Thời sự

Nhiều trẻ ngộ độc chì nặng vì uống thuốc “đẹn” giúp hay ăn chóng lớn

  • Tác giả : Thúy Nga
Thuốc đẹn không được cấp phép lưu hành, nhưng lại đang được nhiều gia đình có trẻ nhỏ lựa chọn theo truyền miệng để điều trị khi trẻ nhỏ quấy khóc dẫn đến việc nhiều trẻ đã bị ngộ độc chì nặng đe dọa chức năng sống.

Trẻ co giật, hôn mê vì "bồi bổ"

Gần đây, Khoa Hồi sức Tích cực chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ từ hơn 1 tháng đến 6 tháng tuổi ngộ độc chì nặng. Nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc gia đình tin dùng thuốc “đẹn” không được cấp phép lưu hành với mong muốn con bớt quấy khóc, tăng cân, mau lớn. Trong số trẻ này, có trường hợp tiên lượng nặng nề, đe dọa đến các chức năng sống.

Bé N.T.D.L (4 tháng tuổi, Hưng Nguyên, Nghệ An) bị ho, khò khè, chơi ít. Nghe lời bày, người nhà đã mua thuốc “đẹn” gần nhà dạng viên nén và cho trẻ dùng trong vòng 7 ngày. Sau dùng thuốc, tình trạng của trẻ không những không cải thiện mà còn nặng nề hơn. Trẻ bỏ bú, da xanh tái, nôn.

Trẻ được đến khám khi tình trạng đã nặng, co giật toàn thân nhiều lần, hôn mê. Trẻ phải đặt ống nội khí quản, thở máy, hồi sức tích cực, định lượng chì trong máu tăng cao 216 µg/dL(ngưỡng được chấp nhận là dưới 5 µg/dL). Hiện tại, sau gần 1 tuần điều trị tại khoa Hồi sức Tích cực-chống độc, tình trạng sức khỏe của trẻ vẫn rất nặng nề.

Nhiều trẻ ngộ độc chì nặng vì uống thuốc “đẹn” giúp hay ăn chóng lớn ảnh 1

Nhiều trẻ ngộ độc chì nặng vì uống thuốc “đẹn” giúp hay ăn chóng lớn

Trường hợp thứ 2 xảy đến với bé trai P.N.K.Đ (3 tháng tuổi, Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Tương tự bé L, trong vòng 1 tháng nay, gia đình thấy trẻ quấy khóc nhiều, ít chơi, người nhà đã thuốc “đẹn” về pha loãng cho bé uống. Sau dùng thuốc trẻ xuất hiện nhiều triệu chứng lạ: bỏ bú, da xanh tái, co giật toàn thân. Trẻ được nhập viện và điều trị tại khoa Hồi sức Tích cực-chống độc.

Xét nghiệm cho thấy trẻ thiếu máu nặng, men gan tăng cao, định lượng chì trong máu cho kết quả cháu bị nhiễm độc chì nặng, 217,2 µg/dL. Hiện tại, sau 2 tuần được chăm sóc và điều trị tích cực, trẻ đã qua được giai đoạn nguy kịch, hết co giật, định lượng chì đã giảm nhiều.

Chất độc nguy hại khó thải loại

Bác sĩ khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khuyến cáo: Điều rất nguy hiểm là thuốc đẹn không được cấp phép lưu hành, nhưng lại đang được nhiều gia đình có trẻ nhỏ lựa chọn theo truyền miệng để điều trị khi trẻ nhỏ quấy khóc. Điều này rất nguy hiểm, bởi đã có nhiều trẻ ngộ độc chì có trong thuốc này.

Chì là chất rất độc hại cho sức khỏe, gây tổn thương nhiều cơ quan như thần kinh, xương, hệ huyết học, máu, gan, thận, hệ tiêu hóa, tim mạch, khiến trẻ trở nên nguy kịch. Khi vào cơ thể, chì có thể tích lũy lâu trong nội tạng, đặc biệt là xương và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài.

Chì đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính như các trường hợp trên. Chì khó thải loại, vào cơ thể chì theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ…khiến trẻ đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt mắt, mất tiếng nói, sau đó co giật từng cơn, có thể nhầm với bệnh động kinh. Nếu không được điều trị, trẻ dễ hôn mê và tử vong.

Điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc chì có thể kéo dài hàng năm trời và những di chứng về thể chất và trí não thì khó có thể hồi phục, ảnh hưởng tới sự lớn lên, sự nhanh nhẹn và trí thông minh của trẻ.

"Các bậc phụ huynh hãy thật tỉnh táo và tin tưởng vào các phương pháp điều trị khoa học, có phác đồ chuẩn đã được y học chứng minh. Tuyệt đối, phụ huynh không nên nghe, làm theo những phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng, tự ý dùng các loại thuốc – nhất là thuốc cam, thuốc nam không rõ nguồn gốc, không có giấy phép lưu hành để bảo vệ sức khỏe con trẻ." - Bác sĩ khuyến cáo

Thúy Nga

BẢN DESKTOP