Mang nhiều yếu tố kỳ ảo, truyền thuyết về thành Cổ Loa đã in dấu trong tâm thức của người Việt suốt nhiều thế hệ. Ngày nay, dấu tích của truyền thuyết này vẫn còn hiện diện tại nhiều địa điểm khác nhau ở tòa thành huyền thoại.
|
1. Bao quanh di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), những đoạn tường thành bằng đất là dấu tích trực quan nhất về thành Cổ Loa xưa. Theo truyền thuyết, tòa thành này có 9 vòng xoáy trôn ốc, là một cấu trúc phòng thủ cực kỳ hiệu quả. Quân Triệu Đà đã nhiều lần vây hãm nhưng không thể chiếm thành. |
|
Căn cứ trên các vết tích còn lại, các chuyên gia xác định thành có ba vòng. Vòng ngoài chu vi 8 km, vòng giữa 6,5 km, vòng trong 1,6 km. Trong đó, vòng thành nội có thể đã được làm về sau, thời Ngô Quyền. |
|
2. Ở thành nội của thành Cổ Loa có đền Cổ Loa, tương truyền được xây trên nền nội cung của vua An Dương Vương ngày trước. Ngôi đền này là nơi thờ An Dương Vương, nhân vật trung tâm trong truyền thuyết về thành Cổ Loa. |
|
Theo sử cũ, An Dương Vương tên thật là Thục Phán, là người đã thống nhất hai tộc Âu Việt và Lạc Việt vào chung một triều đình. Ông đổi quốc hiệu thành Âu Lạc, xưng là An Dương Vương và đóng đô tại Phong Khê, nay là vùng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. |
|
3. Nằm trong khuôn viên đình Cổ Loa, am Mỵ Châu là nơi thờ nàng Mỵ Châu, vị công chúa bị vua An Dương Vương chém đầu vì tội phản bội trong truyền thuyết về thành Cổ Loa. Tương truyền, Mỵ Châu đã bị Trọng Thủy lừa để đánh tráo lẫy nỏ thần, dẫn đến sự sụp đổ của Âu Lạc trước nhà Triệu. |
|
Hậu cung của am Mỵ Châu là nơi thờ một phiến đá có hình dáng của một người cụt đầu ngồi theo thế xếp bằng, hai tay đặt song song và bàn tay đặt lên đầu gối, tương truyền là di thể không đầu của nàng Mỵ Châu. |
|
4. Nằm ở khoảng giữa đền Cổ Loa và đình Cổ Loa có đền thờ Cao Lỗ, một vị tướng tài dưới trướng vua An Dương Vương. Theo truyền thuyết, từ chiếc móng của thần Kim Quy, Cao Lỗ đã làm ra nỏ thần mà chỉ vài lần bắn là quân giặc đông đến hàng vạn cũng phải tan tành rồi bỏ chạy. |
|
Theo các nhà nghiên cứu, nỏ thần Cổ Loa không phải câu chuyện được thêu dệt mà là hình tượng được xây dựng từ một loại vũ khí có thật từng được quân đội Âu Lạc sử dụng. Đó là một loại nỏ lớn, có cấu tạo phức tạp, có khả năng bắn ra nhiều mũi tên cùng lúc với lực bắn rất mạnh. |
|
5. Phía trước đền Cổ Loa có một hồ hình bán nguyệt, giữa đắp bờ tròn, được người dân gọi là giếng Ngọc. Giếng này được cho là nơi Trọng Thủy tự tử sau khi phản bội Mỵ Châu. |
|
Truyền thuyết kể rằng, Trọng Thủy khi theo dấu lông ngỗng và thấy Mỵ Châu đã chết, liền thương khóc và ôm xác nàng đem về chôn ở Loa thành. Vì quá đau đớn, người con trai của Triệu Đà trở lại giếng nước Mỵ Châu hay tắm gội trang điểm khi trước rồi lao mình xuống mà chết... |
Mời quý độc giả xem video: Giải mã thông điệp ý nghĩa trống đồng Đông Sơn. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.