Dọc đường

Những làng “vít gió trời” – Kỳ 4: Lẳng lơ như tiếng sáo diều

Không hiểu sao, mỗi lần nghe tiếng sáo diều, tôi lại nhớ đến một câu hát trong bài “Tình ca” mà nhạc sỹ Phạm Duy đã viết: Một yêu câu hát Truyện Kiều/Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta.

Trong các làng có truyền thống lâu đời với thú chơi diều sáo, có lẽ không thể không kể đến Song Vân (Tân Yên – Bắc Giang). Ở đây, chẳng ai không biết đến câu “diều lên mỏi cổ, diều đổ mỏi chân”. Câu ca ngắn gọn ấy đã làm bật lên những vất vả của người chơi diều Song Vân. Lúc diều lên thì mỏi cổ để ngắm nghía canh gác và cảnh giác với hướng gió đổi chiều; khi diều đổ thì phải mỏi chân vượt đồng vượt sông đi thu dây tìm diều.

Chơi diều là truyền thống lâu đời ở Song Vân.

Nhưng, dù vất vả và dù chẳng có lợi nhuận gì từ những vất vả ấy, nhưng những người chơi diều sáo ở Song Vân vẫn giữ niềm đam mê nối truyền hàng trăm đời nay. Khi diều lên, tiếng sáo bắt đầu vi vu lẳng lơ như lời câu hát. Và thực ra, sự lẳng lơ ấy là một huyền thoại.

Tiếng tơ lòng

Lão nông Ngô Hữu Bội, Chủ nhiệm câu lạc bộ diều sáo Song Vân năm nay đã gần 70 tuổi, cũng ngần ấy thời gian ngoài gắn bó với đồng ruộng thì diều sáo luôn là người bạn thân thiết nhất. Dù là một nghệ nhân nổi tiếng, nhưng ông Bội chưa bao giờ xem việc chế tác diều sáo là một nghề có thể nuôi sống gia đình.

Là một trong những người góp phần làm cho tiếng sáo Song Vân vang vọng bốn phương nên ông Bội cũng rất am hiểu về thú chơi này. Ông giải thích về tiếng sáo như sau: Thuở hồng hoang, mặt đất và bầu trời ở gần nhau, gần đến mức tiếng sáo thổi nơi trần gian có thể vang vọng đến chị Hằng trên cung giăng.

Người Song Vân đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi diều sáo.

Cứ mỗi chiều hè, khi nghe tiếng sáo được vút lên là các tiên nữ bay từ thượng giới xuống trần gian hưởng thú vui hạ thế. Thú vui ấy đã làm nhiều nàng tiên quên mất đường về. Ngọc Hoàng tức giận, muốn trời là trời, đất là đất, thế là đất và trời cứ cách xa nhau. Sự xa cách khiến tiếng sáo không thể mời các nàng tiên xuống vui hội mà, dần dần chỉ mang tiếng tơ lòng của ai đó gửi tới người đẹp.

“Theo như tìm hiểu của tôi, thì từ xưa các cụ đã quan niệm diều sáo là biểu tượng của mối quan hệ giữa trời và đất, cao và thấp, khô ráo và ẩm ướt, có điều hòa âm dương và đó cũng là những dự cảm về thời tiết của người nông dân. Tiếng sáo phát ra trên không trung trong lành, không chỉ là tiếng tơ lòng mà còn có thể xua đuổi tà khí và bệnh dịch”, ông Bội cho biết.

“Vua sáo” Song Vân

Quan niệm thú vị về “tiếng tơ lòng” đã khiến người Song Vân rất chú trọng đến những bộ sáo có âm thanh vi vút, dìu dặt. Ngoài thời gian dành cho ruộng đồng, những người như ông Bội lại chú tâm vào việc chế tác sáo. Hiện nay, câu lạc bộ diều sáo Song Vân có tới gần trăm thành viên, họ đều là những người rất am hiểu thú chơi tao nhã mà cũng vất vả này.

Bộ sáo khổng lồ của nghệ nhân Ngô Hữu Bội.

Tuy nhiên, trong số họ, ông Bội vẫn được coi là người sành nhất. Ông được coi là “vua sáo” của Song Vân, bởi những bộ sáo ông làm ra bao giờ cũng thánh thót như tiếng tơ lòng, ai nhìn cũng mê, ai nghe cũng thích. Với gần 40 năm kinh nghiệm làm sáo diều, ông Bội bảo: “Tùy theo kích thước của diều mà gắn sáo nào vào cho phù hợp. Nếu diều khung rộng hơn 4m thì sẽ gắn ống sáo có đường kính 20cm, dài hơn 80cm và cứ thế tăng lên”.

Ông Bội rất khó tính trong khâu đi tầm ống sáo. Những loại tre được ông trưng dụng, và những mắt cây gạo được ông đẽo gọt phải là những nguyên liệu chuẩn. Bởi theo kinh nghiệm của ông, thì “có bột mới gột nên hồ”. Kỹ thuật chế tác cũng là điều kiện quan trọng, quyết định tiếng sáo ấy sẽ như thế nào.

Ở Song Vân, diều nhỏ nhất được gọi là “de de” vì sáo kêu de de; lớn hơn một chút thì kêu doi doi, đu đu, đi đi và lớn nhất là diều đì đì. Những người chơi diều sáo đánh giá chất lượng qua âm thanh mà người “ngoại đạo” khó mà hiểu được.

“Chúng tôi đều chơi sáo theo số lẻ. Sáo chuẩn bao giờ cũng phải đanh, âm vang uyển chuyển va đập vào nhau để hợp nhất thành một âm vọng. Nói thì dễ vậy thôi, chứ nhiều người làm ra bộ sáo nhưng không dùng được bởi vì nghe chói tai, và khiến người khác phải khó chịu”, ông Bội cho hay.

Theo các nghệ nhân ở Song Vân, muốn biết tiếng sáo diều hay hoặc dở thì phải thả lên cao mới đánh giá được. Khi gió thổi mạnh, diều chao đưa rồi đứng vững là lúc tiếng sáo thật nhất. Nếu âm vang dồn dập như thôi thúc người nghe thì là sáo tốt; sáo mà “nửa đêm một tiếng, gà gáy một hơi” thì phải bỏ đi.

Cho đến nay, ông Bội không còn nhớ mình đã làm được bao nhiêu chiếc diều? Bao nhiêu bộ sáo? Nhưng ông khẳng định, chưa chiếc diều nào của ông phải bỏ đi, cũng chưa bộ sáo nào phải đập bỏ.

Nối đất với trời một sợi dây

Chiếc diều và bộ sáo được ông Bội cho là đẹp nhất được giữ lại làm kỷ niệm. Chiếc diều dài trên 13m, rộng 5m và bộ sáo nặng trên 8 cân với 13 ống sáo được xếp theo thứ tự. Ông Bội bảo rằng, đó là thành quả liên tục của 6 tháng liền chuyên tâm chế tác. Ngày đem diều ra thử, cả làng bỏ việc ra xem. Phải mất hơn chục thanh niên khỏe mạnh mới đâm được chiếc diều khổng lồ ấy lên trời.

Chơi diều là truyền thống lâu đời ở Song Vân.

“Khi diều bắt đầu “ăn gió”, tất cả dân làng đều reo hò vỗ tay. Diều lớn nên phải dùng đến dây thừng mới giữ được. Khi diều lên cao, âm thanh của sáo dìu dặt, thánh thót làm mọi người mê thích. Tôi để diều ba ngày ba đêm rồi mới hạ xuống, cất đi làm kỷ niệm”, ông Bội cho biết.

Ở Song Vân, hầu như gia đình nào cũng có những chiếc diều đẹp, những bộ sáo kêu treo trang trọng trong nhà ba gian. Đó vừa là vật kỷ niệm, vừa là thành quả như để khoe với thiên hạ về một thú chơi đầy chất văn hóa.

Từ bao đời nay, hình ảnh chú bé ngồi trên lưng trâu, thổi sáo thả diều trong tranh dân gian Đông Hồ đã được coi như biểu tượng của sự thanh bình trên dải đất hình chữ S. Trong tâm thức của người Việt , thả diều còn hàm chứa khát vọng về tự do, xua đi những gì xui xẻo, cầu mong thuận buồm xuôi gió trong làm ăn  cũng như trong cuộc sống. Thả diều không chỉ là một trò chơi, mà còn là một phong tục có nhiều  ý nghĩa sâu xa.

Ở Song Vân mùa này, mỗi nhà thường hay chuẩn bị ít mẻ ngô rang hay rổ lạc luộc, cùng nhau bày chiếu giữa sân. Dưới bóng trăng mùa hạ, ông bà cháu chắt cùng ngóng lên trời ngắm bóng diều chao, và thưởng thức bản hợp xướng của sáo. Chao ôi! Cuộc sống có những phút giản dị mà êm đềm hạnh phúc đến thế.

“Người quê tôi có câu thơ: Làm diều đeo sáo hai bên cánh/Nối đất với trời một sợi dây/Tiếng sáo vi vu như bản nhạc/Vang vọng gần xa, thật đắm say. Thú vui này không đơn thuần chỉ là giải trí, nó còn là mối dây liên kết tình làng nghĩa xóm. Nó gợi cho mỗi thành viên trong gia đình hãy đoàn kết, làm tròn trách nhiệm như bộ sáo mẹ – sáo con”, nghệ nhân Ngô Hữu Bội, Chủ nhiệm câu lạc bộ diều sáo Song Vân.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP