Đời sống

Nhìn vào mặt tốt để thấy đời vui

là chia sẻ của ông Dương Ngọc Liên (75 tuổi, ở Đồng Xuân, Hà Nội). Ngay từ khi còn dạy học (ông Liên nguyên là giáo viên dạy lý Trường THPT Chu Văn An) hay khi đã nghỉ hưu, ông luôn có thói quen nhìn vào những mặt tốt của con người để tìm niềm vui cho mình.

Vui nhất là gặp học sinh

Nhà giáo Dương Ngọc Liên

Từ khi còn dạy học, ông Liên đã quan niệm, không có học trò kém và cũng không có học trò đạo đức kém. Là giáo viên chủ nhiệm, ông chưa bao giờ cho học sinh điểm hạnh kiểm kém, bởi với ông những dại dột, lỗi lầm của các em chỉ là những bồng bột của tuổi trẻ. Không nên đóng một cái dấu ấn nặng nề vào học bạ.

Ông cho tôi xem cuốn kỷ yếu của một lớp ông chủ nhiệm trước khi nghỉ hưu. Những dòng lưu bút học trò viết về ông tràn đầy tình yêu thương và biết ơn.

Và những dòng ông viết về các em cũng thật cảm động. 52 học sinh là 52 gương mặt được thầy Liên khắc họa bằng những nhận xét thật riêng. Ở em học sinh nào ông cũng nhìn thấy một nét gì đấy thật đáng yêu để nhớ.

Với ông, tình cảm của học trò bao giờ cũng rất chân tình. Hồi ông dạy học ở Sóc Sơn, học sinh còn mang cả khoai lang, cả mít trong vườn tới biếu thầy.

Học sinh bây giờ thì khác. Nhiều em thành đạt, có em công tác ở nước ngoài, mỗi khi họp lớp, tổ chức ở các nhà hàng, lại đến đón thầy…Hay có khi, đang đi ngoài đường học sinh cũ nhận ra thầy là gọi nhau kéo thầy vào quán uống bia, rất vui.

Đằng sau tất cả những điều đó, vẫn là tình cảm thầy trò chân thật. Được gặp, được nghe các em kể lại những kỷ niệm hồi còn đi học, kể về những thành công của bản thân, của bạn bè… với người thầy đó là một niềm vui lớn.

Nghỉ hưu đã 15 năm, nhưng đến giờ ông Liên vẫn dạy học. Học sinh là con cái bạn bè, là các cháu trong khu phố quanh đây biết tiếng ông nên tìm đến học.

Được dạy học đối với ông cũng là một niềm vui. Được tiếp xúc với con trẻ, nghe tiếng chúng líu lo, những ánh mắt trong sáng, ông thấy mình như trẻ lại. Hơn nữa, muốn dạy tốt thì cũng phải cập nhật kiến thức, các đề thi, cách thi…nên trí não không bị lão hóa.

Ông bảo, chẳng nghề nào được như nghề giáo. Cứ đi ra đường là gặp học sinh, là được nghe người này chào thầy, người kia chào ông giáo. Sung sướng lắm chứ.

Cuộc sống nhiều niềm vui

Ngoài việc dạy học, ông còn tham gia tập dưỡng sinh, Thái cực quyền. Mới tập được mấy năm nhưng ông thấy rất có tác dụng, người khỏe lên, tinh thần thoải mái hơn hẳn vì ra sân tập, được hít thở không khí trong lành, được giao lưu, có thêm nhiều bạn bè.

Ông còn tham gia CLB thơ, tuy không làm được nhiều thơ, nhưng chủ yếu là đóng góp cho vui, và cũng là giao lưu để có thêm nhiều người bạn mới.

Nhiều năm nay, ông còn là tổ phó tổ dân phố. Phố Đồng Xuân, nơi ông đã sinh ra và lớn lên, rồi sống cả đời ở đây. Nhiều người cứ tiếc nuối những gì đã mất đi, nhưng với ông, những cái mới cũng rất đẹp. Thỉnh thoảng, ông lại chở bà xã hay cùng bạn bè đi khắp phố phường, lên cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù để ngắm nhìn những đổi thay của thành phố.

Trong cuộc sống cũng vậy, ông Liên luôn biết cách tìm niềm vui bằng cách nhìn vào mặt tốt của mỗi người, còn những gì chưa vừa ý thì bỏ qua hết để khỏi đau đầu.

Con người không ai hoàn thiện cả, ai cũng có mặt tốt, mặt xấu. Người già lại thường khó tính. Nếu mình cứ nhìn vào những mặt xấu, những điều khó chịu của họ thì sẽ thấy bực bội trong lòng.

Ông chọn cách nhìn vào những mặt tốt của mỗi người để thấy ai cũng có điều gì đó đáng yêu. Có lẽ vì thế mà ông có rất nhiều bạn, bạn cũ bạn mới, bạn thơ.

Ông bảo, may mắn nhất trong đời ông là gặp được bà xã cũng là giáo viên, một người hết lòng vì gia đình, chồng con, lại rất tâm lý và khéo léo.

Tuệ Anh

BẢN DESKTOP