Dữ liệu y khoa

Nhiều trường hợp nguy kịch vì “u mê” dùng thuốc nam trị rắn cắn

  • Tác giả : Thúy Nga
Liên tiếp các bệnh nhân hoại tử nặng do tự dùng thuốc nam điều trị rắn cắn nhập viện điều trị. Đặc biệt có nhiều người tử vong, suy đa tạng và có người điều trị không hết liệu trình cũng tiến triển nặng.

Hoại tử chi và suy đa tạng

BS Hoàng Huyền, Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, gần đây khoa liên tiếp phải điều trị cho các bệnh nhân “u mê” khi dùng thuốc nam trị rắn cắn.

Sau vụ cụ ông 8o tuổi bị viêm mô tế bào do đắp thuốc nam sau rắn cắn, khoa hồi sức cấp cứu tiếp nhận thêm 2 ca với bệnh trạng tương tự, thậm chí còn nặng hơn.

Điều đáng nói là những bệnh nhân này trẻ tuổi hơn, đã được bác sĩ tư vấn chuyển Trung tâm Chống Độc của bệnh viện Bạch Mai để dùng huyết thanh nhưng kiên quyết không đi mà ở nhà dùng thuốc nam theo lời truyền miệng của hàng xóm, để đến khi vào viện, tình trạng hoại tử, nhiễm trùng quá nặng, tiên lượng phải cắt lọc và vá da sau này và nguy cơ tử vong cao.

Trường hợp 1, anh Nguyễn Quang T. 46 tuổi, bị rắn cắn trước đó 7 ngày, theo 2 thầy lấy thuốc nam mà không đỡ mới đi viện. Trước vào viện 3 ngày, thầy bốc thuốc nam đã bảo bó tay rồi, phải về dùng kháng sinh mới khỏi được nhưng nhất quyết không nghe.

Đến khi mu tay hoại tử đen, chảy dịch và sốt mới đi viện. Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình tiên lượng phải cắt lọc ổ hoại tử, nối gân và vá da khi tình trạng nhiễm khuẩn ổn định.

Trường hợp 2, bệnh nhân Nguyễn Văn L. 63 tuổi, bị trước vào viện 3 ngày, ở nhà tự đắp lá. Thấy tay sưng dần, bệnh nhân tự mua kháng sinh uống, rồi gọi y sĩ đến truyền thuốc tại nhà.

Khi vào viện thì hoại tử lan rộng từ cánh, cẳng tay đến mu ngón tay khó xác định độ sâu kèm theo suy đa tạng (suy thận, gan, giảm tiểu cầu), tiêu cơ vân cấp. Tiên lượng rất nặng, có nguy cơ sốc nhiễm khuẩn, tử vong, cân nhắc chỉ định lọc máu.

Nhiều trường hợp nguy kịch vì “u mê” dùng thuốc nam trị rắn cắn ảnh 1

Nhiều trường hợp nguy kịch vì “u mê” dùng thuốc nam trị rắn cắn

Điều trị không hết, 1 bệnh thành 2

Đặc biệt hy hữu có trường hợp không tuân thủ điều trị khiến bệnh nhân vừa nguy kịch và rắn cắn lại nguy kịch vì uốn ván do điều trị dở dang.

Đó là bệnh nhân Nguyễn Cao C., 53 tuổi bị rắn hổ cắn và đến viện điều trị. Bệnh nhân được tiêm huyết thanh phòng uốn ván rồi chuyển đi Trung tâm Chống Độc - BV Bạch Mai và dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ ngay trong đêm.

Sau đó, các bác sĩ Bạch Mai đánh giá diện hoại tử cũng như sưng nề của bệnh viện đã khống chế được nên đã chuyển bệnh nhân về tuyến cơ sở điều trị. Bệnh nhân chỉ chịu điều trị tại viện 2 ngày rồi tự ý xin ra viện và chỉ dùng alpha choay để tiêm viêm.

Bỏ điều trị chân bệnh nhân không khỏi còn phải cấp cứu vì uốn ván

Bỏ điều trị chân bệnh nhân không khỏi còn phải cấp cứu vì uốn ván

Kết quả bàn chân phải nơi bị rắn cắn ngày càng đau nhức và tạo mủ trắng rồi sốt và nổi hạch cổ, bẹn. Và sau 10 ngày bị rắn cắn bệnh nhân tiếp tục nhập viện cấp cứu vì bị cứng hàm, chỉ mở được 1 cm, nuốt nghẹn khi ăn đồ đặc, khó nhai cơm, cơ mặt, cổ, bụng có co cứng nhẹ, hơi thở hôi đặc trưng của uốn ván.

Các bác sĩ của khoa đã hội chẩn với bác sĩ ở BV Nhiệt Đới Trung Ương để đưa ra chẩn đoán của chú là Nhiễm trùng huyết từ ổ viêm mô tế bào do rắn cắn kèm theo nhiễm vi khuẩn uốn ván

Đề tài của ThS.BS Lê Xuân Quý, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ cho thấy tỉ lệ cấy dương tính với bệnh nhân bị rắn cắn có uốn ván là 80,4%, cá biệt có 23,9% trường hợp cấy ra 2 loài vi khuẩn; đa số vi khuẩn phân lập được là E.Faecalis (chiếm 56%) - vi khuẩn trú ngụ trong đường tiêu hoá bình thường. Do đó, việc dùng kháng sinh sau khi bị rắn cắn là vô cùng cần thiết để tránh cả 2 căn bệnh nguy hiểm trên.

“Tình trạng uốn ván của bệnh nhân trên diễn ra khá "êm đềm", nhanh chóng là do bệnh nhân đã dùng huyết thanh phòng uốn ván ngay từ khi mới bị rắn cắn và không có dị vật trong vết thương”, BS Hoàng Huyền cho biết .

Các bác sĩ Trung Tâm cấp cứu 115 cho biết trong những ngày gần đây Trung tâm liên tiếp tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện do rắn, đặc biệt là rắn hổ mang cắn.

Mùa hè là thời điểm mùa sinh sôi phát triển của rắn, mọi người cần cẩn thận tránh để rắn cắn. Tuyệt đối không bắt rắn. Người dân hãy cẩn trọng khi làm việc và dọn dẹp nhà cửa, vườn tược sạch sẽ để tránh tạo nên môi trường phát triển của rắn.

Hổ mang là loài rắn rất độc. Người bị rắn hổ mang cắn có thể bị hoại tử vùng bị thương, cắt cụt chi, nhiễm trùng máu đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Vì vậy các bác sỹ khuyến cáo về việc tự ý điều trị bằng các loại thuốc nam chưa được kiểm chứng lại càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến bệnh tình ngày càng nghiêm trọng hơn. Người bệnh khi bị rắn cắn cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Khi bị rắn cắn, cần vào viện sớm để tiêm phòng uốn ván và bác sĩ xem xét dùng huyết thanh kháng nọc rắn. Với trường hợp rắn hổ cắn như 3 bệnh nhân gần đây, sẽ dẫn đến hoại tử da, cơ, viêm mô tế bào, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng rất nhanh nếu không được dùng huyết thanh trong vòng 48 giờ.

Cách đề phòng và xử lý rắn cắn

- Hạn chế đến các bụi rậm, cây leo để tránh gặp rắn.

- Không nên chủ quan mà bắt rắn khi không có kinh nghiệm và dụng cụ trong tay.

- Khi bị rắn cắn cần thực hiện các bước sơ cứu cơ bản và đưa ngay nạn nhân đến bệnh viện để được tư vấn dùng thuốc.

- Không sử dụng băng garo cột chặt vào vùng bị cắn, cách này vừa làm đau nạn nhân, vừa cản trở máu lưu thông đến các chi gây hoại tử, rất nguy hiểm.

- Không tùy tiện chườm lạnh, đắp lá cây... lên vết thương hoặc uống thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

- Không rạch, đâm chích vết thương hoặc cố gắng loại bỏ nọc độc vì có thể sẽ khiến nhiễm trùng.

- Tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ vì sức khoẻ của bản thân và túi tiền của gia đình.

- Mua ngay bảo hiểm y tế và nếu có điều kiện thì mua luôn bảo hiểm nhân thọ.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP