Khám phá

Những khẩu súng trường của Cao Thắng- Kỳ 2: Sáng tạo trong thiếu thốn

Sáng tạo trong thiếu thốn, nhưng súng của Cao Thắng giống của thực dân Pháp đến mức, sau này một số khẩu súng của nghĩa quân được đưa về Pháp, hai loại súng đó để gần nhau không thể phân biệt được.

Súng trường của Cao Thắng.

Lấy súng giặc để chế súng

Công việc chế tạo súng rất phức tạp. Cao Thắng đã tính toán kỹ đến kích thước, hình dáng các chi tiết súng. Ông tự tay tháo một khẩu súng ra thành từng mảnh, xem xét kích thước, công dụng của từng bộ phận, rồi đốc thúc thợ rèn cứ theo đúng kích thước mà làm, nếu hỏng thì rèn lại… cho đến kỳ được mới thôi.

Sắt làm súng được thu gom trong nhân dân, bằng cách cho người bí mật đi các chợ quê mua sắt vụn, cày hư, cuốc hỏng về rèn lại. Còn vỏ đạn thì góp nhặt những mâm đồng, nồi đồng, đập dẹp, dát mỏng mà cuốn lại.

Thuốc súng thì dùng từ diêm tiêu đào tìm trong hang núi. Riêng nòng súng thì phải làm từ gọng ô… Sau hai tháng, qua rất nhiều lần thử nghiệm, với nghị lực cao, trí thông minh và lòng quả cảm, Cao Thắng cùng với những người thợ đã chế tạo được 350 súng trường kiểu Pháp…

Súng của Cao Thắng giống của thực dân Pháp đến mức, sau này khi cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng thất bại, một số khẩu súng của nghĩa quân được đưa về Pháp, hai loại súng đó để gần nhau không thể phân biệt được.

Đại úy Ch.Gosselin trong quyển sách L’Empire d’Annam (Đế quốc An Nam) đã viết: “Các khẩu súng kiểu 1874 này được sản xuất bí mật tại những địa điểm mà chúng ta không phát hiện ra được và với một khối lượng rất nhiều. Tôi đã mang về Pháp vài khẩu súng này, chúng giống về tất cả mọi phương diện so với những khẩu súng do các công binh xưởng của chúng ta sản xuất…

Chúng chỉ khác với những khẩu súng của chúng ta về hai điểm mà thôi: Lò xo xoáy ốc tôi chưa đủ và lòng súng không có xẻ rãnh; hậu quả của điều này là đạn đi không xa. Tuy nhiên, những khẩu súng này đã bắn chết rất nhiều binh lính và sĩ quan người Âu và binh lính người bản xứ”.

Trợ thủ đắc lực của Phan Đình Phùng

Trong hoàn cảnh nghĩa quân lúc bấy giờ, trong rừng sâu, thiếu thốn đủ thứ, lại bị phong tỏa bốn bề thì đây thật là một sự sáng tạo tuyệt vời.

Trong mấy tháng ròng rã, Cao Thắng chỉ huy tốp thợ rèn đúc được 350 khẩu súng, giống y như súng trường Pháp kiểu 1874.

Số súng này cộng thêm 150 khẩu súng kíp của nghĩa quân có từ trước thành 500 khẩu, quả là một hỏa lực đáng kể góp phần tạo nên sức mạnh của nghĩa quân Phan Đình Phùng trong những ngày đầu chống thực dân Pháp.

Cuối tháng 9 năm 1889, Phan Đình Phùng từ Bắc Kỳ trở về Hà Tĩnh. Nhờ Cao Thắng và các chỉ huy khác mà lực lượng nghĩa quân  lúc này đã có khoảng ngàn lính, 500 khẩu súng kiểu Pháp và rất nhiều súng hỏa mai.

Nhận thấy trong công tác chuẩn bị, mọi mặt đều đã khá, Phan Đình Phùng và Cao Thắng cho mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp bốn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình; làm cản trở con đường đi lại Bắc – Nam và công cuộc thôn tính nước Việt của quân Pháp.

Kể từ đó trở đi, Cao Thắng trở thành một trợ thủ đắc lực của thủ lĩnh Phan Đình Phùng, là một chỉ huy dũng cảm và xuất sắc của lực lượng nghĩa quân Hương Khê.

Thấy nghĩa quân Hương Khê ngày càng lớn mạnh, quân Pháp một mặt tăng cường càn quét, thu hẹp phạm vi hoạt động của nghĩa quân, mặt khác tìm cách cắt đứt liên lạc giữa các quân thứ và giữa nghĩa quân với nhân dân.

Để phá thế bị bao vây và mở rộng địa bàn hoạt động, được thủ lĩnh Phan Đình Phùng đồng ý, tháng 11 năm 1893, Cao Thắng cùng Cao Nữu, Nguyễn Niên đem khoảng một ngàn quân từ Ngàn Trươi mở trận tấn công lớn vào tỉnh lỵ Nghệ An.

Trên đường hành quân, nhiều đồn trại đối phương bị phá bỏ. Nhưng trận tấn công đồn Nu (hay Nỏ) ở Thanh Chương, một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam thuộc tỉnh Nghệ An, Cao Thắng trúng mưu của viên đồn trưởng tên Phiến.

(còn nữa)

 TS Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP