Dọc đường

Những điều không nên làm khi cầu may ở chợ Viềng đầu năm?

Chợ Viềng được nhân dân cả nước coi như phiên chợ bán rủi cầu may. Vậy bạn nên làm gì trong phiên chợ này để cầu được may mắn.

Đôi điều về chợ Viềng

Khác với chợ phiên thông thường, chợ Viềng một năm chỉ họp đúng một phiên duy nhất vào chiều mồng 7 tết kéo dài qua đêm đến hết ngày mồng 8. Chợ Viềng cũng chỉ có ở duy nhất tỉnh Nam Định. Hiện nay có hai chợ Viềng nổi tiếng là chợ Viềng ở Nam Trực và chợ Viềng ở Vụ Bản. Riêng chợ Viềng ở Vụ Bản do gần di tích Phủ Giày thờ mẫu Liễu Hạnh nên được gọi là chợ Viềng Phủ.

Cây cảnh chợ Viềng.

Tuy nhiên thời trước, theo sách của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hồ Đức Thọ, Nam Định có tất cả 4 chợ Viềng. Ngoài 2 chợ đã nói ở trên, còn 2 chợ nữa, một ở huyện Nghĩa Hưng và một ở huyện Mỹ Lộc. Cũng theo tài liệu này, cái tên chợ Viềng vốn là tiếng đọc chệch của chữ “vàng”. Màu vàng xưa là tượng trưng cho quyền quý, cho cái nhất, chỉ vua chúa mới được dùng. Chợ Viềng là phiên chợ sầm uất nhất vùng nên nó được ví là phiên chợ vàng nhưng vì kiêng màu vàng là màu của quân vương nên đọc chệch ra là Viềng.

Lai lịch của chợ đến nay cũng chưa ai dám quả quyết là có từ bao giờ. Có thuyết nói chợ có từ thời Lý, khi thiền sư Nguyễn Minh Không còn chưa đi tu, ông làm nghề đánh cá trên sông Hồng và từng lui tới vùng này bán cá và hình thành chợ. Nhà văn Băng Sơn trong bài tùy bút: “Lễ hội thờ Mẹ” thì lại đặt ra giả thuyết chợ bắt đầu hình thành từ lễ khao mừng quân Tây Sơn chiến thắng giặc Thanh. Ông viết: “Quân Nguyễn Huệ đi đánh giặc về, được bữa khao quân ngay bên vệ đường, ngay trên bờ cỏ, ngả ngốn với bong bóng trâu đầy rượu và món thịt bò tui chín vàng, đặt ngay trên lá chuối…”.

Trong số các chợ Viềng thì chợ Viềng Phủ ở Vụ Bản nổi tiếng hơn và có đông người họp hơn. Mấy năm trở lại đây, do hệ thống đường sá nối các quốc lộ 21 và 10 vào phủ Giày đã được nâng cấp rộng rãi hơn nên chợ Viềng lại càng thu hút đông người. Trước đây chợ họp trên bãi đất của sân vận động xã Trung Thành và một vài đoạn đường lân cận. Tuy nhiên đến mấy năm gần đây, mỗi lần họp chợ viềng, trung tâm vẫn là sân bóng nhưng từ cách đó vài km, đường sá đều nhan nhản các hàng quán bán cây cảnh, bán thịt bò…

Đặc trưng của chợ Viềng

Chợ Viềng xưa chủ yếu bán các nông cụ, đồ cũ và các mặt hàng thiết thực với sản xuất nông nghiệp nói chung như quang gánh, liềm, cày cuốc… Các mặt hàng này đến nay vẫn còn duy trì. Nhiều bà con đi chợ vẫn mua đòn gánh tre gọi là lấy may và họ thường chọn đòn gánh có số gióng tre là số lẻ. Có thể là 5 gióng, 7 gióng hoặc 9 gióng. Bởi lẽ triết lý âm dương quan niệm số lẻ là số dương sinh sôi nảy nở còn số chẵn là số âm tĩnh tại chết cứng.

Chợ Viềng xưa chủ yếu bán các nông cụ.

