Giáo dục

Nhiều trẻ chơi game vượt tuổi, chính bố mẹ cũng không hiểu mã game

  • Tác giả : Mai Nguyễn
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, nhiều trẻ em chơi game vượt tuổi, dẫn đến nhiều nguy cơ. Bố mẹ cần tìm hiểu về mã game để có hướng dẫn cho con.

5 cấp độ game

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, khi con chơi game, điều đầu tiên là bố mẹ cần tìm hiểu về mã game, tuy nhiên, hầu như lại ít người tìm hiểu về vấn đề này.

Theo bảng phân loại dưới đây, mã game được chia ra làm 5 cấp độ bao gồm:

ma-game.jpg
Mã game được phân loại theo các cấp độ.

Theo đó, mã cấp độ 1 Early childhood (EC) dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên, về cơ bản không có nội dung bạo lực, bao gồm các trò chơi kiểu như ghép hình, tìm hình cho trước.

Chẳng hạn: Audition, Kim cương, Candy Crush, Line...

Cấp độ 2 Everyone (E) Trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Nội dung có những cảnh bạo lực ở mức thấp nhất như các nhân vật hoạt hình đánh nhau, có thể sử dụng một số ngôn ngữ thô tục.

Cấp độ 3 Teen (T) dành cho trẻ em từ 13 tuổi trở lên. Nội dung bao gồm những cảnh bạo lực ở mức độ vừa phải, ngôn ngữ thô tục không phù hợp ở mức độ vừa phải, bắt đầu có những hành vi liên quan đến hấp dẫn về mặt giới tính.

Cấp độ 4 Mature (M) dành cho trẻ em từ 17 tuổi trở lên. Nội dung có những cảnh bạo lực máu me cấp độ cao cũng như ngôn ngữ tục tĩu. Có thể bao gồm những cảnh sex trong game.

Cấp độ 5 Adults Only (AO) dành cho người lớn, nội dung có những cảnh sex và cả bạo lực tình dục.

Nhiều trẻ em chơi game vượt tuổi

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, trên đây là bảng phân loại của nước ngoài, còn ở Việt Nam hiện nay cũng chưa hề có bảng phân loại game (chỉ có hệ thống đánh giá các loại game).

Hơn nữa, dù là bảng mã là như vậy, tuy nhiên, với game online lại rất khó để phân ra làm các mã này, bởi lời nói là lời nói thật của các người chơi, và chủ yếu nói tục. Nếu bố mẹ thử tham gia chơi sẽ thấy các con nói tục rất nhiều. 

“Về cơ bản phải từ mức teen trở lên. Những nội dung sex cũng có. Và bố mẹ không thể biết phân loại nội dung game đó là như thế nào”, ông Nam chia sẻ.

Trong khi đó, theo những nghiên cứu, khảo sát mà ông đã thực hiện, thì thấy nhiều trẻ chơi game vượt tuổi.

Và khi trẻ chơi game càng có tính bạo lực/tình dục không phù hợp với độ tuổi thì sẽ dẫn đến một số kết quả như: càng tăng cao tăng động giảm chú ý, rối loạn hành vi, rối loạn lo âu, hành vi chống đối của trẻ càng lớn, rối loạn chức năng học tập càng nhiều, quan hệ xã hội càng mâu thuẫn.

Từ thực tế đó, theo PGS.TS Trần Thành Nam, khi con chơi game, một trong những điều cần làm là bố mẹ cần tìm hiểu mã game và yêu cầu con chơi game nào thì nói cho bố mẹ biết.

Bố mẹ hãy giải thích cho con biết, trên game có thể có nhiều thứ độc hại, có web đen, những hình ảnh bạo lực, khiêu dâm hay khả năng con có thể bị hack, có thể có xích mích bạo lực… con cần nói để bố mẹ hướng dẫn con.

Thậm chí, bố mẹ phải ngồi bên cạnh con, xem con chơi xem nhân vật ra sao, sau đó, định hướng con chơi những trò chơi phù hợp với lứa tuổi, văn hóa, có tính giáo dục. Không chơi những game mang tính bạo lực, đỏ đen, đánh bạc hay chơi game người lớn.

Trao đổi tại hội thảo Giúp con kiểm soát game và mạng xã hội, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, trẻ có quyền được chơi đùa, trong đó có chơi trong không gian thực và cả thế giới mạng. Quyền của đứa trẻ cũng được phép thể hiện bản thân và thể hiện chính kiến của mình.

Cho nên, bố mẹ cũng không thể cấm con được. Thay vào đó, bố mẹ hãy đồng hành cùng con. Cần nói cho con hiểu, việc bố mẹ biết các trang mạng mà con hay vào, biết các trò chơi mà con hay chơi, không phải để cấm đoán, mà là để biết con đang trải nghiệm các trò chơi trên internet thế nào. Và đưa ra thỏa thuận để con lên internet để an toàn.

Tác giả trích dẫn

Mai Nguyễn

BẢN DESKTOP