Đời sống

Nhìn lại thấy hạnh phúc

Nhìn lại thấy hạnh phúc, đó là chia sẻ của Trần Đức Ninh (81 tuổi, ở Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội). Làm Giám đốc công ty trong gần 20 năm, bên cạnh những công trình lớn, điều khiến ông tự hào nhất là đã lo được cho nhân viên của mình có một ngôi nhà.

Ông Trần Đức Ninh, nguyên Giám đốc Công ty cơ khí xây dựng 121.

Làng ông Ninh

Khu dân cư Ngọc Lâm đoạn gần cầu Chương Dương còn được gọi là làng cơ khí 121 vì dân ở đây đa số là cán bộ công nhân viên của Công ty cơ khí xây dựng 121, một trong bốn đơn vị tham gia xây dựng cầu Chương Dương.

Ông Trần Đức Ninh, nguyên Giám đốc Công ty vẫn rất tự hào khi kể về những ngày tháng hào hùng đó. Cầu Chương Dương là cây cầu lớn đầu tiên Việt Nam tự thiết kế và thi công, được khởi công năm 1983 và hoàn thành năm 1985. Tự hào lắm chứ khi mình là một thành viên xây dựng cho Hà Nội một cây cầu lớn như vậy, ý nghĩa như vậy. Nên 33 năm nay, mỗi lần đi lại trên cầu, nhìn tấm biển đồng do Thủ tướng Phạm Văn Đồng gắn ngày thông cầu, ông lại rưng rưng.

Nhớ lại những năm bom đạn ác liệt, ngày 28, 29/12/1972, nhà xưởng của Công ty bị san bằng, 56 người hy sinh, 4 gia đình bị xóa sổ… Mất mát quá lớn, tưởng không gì vực dậy được. Nhưng từ lãnh đạo đến công nhân, ai cũng một lòng quyết tâm xây dựng lại. Ông Ninh khi đó là phó giám đốc và từ năm 1979 đến 1997 là giám đốc công ty, đã ghé vai gánh vác, là hạt nhân, đóng góp vào sự phát triển của Công ty. Chính khó khăn, bão tố đã khiến cho những người lãnh đạo như ông trưởng thành.

Điều khiến ông hài lòng nhất là đã lo được cho cán bộ nhân viên của mình có nơi ăn chốn ở ổn định. Năm 1983 bắt đầu khởi công xây dựng cầu Chương Dương, Công ty của ông lúc đó đóng trên Sóc Sơn, ông liền đặt vấn đề xin đất để làm trụ sở và nơi ở cho cán bộ, công nhân. Thành phố đồng ý cho khu hồ nước tại khu vực Ngọc Lâm bây giờ, sát với sông Hồng. Lúc đó nhìn ai cũng ái ngại vì hồ rộng và sâu tới 3m, để san lấp được rất tốn kém. Nhưng với quyết tâm của người lãnh đạo, ông đã cho đổ cát lấp hồ và được nhận 5000m2. Trong đó có 1000m2 làm trụ sở công ty còn lại để phân cho cán bộ, nhân viên để họ từ Sóc Sơn chuyển về Hà Nội.

Đến nay nhiều người vẫn nhắc đến ông như người lập nên làng cơ khí 121 mà họ vẫn gọi là làng ông Ninh. Có người đã rất xúc động bày tỏ, bố mẹ không lo được đất được nhà vậy mà ông Ninh lo được.

Làm thơ cũng là sống hòa mình với xã hội

Ông bảo, với người lãnh đạo, hạnh phúc nhất là làm được một cái gì đó cho anh em. Mà với mỗi người, quý nhất là một ngôi nhà để họ ổn định cuộc sống. Để đến bây giờ về hưu rồi mà người ta vẫn nhắc đến với lòng yêu mến, biết ơn.

Một niềm vui nữa của ông là có rất nhiều bạn. 13 tuổi đã xa nhà đi học trường thiếu sinh quân ở Việt Bắc, 5 năm học tại khu học xá ở Trung Quốc, rồi học ĐH Giao thông Vận tải, những năm tháng đi xây cầu khắp đất nước, ngay cả khi nghỉ hưu ông vẫn tiếp tục làm tư vấn xây dựng, thế nên bạn bè ông rất nhiều. Nhiều người là văn nghệ sĩ, quân đội, giao thông, xây dựng… đi đến đâu cũng có bạn. Còn hàng xóm đều là anh em đồng nghiệp, nên cuộc sống lúc nào cũng vui.

2 năm gần đây, khi bước vào tuổi 80 ông mới nghỉ thực sự, chỉ tập trung vào làm thơ. Ông chia sẻ, khi về hưu còn sức khỏe, còn minh mẫn, nếu không hoạt động, cứ quanh quẩn trong nhà thì sẽ nhanh già nua. Vì vậy phải học cách sống làm sao cho thanh thản, yêu đời, ăn ở với mọi người chân tình, hòa mình với xã hội.

Làm thơ cũng là một cách sống hòa mình với xã hội. Bởi thơ phải có tình cảm, phải xuất phát từ tình cảm, không có nhiều xúc cảm thì không thể ra thơ được. Tình cảm với quê hương đất nước, với gia đình, bạn bè…Từ những tình cảm, những rung động ấy mới thành thơ.

Minh Châu

BẢN DESKTOP