Tuy nhiên mặt hàng chủ lực của chợ Viềng ngày nay không còn là nông cụ mà chủ yếu là thịt bò thịt trâu và cây cối.
Cây cối bạt ngàn, từ cây cảnh đến cây giống, từ cây nhỏ đến cây to. Nhỏ thì có những cây táo cây cam được ghép mắt chỉ vài ngàn. To thì có những cây xanh cây xi cảnh được cắt tỉa cẩn thận giá hàng chục triệu. Người đi chợ Viềng nếu mua cây, dù là cây cảnh hay cây giống ăn quả cũng đều mang ý nghĩa lấy lộc đầu năm.

Xen lẫn cây cảnh là thịt bò thịt trâu. Theo nhà nghiên cứu Hồ Đức Thọ, thịt bò là lễ vật dâng mẫu Liễu Hạnh cho nên mua thịt bò trong ngày chợ Viềng xuân người mua cũng cảm thấy như xin được lộc Mẫu. Có quan niệm này bởi vì phủ Giày thờ mẫu cách trung tâm chợ Viềng chưa đến 2 km và đầu năm người đi chợ Viềng cũng thường qua phủ lễ mẫu hoặc ngược lại.

Một điểm nữa nói là đặc trưng thì không phải lắm nhưng ít thấy ở hội hè nào trong các vùng lân cận mà chỉ thấy ở chợ Viềng. Ngay ở tỉnh Nam Định cũng chỉ có ở chợ Viềng có còn các hội khác không thấy tổ chức. Đó là sổ xố bóc. Đây là một kiểu sổ xố ngược. Nghĩa là kết quả đã quay sẵn và niêm yết các giải còn lá số thì được gấp kín lại và bán cho người đi hội. Người mua mua lá số rồi bóc ra nếu trúng giải nào thì lĩnh thưởng giải đó. Phần thưởng cao nhất thường chỉ là chiếc xe máy Wave, còn các phần thưởng nho nhỏ dễ trúng là cái chậu nhôm, cái lốp xe…

Đặc điểm này có lẽ cũng xuất phát từ ý nghĩa cầu may của phiên chợ mà ra.

Nên và không nên làm gì để bán rủi cầu may?

Theo truyền thống lưu truyền lại, chợ Viềng là phiên chợ bán rủi cầu may. Cả người bán lẫn người mua đều quan niệm như vậy nên không cần nói thách hay mặc cả nhiều. Người mua thuận mua được thì coi như lấy vận may đầu năm. Người bán bán được hàng mà không phải chật vật cò kè với người mua thì cũng coi như lấy được cái may mắn hanh thông ngày đầu xuân và do đó có niềm tin vào sự thuận lợi trong năm mới.

Cũng vì là phiên chợ bán rủi cầu may nên nếu đã đi chợ Viềng, nhất thiết các bạn nên mua một cái gì đó mang về. Dân trong vùng chúng tôi phổ biến là mua cây giống hoặc một cây cảnh nho nhỏ, vừa tiện mang về mà giá tiền cũng phù hợp. Một số khác phương xa đi chợ Viềng thì hay mua đồng xu cổ. Một số người tin rằng phải mua đủ bộ 5 đồng xu tượng trưng cho Sinh – Lão – Bệnh – Tử – Sinh thì mới may mắn, thiếu một đồng là không được.

Cũng có một số người lại quan niệm rằng khi đi chợ Viềng khách có thể đi dạo chơi cả buổi chiều mùng 7 nhưng sau lúc 0h ngày mồng 8 muốn mua gì hãy mua thì mới thực sự là mua may cầu lành.

Sổ Xố cũng là một lựa chọn được nhiều người thử vận may. Tuy nhiên theo cách nghĩ của chúng tôi, vì là phiên chợ bán rủi cầu may nên bạn chỉ nên mua một vài tờ vé. Nếu trúng thì đúng là nên mừng vì vận hên rồi còn nếu không trúng cái gì thì bạn cũng nên mừng vì bạn đã bán đi được cái rủi qua tờ vé. Chớ nên ham bóc nhiều để gỡ gạc theo kiểu cờ bạc, vừa tốn kém tiền bạc mà lại mất đi ý nghĩa cầu may đầu năm rất không hay.

Nói tóm lại chợ Viềng là phiên chợ để cầu may. Khi đã đến chợ nên mua một thứ gì đó mang về và khi mua bán đừng nên mặc cả nhiều để tránh xui xẻo đầu năm.

Theo kienthuc.net.vn

BẢN DESKTOP