nhân tạo. Điều trị nhiễm khuẩn muộn thường phải thay lại khớp mới. Trong trường hợp thất bại khi thay lại thì phải làm cứng khớp.

- Cứng khớp: Sau mổ thời gian dài không được phát hiện để vận động khớp cưỡng bức dưới gây mê toàn thân, khớp gối trở nên rất cứng, gây hạn chế chức năng. Trường hợp này cần phải chỉ định mổ để gỡ dính khớp gối (can thiệp này nhằm cắt bỏ các thành phần dính trong gối).

- Các biến chứng cơ học gây ra do khớp nhân tạo: Đôi khi phải thay lại khớp mới.

+ Khớp không vững: Có thể xảy ra ở khớp gối với mâm chày di động, hệ thống dây chằng bị chùng trong khi chất lượng khớp nhân tạo còn tốt. Biểu hiện không vững bánh chè, có khi xương bánh chè bị trật ra ngoài, không vững giữa xương đùi và xương chày.

+ Mòn khớp: Đây là một nguy cơ không mong muốn của tất cả  các loại khớp nhân tạo. Sử dụng khớp với mâm chày di động sẽ giảm được nguy cơ này. Nguy cơ của biến chứng này làm giảm tuổi thọ của khớp rất nhiều.

+ Lỏng xi măng: Xuất hiện các vận động bất thường giữa khớp nhân tạo và xương ở vị trí tiếp xúc nhau, đó cũng là nguyên nhân gây đau. Biến chứng này chỉ xảy ra với các khớp có dùng xi măng, còn với khớp không dùng xi măng thì xương sẽ cắn chặt vào bề mặt bên ngoài của khớp.

+ Gãy xương:  Chấn thương có thể là nguyên nhân của gãy xương đùi, xương chày, hay bánh chè tiếp xúc trực tiếp với khớp thay thế, cũng có khi vỡ cả khớp nhân tạo. Đôi khi  không do chấn thương, khớp vẫn tự vỡ do chất liệu kim loại bị hư hỏng.

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm, BV Quân y 103

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm

BẢN DESKTOP