Thời sự

Nhói lòng những phận đời sinh ly…

  • Tác giả : An Quý
Nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng đã lặng lẽ ra đi, không người thân bên cạnh, không một trăng trối. Tro cốt của họ được trao cho gia đình rất lâu sau đó.

“Ba ở đâu?”, “Ba… ngồi trên tường!”

Người mẹ trẻ Nguyễn Thị Thúy Phượng, (sinh năm 1988), đưa đôi tay gầy gò ôm con vào lòng, ngồi bần thần trong căn nhà cuối hẻm. Cái không khí ồn ào, tấp nập quay trở lại cuộc sống thường nhật sau giãn cách dường như không tác động nhiều đến không khí trầm lắng của căn nhà.

chi-nguyen-thi-thuy-phuong.jpg
chi-thuy-phuong-va-di-anh-chong-ngoai-cung-.jpg
Chị Nguyễn Thị Thúy Phượng (1988) chỉ tay lên di ảnh chồng (ngoài cùng)

Con hẻm nhỏ trên đường Hòa Bình vào tháng 7/2021 là ổ dịch đầu tiên của phường 3 (quận 11). Khu trọ nơi gia đình anh Dương Tài Cường (1984) và chị Nguyễn Thị Thúy Phượng (1988) sinh sống chỉ có 3 căn nhà. Dịch bệnh Covid-19 đã lấy đi 4 người trong khu nhà ấy, trong đó có anh Cường, chồng chị Phượng.

Anh Cường bị mắc Covid-19 hồi giữa tháng 7. Đến ngày 6/8/2021, anh Cường mất. Cuối tháng 8/2021, gia đình mới nhận được tro cốt của anh. Thời điểm đó, một ngày khoảng 500 ca tử vong vì Covid-19.

Nghèn nghẹn, chị tâm sự: “Đêm đó, em nói với chồng, anh khỏe rồi, mai em nấu cơm cho anh ăn. Anh Cường nói, còn đau họng lắm, anh muốn ăn cháo em nấu”.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta đã đưa thế giới cũng như Việt Nam vào những tháng ngày chưa từng có trong lịch sử. Tính đến nay, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam là 23.578 ca.

Riêng TPHCM chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 17.263 người tử vong do Covid-19. Hàng nghìn gia đình lâm vào cảnh tang thương.

Vào những ngày tháng 8/2021, chưa đến 1 tháng, Covid-19 đã mang đi 8 người thân của cô gái trẻ 20 tuổi ở quận 4, Phạm Uyển Nhi. Gồm ba mẹ, ông bà ngoại và nhiều người thân trong gia đình.

Uyển Nhi đã quyết định tham gia vào một đội mai táng 0 đồng. Hằng ngày, cô chuẩn bị nhang đèn, khăn tang, đồ bảo hộ để các đội sẵn sàng đi đón người đã mất.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TPHCM, thành phố có 2.151 trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những trẻ này đang được Sở đề xuất với UBND TPHCM hỗ trợ thêm từ 480.000 - 1 triệu đồng/em/tháng đến năm 18 tuổi, ngoài tiêu chuẩn hưởng của chính sách trợ cấp xã hội.

Nửa đêm, chị Phượng giật mình thức giấc, thấy chồng rên lớn và thở rít lên, giống như kiệt sức trong giấc ngủ. Hai hàng nước mắt của chồng lăn dài.

“Em đập cửa hàng xóm đưa chồng lên Bệnh viện điều trị Covid-19… Em còn đập tay kêu anh tỉnh dậy. Nhưng chồng em không tỉnh lại, tay chân tím lạnh, đến 11h trưa, ảnh lịm dần rồi đi”, người vợ trẻ nức nở.

Nghe bác sĩ thông báo, chị hụt hẫng không tin là người mình thương cứ vậy mà đi. Chị nghe mọi người cảnh báo dịch Covid-19 nguy hiểm, nhưng vẫn cứ ngỡ nó xa xôi ở tận đâu. Nào ngờ, nó lại tàn phá mãnh liệt gia đình chị.

vo-cung-thuong-tiec-nguoi-mat-vi-covid.jpg
Vô cùng thương tiếc các nạn nhân tử vong do dịch Covid-19. 

Tối nào, cậu bé Thái (3 tuổi) cũng cuộn tròn tấm chăn ba hay đắp để ôm vào lòng. Bàn tay nhỏ xíu nhẹ nhàng xoa xoa trên lớp vải sờn. Ba của cậu bé giờ ngồi trên tường và ở trong tấm chăn cũ.

Chúng tôi tìm cách liên lạc với bên hỏa táng lo chu đáo nhất cho người đã mất. Còn ở viện, chúng tôi làm cẩn thận từng công đoạn. Chúng tôi bao gói, để tư thế ngay ngắn người đã mất. Các thông tin về người bệnh phải được làm chính xác nhất để chuyển cho bộ phận đưa đi hỏa táng.

Lo hậu sự nhanh nhất, gọn gàng nhất, sạch sẽ nhất để củng cố niềm tin rằng bệnh nhân đã ra đi thanh thản, tro cốt được trao lại cho thân nhân… Các bác sĩ cũng phần nào nhẹ lòng.

