Những điều có 1-0-2 của ngôi chùa vừa được vinh danh ở Hà Nội
Tác giả :
Quốc Lê
Chùa Thầy vừa được công nhận là điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt năm 2023. Ngôi chùa này có những điểm độc đáo nào để thu hút du khách từ khắp nơi đến ghé thăm?
Tối 21/4/2023, tại chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội), Sở Du lịch Hà Nội và UBND huyện Quốc Oai đã tổ chức lễ khai mạc chương trình "Hành trình du lịch văn hóa lịch sử và công bố Quyết định công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy năm 2023".
Chương trình được tổ chức nhằm mục đích bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống của quần thể Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy. Đồng thời, đây còn là dịp kết nối và khai thác phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử của thủ đô Hà Nội.
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km, chùa Thầy là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Việt Nam. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, tiền thân là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì.
Tương truyền, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Mọi yếu tố liên quan đến ngôi chùa đều góp phần tạo nên một con rồng hoàn chỉnh. Ngọn núi Sài Sơn mà chùa tựa vào chính là đuôi rồng. Sườn núi với ba lớp chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, tạo thành đầu rồng...
Trước sân có hồ Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Giữa hồ có cái đình nhỏ gọi là Thủy đình, nơi tổ chức múa rối nước vào những dịp lễ, Tết. Tòa đình này là viên ngọc mà rồng ngậm trong miệng, được coi là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất của chùa Thầy.
Hai bên chùa Hạ có cầu Nhật Tiêu Kiều và Nguyệt Tiêu Kiều, do “Trạng Bùng” Phùng Khắc Khoan cho xây để cung tiến chùa vào đầu thế kỷ 17. Đây là cặp mí mắt rồng, hoặc cặp nanh rồng, theo các phiên bản các nhau của truyền thuyết.
Đây được coi là hai cầy cầu ngói còn nguyên vẹn và đẹp bậc nhất Việt Nam còn tồn tại. Cầu ngói vốn là dạng kiến trúc phổ biến của làng xóm. Việc hai cây cầu ngói xuất hiện trong một không gian Phật giáo đã đem lại nét kiến trúc "độc nhất vô nhị" cho chùa Thầy.
Hệ thống hang động trên núi tạo nên nét đặc sắc hiếm có cho cảnh quan chùa Thầy. Các hang động nơi đây gắn với nhiều truyền thuyết dân gian, điển hình là hang Phật Tích ở sau chùa là nơi Ngài Từ Đạo Hạnh thoát xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông, nên còn gọi là hang Thánh Hóa.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, chùa Thầy có số lượng di sản văn hóa vừa nhiều về số lượng vừa trải đều qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn. Đây là ngôi chùa có tính bảo lưu một cách liên tục nhất các di vật văn hóa, nghệ thuật từ thời Lý.
Hội chùa diễn ra từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm. Trong ngày hội, lễ cúng Phật và trai đàn - một diễn xướng có tính chất tôn giáo - được thực hiện có sự phối hợp của các nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt, ngày hội này còn có trò múa rối nước mang đậm sắc thái văn hóa Việt...