Khám phá

Những khẩu súng trường của Cao Thắng – Kỳ 3: Thắng chết rồi, Hà Tĩnh không có danh tướng

Thắng chết rồi, Hà Tĩnh không có danh tướng, đó là đánh giá của Phan Bội Châu về danh tướng Cao Thắng sau khi ông tử trận.

Cao Thắng.

Hy sinh khi mới 29 tuổi

Ở đồn Nỏ chỉ có trăm quân. Liệu sức không chống nổi, thiếu úy đồn trưởng Phiến chia quân ra làm hai, một nửa ở giữ đồn, một nửa ra ngoài mai phục.

Khi Cao Thắng phát lệnh tấn công, thì quân ông bất ngờ bị hỏa lực của đối phương đánh kẹp từ cả hai phía trước và sau. Cao Thắng không may bị đạn, chết tại trận, lúc này ông mới 29 tuổi…

Để trả thù cho ông, ngày 29 tháng 3 năm 1894, Lãnh Lợi đã tổ chức trận phục kích tại Vạn Sơn (Nam Đồng). Cuối cùng, Đốc binh Nguyễn Bảo đã giết được thiếu úy Phiến.

Lợi dụng cơ hội nghĩa quân bị mất người đứng đầu tài giỏi, quân Pháp tăng thêm binh lực rồi siết chặt vòng vây. Nghĩa quân Hương Khê cố gắng đánh trả những cuộc vây quét, nhưng thế lực ngày càng giảm sút.

Sau khi Cao Thắng mất, nghĩa quân Hương Khê thắng một trận lớn ở Vụ Quang vào tháng 10 năm 1894, nhưng vẫn không xoay chuyển được tình thế.

Ngày 28 tháng 12 năm 1895, thủ lĩnh Phan Đình Phùng cũng bị tử thương trong một trận kịch chiến. Đến đầu năm 1896, cuộc khởi nghĩa Hương Khê mà Phan Đình Phùng, Cao Thắng và các tướng lĩnh khác đã dày công xây dựng đã phải kết thúc.

Theo sử liệu thì di hài Cao Thắng được nghĩa quân đưa về chôn cất tại Ngàn Trươi, núi Vụ Quang.

Giá trong nước có được mấy trăm ông Thắng

Mất đi một trợ thủ đắc lực là Cao Thắng, quá thương tiếc Phan Đình Phùng đã soạn một bài văn tế Nôm về ông.

Bài văn tế có đoạn: Hào kiệt ấy tài, Kinh luân là chí – Vén mây nửa gánh giang san – Vỗ cánh bốn phương hồ thỉ – Gặp quốc bộ đang cơn binh cách, nghĩa giúp vua chung nỗi ân ưu – Bỏ gia đình theo việc nhung đao, lòng đánh giặc riêng phần lao tụy – Địa bộ muốn theo dòng Nhạc mục, thét nhung bào từng ghê trận oai linh – Thiên tài toan học chước Võ hầu, chế súng đạn biết bao chừng cơ trí – Ơn quân tướng Đổng nhung vâng mạng, cầm ấn quan phòng – Tước triều đình Chưởng vệ gia phong, kéo cờ tân chế – Những chắc rằng: ba sinh có phước, hăm hở mài gươm chuốt đá, chí khuông phò không phụ với quân vương – Nào ngờ đâu! Một sớm không chừng, mơ màng đạn lạc tên bay, trường chiến đấu biết đâu là số hệ… Thôi! Thôi! Cửa tía lầu vàng đành kẻ khuất, đem thân bách chiến, để tiếng thơm cho tỏ mặt anh hùng – Súng đồng gươm bạc mặc người còn, truyền lệnh ba quân, thét hơi mạnh để xây nền bình trị – Thương ôi là thương, Kể sao xiết kể.

Phan Bội Châu trong sách Việt Nam vong quốc sử  viết về Cao Thắng như sau: … Ở hạt Hà Tĩnh, trong khoảng 11 năm, nhiều người đã liều mạng đánh nhau với Pháp, vất vả trăm trận đánh trở thành danh tướng một thời, trong số ấy nổi bật có Chưởng doanh nghĩa binh là Cao Thắng,…

Thắng quả cảm, thiện chiến, thấy một cái súng Tây mà có thể y theo kiểu chế tạo ra tinh xảo không kém gì của Pháp. Đánh nhau với thực dân Pháp, ông đã chém được đầu những quan một, quan hai của Pháp, quân Pháp đã phải khuyên nhau hễ gặp Thắng là phải tránh đi.

Giá mà trong nước có được mấy trăm ông Thắng thì người Pháp chả phải rút về Tây ư?… Thắng chết, người Pháp đốt chỗ làng ông, quật mộ ông lên…Tiếc thay! Thắng chết rồi, Hà Tĩnh không có danh tướng nữa…

Hiện ở Khê Thượng (Hương Khê) và thôn Cao Thắng (Sơn Lễ, Hương Sơn) đều có đền thờ Cao Thắng. Ngoài ra, tên ông còn được dùng để đặt tên cho nhiều trường học và đường phố tại Việt Nam.

Tại bảo tàng Cách Mạng Việt Nam (Hà Nội) đang lưu giữ một khẩu súng trường Cao Thắng. Phòng trương bày Vũ khí Bộ binh của trường Đại học Kỹ thuật Vinhempich có trưng bày một khẩu súng trong số 350 khẩu súng do Cao Thắng chế tạo cùng với súng trường 1874 của Pháp.

 TS Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP