Chữa bệnh không dùng thuốc

Những biểu hiện này chớ nên cạo gió đánh cảm

Theo Y học cổ truyền dân gian thì đánh cảm và cạo gió là một trong những phương pháp chữa bệnh rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc cạo gió đánh cảm chống chỉ định cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh tim mạch, cao huyết áp, sốt cao…

Cạo gió bằng dụng cụ sừng trâu.

Cạo gió đánh cảm phải đúng cách

Theo TTND.BSCKII.TS Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, có rất nhiều phương pháp đánh cảm. Tùy theo điều kiện và tình trạng bệnh nhân mà chọn đánh cảm bằng đồng bạc cộng trứng gà, gừng tươi với rượu, dầu gió, thìa bạc hay dụng cụ sừng trâu…

Thậm chí có thể đánh gió bằng tay nếu thông thạo Đông y. Tuy nhiên, đánh cảm bằng nguyên liệu gì không quan trọng bằng đánh đúng cách.

TS Nguyễn Hồng Siêm cho biết, khi đánh cảm người bệnh cần được tuyệt đối nằm thẳng, ngay ngắn nơi kín gió; dụng cụ cạo gió phải được sát trùng.

Khi cạo phải tuần tự lần lượt từ vùng này sang vùng khác, cạo khắp nơi trên cơ thể: cổ, gáy, trán, trên đầu, hái thái dương, bả vai, bên trong bên ngoài 2 cánh tay, mu bàn tay, ngón tay, lưng, ngực, bụng, bụng dưới, mông, bên trong và ngoài đùi, chân, bắp vế, mu bàn chân, ngón chân.

Cạo chậm rãi, có thể kéo đường càng dài càng tốt. Thời gian cạo mỗi vùng từ 3 – 5 phút là da ửng đỏ.

Không nên cạo gió quá lâu, không nên sử dụng lực quá mạnh tránh gây xước da hoặc xuất huyết cho bệnh nhân khiến bệnh nhân đau đớn, rát bỏng. Nếu cạo gió đúng cách sẽ không bị đau, cạo xong sẽ có cảm giác dễ chịu, thoải mái.

Còn nếu khi cạo xong người bệnh thấy đau nơi bị cạo, trong người có cảm giác bứt rứt khó chịu thì là do cạo chưa đúng vị trí, làm hao phí khí huyết bệnh nhân và không tạo ra hiệu quả cạo gió. Khi đồng bạc bị đen, các bạn có thể bỏ vào 1 chén bên dưới lót 1 miếng giấy bạc rồi đổ nước sôi lên, đồng bạc sẽ trắng trở lại và có thể dùng lần sau.

Đánh sai hại cơ thể

TS Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cũng khuyến cáo, trước khi đánh cảm phải chắc chắn bệnh nhân bị cảm gió, cảm nắng, cảm lạnh… với những triệu chứng tiêu biểu của cảm, chứ không tùy tiện đánh cảm.

Chỉ đánh cảm khi bệnh nhân có những triệu chứng: hắt hơi, sổ mũi, tịt mũi, đau  đầu, ớn lạnh dọc sống lưng, người gai gai sốt, khó chịu, sợ lạnh, sợ gió, rêu lưỡi trắng mỏng… Những trường hợp bị cảm nóng (phong nhiệt), ra mồ hôi thì tuyệt đối không cạo gió, đánh cảm mà phải điều trị bằng thuốc.

Người bị cảm phong nhiệt thường có biểu hiện đau họng, miệng khô, sốt nóng, ra mồ hôi, sợ gió, ho có đờm, đau lưng, miệng khô, khát, nước tiểu vàng,…

Khi bị bệnh, cảm, các huyệt đạo của cơ thể bị bế tắc, lỗ chân lông trên bề mặt da cũng bị bít lại một phần nên không thể thải độc tố trong cơ thể ra ngoài. Cạo gió sẽ giúp khí huyết, huyệt đạo và kinh lạc lưu thông, giúp bề mặt da thông thoáng để thải độc tố.

Khi cạo phải đánh xuôi từ trên xuống dưới, không đánh theo chiều ngược lại (dưới lên). Chỉ đánh theo hai bên cột sống lưng (không đánh thẳng vào cột sống lưng). Trong lúc đánh cảm phải duy trì nhiệt độ vừa đủ làm nóng các loại lá, trứng…

Không dùng nước mát, dầu trắng (loại dầu không nóng dùng làm mát cơ thể) để đánh cảm lạnh vì cơ thể đã bị lạnh lại càng lạnh thêm.

Sau khi đánh cảm người bệnh cần mặc đồ kín, ấm, nghỉ ngơi, tránh ra gió và uống trà gừng hoặc nước ấm. Có thể đắp một tấm chăn mỏng để cơ thể toát mồ hôi. Lấy khăn khô ấm lau người sau khi đánh cảm, tuyệt đối không tắm.

Trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp, người sốt cao, bị bệnh ngoài da… tuyệt đối không đánh cảm. Một số người bị huyết áp, tai biến mạch máu, gia đình không đi gọi cấp cứu kịp thời mà tưởng trúng gió đánh cảm, dẫn đến bệnh nhân bị  nặng thêm, thậm chí có thể tử vong.

Do vậy, đánh cảm chỉ áp dụng cho những trường hợp cảm mạo thông thường với những triệu chứng nói trên. Không tùy tiện đánh cảm, hoặc đánh cảm sai cách có thể gây tổn hao khí huyết, trụy tim mạch, nguy hiểm tính mạng.

Đức Vinh

BẢN DESKTOP