Dọc đường

Những cuộc đời mới ở REACH

Nghỉ hưu ở tuổi 65, ông Robert Waite cảm thấy mình còn đủ sức khỏe và năng lực để làm việc gì đó hữu ích. Ông liên hệ với chương trình Tình nguyện viên Australia vì sự Phát triển Quốc tế (AVID) và trở thành tình nguyện viên tại REACH, một tổ chức đào tạo và hỗ trợ việc làm cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.

Duyên may với Việt Nam  

Lần đầu tiên cách đây 5 năm, Robert Waite đến Việt Nam trong vai trò một tình nguyện viên quốc tế dạy tiếng Anh cho học viên tại KOTO (tổ chức Know One Teach One) – một tổ chức đào tạo hướng nghiệp phi lợi nhuận cho những người từng là trẻ em đường phố. Ở đây, trẻ đường phố và những người trẻ thiệt thòi được học kỹ năng nấu ăn, phục vụ nhà hàng, kỹ năng y tế, tiếng Anh và các kỹ năng sống cần thiết; những kỹ năng thực hành được hoàn thiện ở chính nhà hàng KOTO.

Khi đó Robert vẫn còn đang đi làm, ông chỉ dành được một tháng của kỳ nghỉ năm tham gia công tác tình nguyện. Sau một tháng dạy tiếng Anh cho các học viên tại KOTO, ông trở về nước với sự trăn trở về những cuộc đời bất hạnh của những người trẻ mà ông được chứng kiến, được tiếp xúc.

Xuất thân là một giảng viên môn Lịch sử, nhưng sau này Robert lại chuyển sang làm công việc giảng dạy về kinh doanh, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Công việc này đưa ông trở lai Việt Nam thêm một vài lần nữa để hỗ trợ cho hai doanh nghiệp start-up. Trong ông vẫn không thôi nghĩ đến việc mình có thể giúp đỡ để thay đổi cuộc đời những người trẻ kém may mắn như thế nào…

Cách đây 2 năm, Robert nghỉ hưu ở tuổi 65, cảm thấy mình có quá nhiều thời gian rảnh rỗi khi chỉ quanh quẩn với việc làm vườn, chăm sóc nhà cửa trong khi vợ ông vẫn đi làm, bận rộn với công việc và các cuộc họp hành. Ông quyết định liên hệ với tổ chức Tình nguyện viên Australia vì sự Phát triển Quốc tế (AVID), tìm kiếm công việc tình nguyện viên tại Việt Nam, và duyên may đến khi ông tìm thấy REACH (Ray of Everlasting and Continuous Hope) – một tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và hỗ trợ việc làm cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Ông tin rằng ở REACH ông có thể thực hiện mong muốn làm điều gì đó giúp thay đổi cuộc đời của những người trẻ bất hạnh.

Robert hạnh phúc với công việc tình nguyện viên tại REACH Việt Nam

Robert hạnh phúc với công việc tình nguyện viên tại REACH Việt Nam.

Công việc tình nguyện viên không có thu nhập gì ngoài việc được sắp xếp nơi ở và một khoản trợ cấp của chính phủ Autralia giúp trang trải chi phí sinh hoạt tại nước sở tại. Robert chia sẻ: “Tôi có lương hưu rất tốt, nên tôi không cần thêm thu nhập gì. Điều đáng nói là công việc tình nguyện đem lại hạnh phúc cho tôi khi thấy mình được đóng góp trách nhiệm xã hội, giúp cho những số phận bất hạnh trở nên tốt đẹp hơn”.

Hướng đi mới

Thành lập từ năm 2008, cho đến nay REACH đã đào tạo được hơn 13.000 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn là những người khuyết tật, mồ côi, người dân tộc thiểu số, những người yếu thế, những người chịu thiệt thòi trong cuộc sống như nạn nhân bạo hành gia đình, nạn nhân bị buôn bán qua biên giới,… Hàng năm khoảng 1.100 – 1.300 học viên tốt nghiệp từ các khóa học của REACH, với trên 80% trong số đó tìm được việc làm và duy trì công việc ổn định trong ít nhất là 6 tháng sau khi tốt nghiệp.

Mọi hoạt động của REACH chủ yếu là nhờ vào nguồn kinh phí tài trợ từ tổ chức viện trợ Plan, một tổ chức phi chính phủ quốc tế phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trung tâm. Tuy nhiên, khi Việt Nam đang ngày càng phát triển, thì các nguồn tài trợ cũng trở nên thưa dần, chuyển hướng sang các nước khó khăn hơn. “Dự kiến trong 5 năm tới, REACH sẽ không nhận được tài trợ, nhưng chắc chắn các bạn trẻ khó khăn vẫn rất cần sự hỗ trợ, và REACH chưa thể kết thúc sứ mệnh của mình”, Robbert chia sẻ.

Vai trò của Robert ở REACH hiện nay là hỗ trợ xây dựng và phát triển các doanh nghiệp xã hội, vừa là nơi đào tạo nghề, giúp các học viên thực hành trên điều kiện thực tế tại doanh nghiệp, đồng thời lợi nhuận từ hoạt động của doanh nghiệp hoàn toàn được sử dụng để tài trợ cho REACH tiếp tục sứ mệnh hỗ trợ thanh niên khó khăn. “Hiện nay chúng tôi đã xây dựng thành công mô hình doanh nghiệp xã hội, đưa vào hoạt động có hiệu quả hai doanh nghiệp trong lĩnh vực làm tóc và nhà hàng, là EM và KOI Bento. Các doanh nghiệp xã hội do REACH xây dựng cam kết sử dụng 100% lợi nhuận để hỗ trợ các bạn trẻ khó khăn đang học tập tại REACH”, Robert cho biết.

Trong đó, EM hair salon là một chuỗi các cửa tiệm làm tóc, được truyền cảm hứng từ cuộc đời của EM – một trong các cựu học viên của REACH, với sự quyết tâm và lòng dũng cảm em đã tìm đến khóa làm tóc tại REACH để khởi đầu cuộc đời mới sau những năm tháng chịu thiệt thòi vì bạo lực gia đình. EM HAIR SALON tạo ra môi trường thực tế để học viên lớp tóc đang học tập tại REACH có cơ hội tiếp xúc, học hỏi để nâng cao tay nghề. Toàn bộ lợi nhuận từ EM được sử dụng để hỗ trợ phụ nữ và bé gái có hoàn cảnh khó khăn đang học tập tại REACH.

Tương tự, KOI Bento là một cửa hàng cơm trưa Nhật Bản được REACH xây dựng nhằm mục đích mở ra cơ hội đào tạo trực tiếp tại môi trường doanh nghiệp cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Các bạn học viên được tham gia chế biến món ăn dưới sự kiểm soát chất lượng chặt chẽ của các đầu bếp chuyên nghiệp.

Robert làm việc với các học viên tại KOI Bento - REACH

Robert làm việc với các học viên tại KOI Bento – REACH.

KOI Bento, EM và sắp tới là CODE REACH ra đời không chỉ là nơi đào tạo và phát triển các lĩnh vực chuyên biệt của mình mà còn là nơi kết hợp việc kinh doanh với hoạt động đào tạo cho các bạn học viên các lớp khác như lớp Bán hàng & Marketing, Thiết kế đồ họa, Thiết kế website,… Tất cả các doanh nghiệp xã hội do REACH mở ra đều cam kết 100% lợi nhuận quay trở lại REACH để hỗ trợ cho các học viên có hoàn cảnh khó khăn.

Và những cuộc đời mới

Ban đầu Robert chỉ định tham gia chương trình tình nguyện trong 3 tháng, vì vợ và gia đình ông vẫn ở Australia, nhưng công việc và tình cảm gắn bó với REACH đã khiến ông quyết định ở lại với kế hoạch 18 tháng. Robert cho biết chính nghị lực vượt khó của các học viên là động lực để ông quyết tâm đồng hành cùng REACH.

“Thật sự những người trẻ khó khăn ở REACH rất tuyệt vời, học hỏi nhanh và rất có ý chí quyết tâm. Bạn phải đến REACH vào ngày tốt nghiệp để thấy sự khác biệt mà họ đã làm được. Trong những buổi lễ tốt nghiệp, chúng tôi mời cả những học viên mới đến dự. Gương mặt biểu cảm tự tin, ánh mắt sáng tràn đầy hy vọng vào một tương lai mới, khác hẳn với chính họ của 3 hay 6 tháng trước khi mới bước chân vào REACH”, Robert hào hứng chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện về sự thay đổi cuộc đời của những người trẻ này.

Đó là câu chuyện về Nguyễn Hữu Mạnh, một cậu bé mà mồ côi và nghèo túng đã đẩy cậu vào con đường trộm cắp, bị bắt và đưa vào trường giáo dưỡng. Không chấp nhận trở thành một chấm đen của xã hội, Mạnh đã phấn đấu để được ân xá và trở về làm lại cuộc đời. REACH đã mở ra một cánh cửa cuộc đời mới cho cậu. 5 năm sau khi tốt nghiệp khóa học pha chế tại REACH, Mạnh đã kinh qua khắp các nhà hàng, khách sạn lớn như Pullman, Sheraton, InterContinental, thậm chí phát triển dịch vụ set-up cho các nhà hàng mới mở. Hiện Mạnh đang là quản lý bộ phận pha chế cho một nhà hàng Singapore có tiếng ở Hà Nội.

Đó là câu chuyện về Nguyễn Thị Minh Phương, cô gái không may bị mất khả năng nghe nói từ khi lên 3, đã nỗ lực học hết trung học trong môi trường bình thường nhưng lại không thể tìm được việc làm bởi rào cản ngôn ngữ. REACH đã giúp hiện thực hóa giấc mơ trở thành thợ làm bánh của cô, và giúp cô có một việc làm tốt tại một khu nghỉ dưỡng ở quê hương Thanh Hóa.

Đó là câu chuyện về chàng trai Phạm Văn Cường 22 tuổi, người Mường, mồ côi cha, hoàn cảnh gia đình thậm chí còn dưới mức khó khăn. Với sự hỗ trợ của REACH, Cường đang tiến những bước vững chắc trên con đường thực hiện giấc mơ trở thành bếp trưởng. Hiện Cường đang là nhân viên học việc tại khách sạn Hilton Hanoi Opera…

Lê Na

BẢN DESKTOP