Làm đẹp

Nhiều người tai biến nặng vì "bác sĩ TikTok"

  • Tác giả : Thúy Nga
Sở Y tế TP HCM đang vào cuộc tiến hành xác minh làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật trường hợp cô gái nghe bác sĩ “TikTok” sửa mũi 100 triệu bị tai biến nặng nề. Thực tế rất nhiều người là nạn nhân của “bác sĩ mạng”.

Nhiều người trở thành nạn nhân của "bác sĩ mạng"

Bệnh nhân là chị N. (31 tuổi, quê Tây Ninh). Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây không lâu, chị theo dõi trên TikTok và thấy tài khoản tên H.P.Nh., có hàng ngàn người theo dõi, tự nhận mình là bác sĩ thẩm mỹ. Kênh này thường xuyên đăng tải các clip sửa mũi, làm đẹp, chỉnh sửa mũi hỏng, với lời quảng cáo thay đổi diện mạo hấp dẫn.

Ngày 8/2, N. tìm đến một thẩm mỹ viện trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TPHCM) để gặp "bác sĩ TikTok". Qua tư vấn, cô gái chấp nhận để bác sĩ Nh. nâng mũi cấu trúc và đặt sụn mũi, làm trụ mũi cho mình, với giá 100 triệu đồng.

Khi thực hiện, N. lại được chuyển đến một bệnh viện thẩm mỹ khác trên địa bàn quận 10 để gây mê sửa mũi. Kết quả tái khám sau 3 tuần mũi không thẳng mà 2 bên cánh mũi lõm vào, đầu mũi co rút nặng.

Cô tiếp tục được bác sĩ sửa mũi tiêm collagen để mũi sớm đầy đặn lại. Và chỉ sau tiêm vài tiếng mũi của cô đã bị sưng đỏ, sau đó chuyển dần sang màu tím đen.

Bác sĩ thực hiện lại giải thích "không sao, chừng vài ngày sẽ hết", nhưng tình trạng càng lúc càng nặng nề. Cô đi khám nơi khác thì mũi đã hoại tử nặng.

Trao đổi về vấn đề này, các bác sĩ Bệnh viện Da liễu TƯ cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân là nạn nhân của các “bác sĩ mạng”.

TS.BS. Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc cho biết, các năm trước, biến chứng thường gặp là tắc mạch, hoại tử sau tiêm filler. Năm nay, còn thêm các bệnh nhân nhập viện do phản ứng viêm, nổi u hạt sau tiêm mesotherapy - tế bào gốc được quảng cáo làm căng bóng, trắng sáng da. Lứa tuổi vào cấp cứu do gặp biến chứng nhiều nhất là 20-30 và việc điều trị rất khó khăn.

"Có những trường hợp nhiễm trùng không tìm ra vi khuẩn điển hình nên phải điều trị phản ứng viêm, kháng sinh… rất mất thời gian" - bác sĩ Hà nói.

Đó là trường hợp anh M. (36 tuổi, Hà Nội) mang chiếc mũi chuyển màu thâm đen, tạo mủ đau nhức đến bệnh viện cầu cứu bác sĩ. Nguyên nhân là do anh nghe theo quảng cáo trên mạng đến một spa gần nhà để tiêm filler vì cho rằng "vừa nhanh vừa rẻ", mong đến Tết sẽ có mũi đẹp.

Sau khi làm xong, mũi anh trắng bệch, chuyển ửng đỏ rồi thâm dần. Một tuần sau khi tiêm filler, toàn bộ vùng sống mũi và cánh mũi chuyển màu xanh đen, tạo mủ đau nhức.

Hay rất nhiều bệnh nhân bị “đánh lừa” dùng biện pháp tái sinh đa tầng để trẻ hóa nhưng cuối cùng bị trả giá đắt vì “bác sĩ mạng” đã tiêm filler.

