Bình luận

Nhiều người năng cầu khấn vẫn mất chức đấy thôi

Một số không ít cán bộ công chức ra sức cầu khấn, xin tài xin lộc, xin thăng quan tiến chức, xin tiền vào như nước, năng cầu khấn vẫn mất chức, vướng vòng lao lý.

Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tín ngưỡng đi đình chùa thờ cúng đã trở thành mê tín dị đoan khi một số không ít cán bộ công chức ra sức cầu khấn, xin tài xin lộc, xin thăng quan tiến chức, xin tiền vào như nước… Họ không biết rằng có rất nhiều người phải vào tù ra tội, rơi vào vòng lao lý, mất chức, bị kỷ luật… lại là những người rất chăm chỉ cầu khấn.

Càng có tiền, càng cầu khấn nhiều

Bộ Tài chính vừa phát đi thông tin về việc một số cán bộ Kho bạc Nhà nước (KBNN) TP Nam Định, tỉnh Nam Định đi lễ chùa trong giờ hành chính. Hiện tại KBNN Nam Định đã đình chỉ công tác đối với các trường hợp lãnh đạo và công chức đi lễ trong giờ hành chính. Ngày 7/2/2017, một số cán bộ ngành Công Thương đi lễ chùa trong giờ hành chính cũng đã bị xử lý kỷ luật. Ông có thể lý giải vì sao nhiều cán bộ thích đi lễ chùa cầu khấn?

Theo dõi nhiều năm qua về lĩnh vực văn hóa trong cán bộ công chức tôi thấy rằng kinh tế thị trường càng phát triển thì số người đi chùa chiền ngày càng nhiều. Trong số đó, một số rất ít là vì tâm linh, còn đa phần là người dân, cán bộ, lãnh đạo, doanh nhân…

Có người năm nào cũng đi chùa vào đầu năm và cuối năm để cầu khấn xin tài xin lộc, thăng quan tiến chức. Đầu năm xin thì cuối năm trả lễ. Việc đi chùa là tốt, nhưng việc tham lam cầu khấn, xin xỏ thần linh, mong thần linh trợ giúp thăng quan tiến chức, xí xóa tội lỗi, kiếm chác được nhiều… là điều không chấp nhận được ở cán bộ công chức.

Nhưng nếu đây là một tín ngưỡng, thói quen của người Việt Nam thì khó trách?

Khi đã đem cái tham lam, cầu lợi vào trong đó thì không còn là tín ngưỡng nữa mà trở thành mê tín dị đoan. Người theo đạo Phật hiểu rất rõ rằng Phật không cho ai tiền bạc, chức vụ mà đến với Phật là để có cái tâm thanh tịnh, gột rửa bụi trần ai. Đến cửa Phật để xin xỏ, mong được thăng tiến nhanh, kiếm được nhiều tiền…. là không ổn.

Có lẽ bởi ai cũng xin, đua nhau đi xin lộc, nên người không đi sợ “thiệt”, thế là đua nhau đi cầu khấn?

Đúng thế, càng nhiều tiền thì lễ càng to, cúng càng lâu, càng quy mô, vàng mã đốt càng nhiều. Phú quý sinh lễ nghĩa. Vì thế, việc cấm cán bộ công chức đi lễ chùa trong giờ hành chính là rất đúng. Không ở đâu người ta cho cán bộ nhà nước đi làm những việc vô bổ ấy cả.

Có người bảo “không may” mới bị phát hiện thôi chứ số cán bộ đi lễ chùa trong giờ hành chính không hiếm?

Vẫn biết rằng thực trạng thì nhức nhối, nhiều người đi, nhưng chỉ vài người bị phát hiện. Cái này phải làm nghiêm, xử nghiêm. Không thể ăn cắp giờ nhà nước để đi cầu tài cầu lộc. Không vị Phật nào ủng hộ việc làm sai trái cả. Sử dụng giờ nhà nước, xe nhà nước để đi đã là sai trái rồi.

Chăm chỉ cầu khấn vẫn vào tù ra tội

Phải chăng nhiều người nghĩ rằng năng đi cầu khấn thì sẽ tránh được tai ương, tài lộc sẽ đổ về?

Đó là suy nghĩ rất sai lầm, tai hại. Bởi thực tế nhìn thấy bằng mắt là tôi biết nhiều người chăm đi chùa chiền cúng bái lắm. Họ cầu khấn bài bản, chỗ nào nghe nói linh thiêng là đến, nhưng rồi vẫn rơi vào vòng lao lý, tù tội, cách chức, gia đình ly tán…

Có người năm nào cũng xin ấn đền Trần, thế mà thăng quan tiến chức chẳng thấy đâu, đã bị tù tội rồi. Xin đừng trông cậy cả vào thần linh. Không có chuyện Phật dung thứ cho những người làm ăn bậy bạ, sai trái mà Phật dạy con người làm điều thiện, hướng đến cái nhân nghĩa, tu tích ân đức.

Tôi cũng nghe nói và biết một vài người “tín” lắm, cầu khấn rất bài bản, thậm chí nuôi hẳn một thầy cúng trong nhà, đi khắp nơi làm lễ, nhưng rồi vẫn phá sản, vợ chồng đánh chửi nhau… Rõ ràng, đức Phật không cho con người ta tiền bạc, danh vọng như người ta vẫn nghĩ?

Đúng thế, đáng tiếc là nhiều người lại không nhận thức được điều đó. Đến chùa để cho lòng thanh thản, tâm thanh tịnh nhưng giờ người ta đua nhau đến chùa để xin, xin đủ thứ trên đời, đó chính là mê tín dị đoan chứ không còn là tín ngưỡng nữa.

Người không có hiểu biết thì không nói, cán bộ công chức là những người hiểu biết mà nhận thức vẫn còn kém thì không hiểu nổi. Nhiều người mê tín đến mức mù quáng, không ai nói được, rất chán.

Ông vừa nói đến kinh tế thị trường làm nảy nở mê tín dị đoan, phải chăng người ta ngày càng tin vào thần linh?

Càng có tiền thì lại càng có điều kiện để thực hiện việc đó, làm lãng phí không biết bao nhiêu tiền của. Trong phát triển kinh tế thị trường, chúng ta làm chưa tốt định hướng xã hội chủ nghĩa, quản lý Nhà nước chưa tốt, đồng tiền có sức mạnh lớn quá nên người ta phải tìm đến các siêu thế lực giúp sức họ vượt khó.

Tiền có thể mua được tất cả nên hối hả chạy theo đồng tiền, nó mới sinh ra như vậy. Kinh tế càng phát triển thì mua thần bán thánh càng nhiều, người mê tín càng đông.

Đừng trông cậy cả vào thần linh

Đức tin, theo tôi không có tội. Vấn đề ở đây là cái cách người ta thực hiện đức tin ấy, ông có nghĩ vậy?

Đúng thế. Mà buồn cười nhất, đáng lo nhất là chùa chiền bây giờ cũng bị thương mại hóa. Tôi làm ở hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội, có đi khảo sát thực tế ở nhiều nơi thì thấy chùa nào cũng mâm lễ to lễ nhỏ, đua nhau làm to vì cứ nghĩ lễ càng to thì lộc càng lớn. Nếu chúng ta không uốn nắn kịp thời thực trạng này thì nguy lắm.

Theo ông làm thế nào để thay đổi nhận thức của rất nhiều người?

Đừng nghĩ không đi chùa, không chăm chỉ cầu khấn thì không có lộc lá, không thăng quan tiến chức, không đốt vàng mã thì không được phù hộ. Mọi thứ trong tâm mình mà ra, chính đức Phật cũng dạy như vậy.

Cứ làm việc thật tốt, trong sạch, sống nhân hậu, lương thiện, giúp đỡ được càng nhiều người thích càng tích được nhiều ân đức. Làm việc xấu, tham ô tham nhũng thì dù có cầu khấn khắp nơi vẫn vào tù. Thực tế đã chứng minh rồi, cứ nhìn vào những trường hợp ấy mà quyết định có nên trông cậy cả vào thần linh không.

Ở góc độ quản lý thì có cách nào không thưa ông?

Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức… phải giáo dục trong chính các thành viên của mình, hướng dẫn, vận động, thuyết phục họ để không vi phạm kỷ luật lao động, không sa vào mê tín dị đoan.

Số tiền mua vàng mã, lễ vật đi cầu khấn, hãy làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo khổ, khó khăn, làm thế trời đất sẽ phù hộ, thay vì dựa vào thần linh. Đã đến lúc phải mạnh dạn hơn nữa để chấn chỉnh thực trạng này. Không thể chấp nhận tình trạng quá mê tín, mọi thứ đều mong hết vào thần linh.

Ông có bao giờ trực tiếp khuyên giải một người nào đó khi họ mê tín?

Tôi phụ trách mảng văn hóa xã hội nên cũng hay đi quan sát, kiểm tra. Tôi biết có nhiều người mê tín, nhưng có người không khuyên được, họ nhất mực tin rằng chùa chiền giúp họ thăng quan tiến chức. Tôi mong họ hãy nhìn vào những “tấm gương” nằm trong song sắt nhà tù để thay đổi nhận thức.

Xin cảm ơn ông!

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới (21/2/2018), Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 240/CĐ-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Thủ tướng yêu cầu không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính. Không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP