Dọc đường

Những làng “vít gió trời” – Kỳ 2: Truyền đời nghề chơi

Gọi việc đua diều là “nghề”, nghe hơi quá. Nhất là khi ở trong thời đại, vì đồng tiền mà người ta phải bỏ hết những thú vui cá nhân để toàn tâm làm việc. Nhưng mà, ở những ngôi làng ấy của một huyện thuần nông, thú vui thì vẫn là một nghề – nghề chơi hẳn hoi.

Thú chơi lâu đời

Tôi có nhiều người bạn ở Kinh Môn – Hải Dương, thấy tính cách họ chịu thương chịu khó làm lụng lắm. Nhưng, cứ vào ngày nghỉ là họ phải nghĩ ra một cái trò gì đó tiêu khiển cho đỡ buồn.

Nhiều ngôi làng ở Kinh Môn coi thú chơi diều như một nghề.

Thoạt đầu, tôi chỉ nghĩ đó là thú vui cá nhân, không có động chạm gì đến cách sống mang tính vùng miền. Dần dà, thấy nhiều người bạn quê ở vùng này đều có tính cách khá giống nhau. Cứ cuối tuần, họ tụ tập rủ nhau ra ngoại thành, đến những bãi bồi ven sông để đua diều.

Với tôi lúc đầu, đấy chỉ là một trò chơi con trẻ. Tuổi thơ ai cũng thích thú chơi này. Nhưng lớn lên, mỗi người mỗi công mỗi việc, bận bịu lo toan thì cái thú ấy mất đi. Nhưng lạ là, dù không có thời gian chơi nhưng lại cứ nghĩ nó là thứ dành cho con trẻ. Không phải cho người nhớn.

Thế rồi, nhiều bạn người Kinh Môn lập hội sáo diều ở Hà Nội. Hội có đến mấy chục người đủ mọi lứa tuổi. Có những cụ già, người gốc Kinh Môn nhưng sống ở Hà Nội, nhớ đến thú chơi này thì gia nhập. Dù không đủ sức khỏe để đua với bọn trẻ, nhưng cũng nhiệt tình đến bờ đê sông Hồng ngẩng mặt nhìn diều.

Thì ra, sau nhiều những tỉ mẩn câu chuyện mới vỡ lẽ ở vùng Kinh Môn, thú chơi diều được truyền từ đời này sang đời khác thành một “nghề chơi”. Bởi thế, khi những cô cậu trong vùng xa quê lập nghiệp, vào những ngày gió đẹp thường hay nhớ nghề chơi. Và, khi chứng kiến niềm đam mê của họ mới khiến người ta phải thán phục cái cách chơi kỳ công, và rất tốn thời gian này.

Chơi diều cũng phải có kỹ thuật và rất cầu kỳ.

Những ngày này về Kinh Môn, đi sâu vào các làng xã mới thấy hết những vi vu sáo diều. Buổi trưa, bên triền đê sông Kinh Môn tách ra từ dòng Kinh Thầy nô nức những trai trẻ lẫn các cụ ngồi canh diều. Nghệ nhân diều Phạm Hữu Đản, câu lạc bộ diều Kinh Môn nói rằng, thú chơi này là nghệ thuật.

Từ nhỏ, ông Đản đã say mê làm diều. Ông bảo rằng, sự say mê ấy được truyền từ người cha, người ông. Cho nên cứ lúc rảnh rang, cậu bé Đản lại được tiền bối dạy cách đo đạc, tính toán cách làm ra diều có hình dáng đẹp, bay cao để tiếng sáo vang xa.

Trong thú chơi diều sáo vùng Bắc Bộ, ông Đản là người có tiếng. Tiếng thứ nhất làm người ta biết đến ông là niềm đam mê; tiếng thứ hai là người chơi có nghề, có tầm. Ông Đản thủ thỉ rằng, nếu như niềm đam mê chơi diều sáo của mình được truyền từ cha ông, thì con cháu ông cũng đam mê thú chơi này nhờ ông truyền dạy.

“Con mắt” nghề chơi

Nghệ nhân Phạm Hữu Đản khẳng định, chế tác diều không phải là công việc đơn giản. Một chiếc diều đẹp, bền có khả năng cõng sáo bay cao, chao đảo trong gió xoáy mà không rơi gẫy là rất khó. Để làm được chiếc diều như vậy, phải có nghề, có “con mắt”.

Với người Kinh Môn, mỗi chiếc, mỗi bộ sáo là một tác phẩm nghệ thuật.

Theo ông Đản, chế tạo hay thả diều phải có kỹ thuật tinh xảo. Diều sáo Kinh Môn gồm 2 phần chính: diều và sáo đều được làm từ tre. Tre làm diều phải chọn rất kỹ, rồi chặt, chẻ, vót xơ tròn, nhẵn. Khung diều được chọn từ tre đực già, phơi khô, ngâm trong nước vôi nhiều ngày mới vớt ra để tránh mối mọt.

Nghệ nhân khi tạo khung diều cần đo đạc lấy tâm cho diều cân bằng. Diều truyền thống đều theo quy ước ở giữa to, hai đầu thuôn nhỏ dần và uốn thành hình cánh cung. Áo diều làm bằng giấy dó, quét bằng nhựa quả cậy màu cánh gián. Loại giấy được quết nhựa cậy không bao giờ thấm nước, cả khi trời mưa to vẫn giúp diều đứng vững.

Kinh nghiệm của ông Đản và các nghệ nhân diều sáo vùng Kinh Môn đều cho rằng, ống sáo diều hay nhất vẫn là từ những cây tre già. “Tre già sẽ giúp sáo khi gặp nắng mưa không bị nứt nẻ và tiếng sáo mới mới vang. Ống sáo được chia làm hai phần, vách ngăn ở giữa bằng gỗ. Hai phần càng đều nhau thì tiếng kêu của sáo càng thanh thót. Mắt sáo được đẽo bằng các loại gỗ nhẹ như: sầm, mực, gạo, vàng tâm, mít”, ông Nguyễn Hồng Tứ, nghệ nhân chế tác sáo xã An Sinh cho biết.

Những người chơi diều sáo ở Kinh Môn đều có quy tắc sáo lẻ 3, 5, 7 hoặc 9 chiếc, nặng tối đa 2kg. Vì mỗi nơi có sự kết hợp sáo khác nhau nên âm sắc sáo diều cũng khác nhau. Sáo có âm thăng, âm giáng, sáo đực, sáo cái, sáo con, sáo cháu nhưng quy tắc chung để thanh âm tròn vành là miệng sáo phải cân.

Nghệ nhân Tứ cho biết, người có kinh nghiệm nghe tiếng sáo có thể biết được đó là diều của ai. “Làm được một bộ sáo hay hoàn toàn không đơn giản. Có những người cả đời chơi diều, làm diều nhưng cũng không có nổi bộ sáo tốt. Có lẽ vì thế, người chơi diều rất quý những bộ sáo lên bổng, xuống trầm”, nghệ nhân Tứ chia sẻ.

Duy trì nghề chơi

Ở Kinh Môn, thú chơi diều sáo sở dĩ được coi là nghề chơi, và duy trì mang tính truyền đời thành công bởi nhiều lý dó. Theo các nghệ nhân nơi đây, nhiều làng ở Kinh Môn gắn với những kỹ thuật làm diều sáo độc đáo: Khoét mắt sáo ở làng Nghĩa Vũ (An Sinh); đâm diều ở làng Huề Trì (An Phụ); làm dây diều ở làng An Thuỷ (Hiệp An); thiết kế diều ở Châu Xá, Thăng Long.

Một bộ sáo đẹp bằng tre được quét sơn màu đồng.

Những người thợ chuyên làm dây diều ở làng An Thủy cho hay, thời gian cuối mùa xuân đầu mùa hè là lúc phải tìm những cây tre bánh tẻ óng mượt chẻ thành những sợi nan theo kích cỡ của diều. Sợi nan được ngâm nước muối, vôi rồi đem luộc chín, vớt ra để khô rồi lấy mo nang tuốt cho nhẵn thì sợi sẽ mềm, dẻo và rất bền.

Theo các nghệ nhân địa phương, bởi từ xa xưa chơi diều sáo đã thành một nghề, nên những làng giữ được nghề truyền thống cũng không sợ nguy cơ mai một. Nhất là khi phong trào chơi diều sáo đã ở mức rộng khắp thì nghề càng phát triển. Các nghệ nhân có thêm việc làm, thêm thu nhập và ngày càng phát triển các nguyên liệu liên quan đến diều sáo một cách chất lượng hơn.

Sau khi đã có diều, có sáo, có dây nan, người chơi diều đều phải đem diều ra thử để chỉnh dây lèo. “Dù chỉ là thú chơi nhưng cũng phải chịu khó thì mới thành công được. Người đua diều và người đam diều phải hiểu ý nhau, khi diều lên chừng cao 50m là lúc đã ổn định. Nhưng người chơi phải theo dõi xem trời có đổi gió hay không để điều chỉnh dây”, ông Đản tiết lộ.

Để bảo tồn và phát triển nghệ thuật diều sáo, từ trước năm 2000 Trung tâm Văn hoá – Thông tin huyện Kinh Môn cùng một số nghệ nhân đã thành lập CLB diều truyền thống với 32 thành viên để cùng nhau phổ biến, nghiên cứu, phát triển các loại diều sáo. Chúng tôi cũng đã tham gia nhiều lễ hội diều truyền thống toàn quốc như “cánh bay Thăng Long”, “cánh diều hòa bình” , “cánh bay Việt Nam”, nghệ nhân Phạm Hữu Đản. 

 (còn nữa)

Trần Hòa

BẢN DESKTOP