Dữ liệu y khoa

Nhiều trẻ em suy dinh dưỡng không có cơ hội điều trị

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính ở Việt Nam hiện khoảng 6 - 7%, mỗi năm chúng ta phải đối phó với 700.000 ca suy dinh dưỡng cấp tính, trong đó thể nặng khoảng 230.000 ca cần được điều trị.

Sự phân bố của suy dinh dưỡng cấp tính theo vùng miền cao ở vùng núi phía Bắc (20.000 ca), Tây Nguyên (38.000 ca), vùng dân tộc thiểu số (50.000 ca). Hậu quả của suy dinh dưỡng đối với trẻ em cao gấp  9 - 20 lần so với trẻ bình thường và nguy cơ mắc các bệnh khác về nhiễm khuẩn hoặc hồi phục sẽ chậm và ảnh hưởng lâu dài đến trí tuệ, thể chất, khả năng học tập, nói rộng hơn là ảnh hưởng đến các chi phí của gia đình, xã hội cũng như quốc gia.

Suy dinh dưỡng nặng cấp tính nên đưa vào dự án Luật Khám chữa bệnh

Tại cuộc tọa đàm: “Điều trị suy dinh dưỡng cấp tính trẻ em trong dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi)” do Trung tâm Thông tin tổ chức phi chính phủ (Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, TS.BS Huỳnh Nam Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng do bệnh tật hoặc do thiếu ăn, ảnh hưởng đến các sự phát triển thể chất và trí tuệ của cơ thể. Suy dinh dưỡng được chia thành 2 thể cấp tính và mãn tính. Cấp tính là thể suy dinh dưỡng cân nặng thiếu so với chiều cao ở đối tượng đó, và có thể gọi là suy dinh dưỡng gầy còm. Còn suy dinh dưỡng mãn tính ảnh hưởng đến chiều cao so với tuổi, còn gọi là suy dinh dưỡng thấp còi. 

Suy dinh dưỡng cấp tính có nguyên nhân bởi tình trạng thiếu ăn và bệnh tật phổ biến như tiêu chảy hoặc viêm phổi ở trẻ em. Vì vậy tỷ lệ này sẽ tăng cao, rất cao trong trường hợp thiếu an ninh lương thực thực phẩm hoặc bệnh dịch. Đây là tác động có thể tăng cao tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính, vì vậy, phải có sự hỗ trợ kịp thời, đặc biệt về lương thực thực phẩm và điều trị các loại bệnh nhiễm khuẩn.

Suy dinh dưỡng do thiếu vi chất

BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em cho biết, trẻ béo phì có thể bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính thể phù. Suy dinh dưỡng thể phù có thể khiến trẻ em tử vong rất nhanh. Những trẻ suy dinh dưỡng nặng cấp tính thể phù hay gầy đét sẽ bị ảnh hưởng tới não bộ, trí thông minh, khả năng học tập, tiếp cận khoa học công nghệ… Mối liên hệ giữa suy dinh dưỡng cấp tính và suy dinh dưỡng thấp còi rất chặt chẽ. Nếu chúng ta không giải quyết suy dinh dưỡng cấp tính, mặc dù chỉ có 6 - 7%, trường hợp nặng chỉ 1 - 1,5% dân số thì cũng không giải quyết được triệt để vấn đề suy dinh dưỡng tại Việt Nam hiện nay. Một câu hỏi lớn đặt ra, tại sao nước ta đang là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng tình trạng suy dinh dưỡng vẫn nằm trong top 16 nước có tình trạng suy dinh dưỡng cao nhất trên thế giới? Điều đó cho thấy, suy dinh dưỡng không phải do thiếu ăn, thiếu protein năng lượng mà còn có thể suy dinh dưỡng do thiếu vi chất như thiếu vitamin A, thiếu sắt,…Riêng đối với suy dinh dưỡng nặng cấp tính cần được coi là bệnh và phải có chế phẩm đặc biệt để điều trị.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, mỗi năm chúng ta có 232.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính. Nguyên nhân chính là do chế độ ăn uống nghèo nàn thiếu dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng cấp tính là một bệnh được liệt kê trong Danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Vì là bệnh nên phải có biện pháp phòng ngừa. Trong y tế, để phòng ngừa thì phải có phác đồ điều trị. Hiện nay, đối với loại bệnh này cũng đã có phác đồ điều trị gồm khám, điều trị nội trú, điều trị ngoại trú và tư vấn xuyên suốt trong quá trình điều trị. Sản phẩm điều trị cho loại bệnh này hiện có 3 chế phẩm đặc trị, tuy nhiên, 3 chế phẩm đặc trị không gọi là thuốc nhưng vẫn phải có sự chỉ định của bác sĩ. 

Trong các văn bản pháp quy, chúng ta đã có hướng dẫn thực hiện quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 - 72 tháng tuổi. Tuy nhiên, đây vẫn là văn bản cá biệt của ngành y tế, nếu không nâng lên thành luật thì trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn khó có điều kiện chi trả.

Theo GS.TS Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế cộng đồng, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo những sản phẩm dành cho trẻ em bị suy dinh dưỡng. Có hơn 43 quốc gia đưa vào bảo hiểm những sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng và điều trị miễn phí. Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã có những thử nghiệm những sản phẩm để điều trị bệnh suy dinh dưỡng thể nặng này rất tốt. Nếu có quy chuẩn quốc gia về các chế phẩm điều trị, nhiều đơn vị cùng tham gia sản xuất, nếu suy dinh dưỡng nặng cấp tính được coi là bệnh, được thanh toán bảo hiểm y tế, với chi phí tính toán không lớn sẽ có nhiều trẻ em nghèo được thụ hưởng để cải thiện tình trạng thấp còi và tử vong ở trẻ em, cải thiện trí tuệ, tầm vóc và sự phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP