Dữ liệu y khoa

Nhiều nguyên nhân gây bệnh động kinh ở trẻ

  • Tác giả : An Tâm Nghi
(khoahocdoisong.vn) - Một bệnh nhi sinh thường và đủ tháng, tiền căn gia đình không ghi nhận bất thường, đến khoảng 2,5 tuổi, bé bất đầu có cơn đầu tiên chỉ kéo dài vài giây, ngửa mặt, giật mắt, miệng. Tần suất cơn thay đổi, từ 0 đến nhiều cơn/ngày tùy thuộc tiếp xúc ánh sáng.

Can thiệp sớm, giảm tác hại của động kinh

BS Huỳnh Ngọc Cẩm, Khoa Thần kinh - Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết, khoảng hơn 5 tuổi, bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ban đầu, bệnh nhi được điều trị với 2 thuốc chống động kinh, nhưng tình trạng không cải thiện, vẫn có cơn giật mắt miệng nhanh, với tần suất thay đổi. Bệnh nhi được làm các nghiệm pháp kích thích ánh sáng, xét nghiệm gene. Kết quả cho thấy, não bộ của bé có xuất hiện hoạt động bất thường. 

Nếu động kinh không được phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của trẻ sau này.

Nếu động kinh không được phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của trẻ sau này.

Không chỉ đa dạng về các đặc điểm về lâm sàng, dễ bỏ sót chẩn đoán mà động kinh ở trẻ em còn khá phức tạp về nguyên nhân và điều trị cũng như tiên lượng lâu dài.

Theo BSCKII Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, động kinh là một bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh lý thần kinh ở trẻ em, với tỷ lệ mắc bệnh hiện nay khoảng 0,5 - 1% dân số. Nếu bệnh nhi mắc động kinh không được phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của trẻ sau này.

Động kinh có nhiều thể khác nhau, cũng như nhiều nguyên nhân khác nhau, đôi khi không thể tìm thấy nguyên nhân. Cơn động kinh thường xảy ra đột ngột, tức thời, liên quan đến vùng não bộ có phóng điện bất thường, kịch phát quá mức của một nhóm hay toàn bộ các tế bào thần kinh của não bộ.

TS.BS Lê Thị Khánh Vân, giảng viên Bộ môn Nhi, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM cho hay, phải tìm ra nguyên nhân và phân loại được bệnh động kinh của trẻ đang khởi phát ở mức độ nào bằng việc sử dụng hình ảnh học, điện não đồ và các kiểm tra, khảo sát khác để quá trình điều trị bệnh hiệu quả, tối ưu nhất. Thời gian điều trị có thể kéo dài, cần được theo dõi liên tục; cũng có một số trường hợp động kinh ở trẻ sẽ tự giới hạn và tiên lượng không nguy hiểm.

Những biểu hiện của bệnh thường thấy ở trẻ như co cứng hay co giật ở một phần của cơ thể, hay toàn thể, thị giác và khứu giác bất thường, tâm trạng lo lắng và sợ sệt điều gì đó mà không rõ nguyên nhân, cảm giác chóng mặt và khó chịu vùng dạ dày, có thể nặng hơn là suy giảm ý thức, mặt đờ đẫn,...

Một dạng động kinh toàn thể thường gặp ở trẻ sơ sinh từ 3 đến 8 tháng tuổi là hội chứng West (chứng co thắt sơ sinh). Nguyên nhân phổ biến của dạng này là do những vấn đề về gene di truyền, rối loạn chuyển hóa, ngạt khi sinh, nhiễm trùng não dẫn đến bất thường trong cấu trúc và chức năng của não.

“Giàu béo, giảm đạm” trong điều trị động kinh

Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trẻ có những biểu hiện lạ, co giật bất thường cần đưa đến ngay bệnh viện để có hướng dẫn điều trị tốt. Phụ huynh không nên chủ quan, nếu tình trạng bệnh kéo dài sẽ khó chữa trị. Bệnh động kinh có thể chữa được nhưng nếu không điều trị, biến chứng của bệnh vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng đến não và thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Ngoài việc dùng thuốc chống động kinh, can thiệp phẫu thuật, theo BSCI1 Nguyễn Thụy Minh Thư, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, chế độ ketogenic, một chế độ ăn giàu chất béo, ít tinh bột và vừa đủ lượng đạm cũng được ứng dụng trong điều trị động kinh. Nguồn cung cấp năng lượng chính của chế độ ăn này là chất béo. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, gần một nửa số trẻ em và những người trẻ tuổi, với bệnh động kinh, đã thử một số chế độ ăn kiêng này ban đầu ghi nhận số cơn co giật giảm ít nhất một nửa và hiệu quả vẫn còn ngay cả sau khi ngưng ăn kiêng.

Tùy thuộc vào từng mức độ khởi phát, nguyên nhân khởi phát, thể trạng của trẻ, sở thích ăn của trẻ, sự vận động của trẻ nhiều hay ít mà bác sĩ sẽ có những chỉ định cụ thể và thực đơn phù hợp từng bệnh nhân.

Sự tiến bộ của y học như di truyền học, miễn dịch học, việc xác định căn nguyên động kinh ở trẻ em cũng như tiếp cận điều trị động kinh theo căn nguyên đã có những bước tiến rất lớn mang lại nhiều điều tốt đẹp cho trẻ bị động kinh và gia đình.

An Tâm Nghi

BẢN DESKTOP