BS Nguyễn Thanh Huy, Trung tâm Hồi sức Người bệnh Covid-19 của Bệnh viện T.Ư Huế tại TPHCM

Tôi hỏi một câu mà cảm thấy mình hời hợt: “Tương lai sắp tới của chị thế nào?”.

Chị Phượng buồn buồn: “Giờ em gánh nặng lắm, má chồng nằm một chỗ, em đổ phân lau nước tiểu. Hai con, một đứa 13 tuổi, một đứa 3 tuổi. Em lại đau bệnh rề rề, suy nhược thần kinh. Hồi còn sống, chồng em làm nghề tự do, bốc xếp, đi công trình, dọn cống. Em chỉ biết nội trợ, làm dâu chăm con, cũng không biết làm gì để sống sắp tới đây”.

“Con ghét Covid lắm vì mang ba con đi rồi!”

Ngày 11/8/2021, hai vợ chồng anh Phương Xuân Chánh (sinh năm 1962) và chị Thạch Thị Quẹt (1985) cùng vào viện vì mắc Covid-19.

“Mấy ngày đầu, ảnh như bị cảm, khó chịu xíu thôi. Hai vợ chồng cứ nghĩ uống thuốc xong sẽ hết…”, chị Quẹt thều thào.

img_5155.jpg
Có những cuộc chia tay là mãi mãi. Cha đi rồi, con sống đời mồ côi. 

Ngày vào Bệnh viện Trưng Vương điều trị Covid-19, chị nằm ở phòng ngoài, anh hôn mê nằm trong phòng cấp cứu hồi sức.

Sáng nào chị cũng đi thăm anh, nói với anh đủ thứ chuyện qua cửa kính. Dẫu anh không nghe thấy, chị tin rằng “tình cảm của mình vẫn đến được với anh, để hai vợ chồng khỏe lại về với con”.

Chống chọi được hơn chục ngày, anh Phương Xuân Chánh mất vào ngày 26/8/2021. Hai vợ chồng cách nhau có một lớp kính, mà đến phút cuối chị cũng không thể vào nắm tay anh. Tro cốt của anh cũng được trao lại cho chị nhiều ngày tháng sau đó.

Cậu bé Phương Thạch Minh Khoa (sinh năm 2011) những ngày này lầm lũi trong góc nhà, không còn là cậu bé hoạt bát nói nhiều như ngày xưa. Thậm chí có bữa, cậu bé không muốn ăn cơm. Mẹ và mấy dì phải động viên dữ lắm.

“Covid đáng ghét quá dì ơi. Mang ba con đi mất rồi. Nhà không có ba buồn quá. Con muốn nghe tiếng ba rầy la”, Minh Khoa nói nhỏ.

Trước anh Chánh chạy taxi, chị Quẹt giúp việc nhà theo giờ, đắp đổi qua ngày. Hai vợ chồng và cậu con trai ở nhờ trong một phần nhà của bên chồng với bề ngang chừng 1m5 còn chiều dài 12m.

Chị Quẹt giờ loay hoay buôn bán lặt vặt trong nhà vì nay ốm mai đau. Căn bệnh quái ác vẫn làm chị mệt nhoài, khó thở, xương khớp đau như ai dần, đứng lâu xíu là choáng váng muốn xỉu.

Chị muối dưa chua cà pháo, làm sữa đậu nành, đậu xanh, đậu phộng… qua ngày đoạn tháng.

chi-quet-gio-ngam-dua-ban-qua-ngay.jpg
Chị Quẹt giờ này muối dưa chua cà pháo, làm sữa đậu nành, đậu xanh, đậu phộng… qua ngày đoạn tháng.

Bà Lê Thị Thanh Dung, Phó Chủ tịch phường 3, quận 11, TPHCM chia sẻ thêm, phường 3 có 8 trẻ mồ côi. Nhiều trẻ bị tổn thương tinh thần quá lớn nên phường luôn cử cán bộ chữ thập đỏ theo sát, hỏi thăm, động viên thường xuyên cũng như khám sức khỏe định kỳ.

“Chúng tôi vẫn biết đó là những mất mát không gì bù đắp nổi. Nhưng chúng tôi sẽ vẫn luôn xuyên suốt quá trình các em sinh sống và học tập, tránh để bất cứ trường hợp nào các em gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời”, bà Dung cho biết.

Trung tuần tháng 9/2021, Đại đức Thích Thanh Thịnh, thuộc đoàn chư tăng tình nguyện Phật giáo tỉnh Nam Định đã vào Long An hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 cùng lực lượng y, bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 T.Ư thuộc Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên.

Đại đức Thích Thanh Thịnh tâm sự, mỗi lần nghe yêu cầu: “Thầy có thể tụng cho người mất một tiếng kinh được không?”, nghe xót xa đến nhói đau ở trong lòng. Dẫu biết đó là việc làm không còn quá xa lạ nhưng thực tâm thầy không muốn điều đó trở thành việc làm thường ngày.

An Quý

BẢN DESKTOP