"Chúng tôi chắc chắn rằng không có phương pháp nào theo lời mô tả chỉ cần tiêm một mũi vào một vị trí nào đó trên khuôn mặt lại có thể lột xác hoàn toàn. Cũng không có liệu pháp chỉ chạy máy có thể khiến chị em trẻ ra được 5 - 10 năm tuổi như quảng cáo của các “bác sĩ mạng” – Các bác sĩ bệnh viện Da liễu TƯ nhấn mạnh.

Bệnh nhân bị biến chứng làm đẹp tới khám tại bệnh viện Da liễu TƯ

Bệnh nhân bị biến chứng làm đẹp tới khám tại bệnh viện Da liễu TƯ

2 nhóm dễ mắc bệnh làm đẹp trên mạng

Lãnh đạo Bệnh viện Da liễu Trung ương cảnh báo 2 nhóm chính dễ "mắc bẫy" làm đẹp gồm các bạn trẻ bắt đầu đến tuổi làm đẹp, tuổi mới lớn (dưới 18 tuổi) và nhóm người từ 30-40 tuổi.

Với các bạn trẻ, họ tìm hiểu và tự mua các sản phẩm trên mạng, không cần biết nguồn gốc, tự tìm cách sử dụng chúng theo hướng dẫn trên mạng, không cần biết đến tính chất da của bản thân, chỉ định hay chống chỉ định thành phần nào. Nhiều người còn làm đẹp theo thần tượng, theo "review" rất nhiều sản phẩm trên tiktok, facebook như bôi AHA, BHA... mà chưa hiểu rõ cơ chế, tác dụng, cách dùng thế nào để hiệu quả nhất.

Viện này từng tiếp nhận bệnh nhân 16 tuổi mù mắt vì làm đẹp chỗ người quen. Với những người ở độ tuổi 30-40, họ nhận thấy bản thân bắt đầu có dấu hiệu lão hoá da nên vội vàng tìm cách níu thanh xuân.

Trong khi đó, theo các bác sĩ, khách hàng nghe quảng cáo, giới thiệu nhiều mà không được tư vấn, giải thích về tiên lượng nguy cơ tai biến có thể xảy ra thì thông tin tiếp nhận sẽ lệch lạc, không đầy đủ. Về phía các cơ sở thẩm mỹ, có nơi còn không nhận biết được dấu hiệu tai biến, do đó, không đánh giá đúng nguy cơ, xử lý sai cách. Điều này khiến bệnh nhân lỡ thời gian vàng cấp cứu, để lại nhiều di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Qua tìm hiểu của các bác sĩ, một số spa, cơ sở thẩm mỹ sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được Bộ Y tế cấp phép tiêm (chỉ được bôi, lăn kim ngoài da), nhưng vẫn cố tình tiêm cho khách dẫn đến phản ứng, biến chứng.

Đặc biệt, nếu người thực hiện thủ thuật không phải là bác sĩ, không nắm được kiến thức về giải phẫu có thể tiêm filler vào đường đi của mạch máu, gây tắc mạch, hoại tử, thậm chí dẫn đến mù lòa.

Ngoài ra, người không được đào tạo bài bản về liều thuốc gây tê, gây mê, có thể tiêm thuốc quá mức, cao gấp nhiều lần ngưỡng ngộ độc; dùng thuốc không được Bộ Y tế cấp phép, từ đó gây ra những hậu quả đáng tiếc.

“Rất ít bệnh nhân khi xuất hiện biến chứng đến viện ngay mà thường tự điều trị hoặc quay lại nơi làm đẹp, sau khi không đỡ mới đến viện. Sai lầm này khiến tình trạng của bệnh nhân tăng nặng, gây khó khăn khi điều trị.

Để làm đẹp an toàn, người dân cần lựa chọn cơ sở y tế được cấp phép, thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn can thiệp thẩm mỹ “ – BS Hà khuyến cáo

Thúy Nga

BẢN DESKTOP