Bình luận

Nhiều người cho rằng sống phải “bịt mắt, bịt tai mới khôn”

Nói đến trách nhiệm, ta thường nghĩ tới những người quyền cao chức trọng, mặc dù nhiều khi trong các sai phạm làm thất thoát hàng nghìn tỉ đồng, lại rất khó quy trách nhiệm cho ai. Nhưng nghe những chia sẻ của một bác tổ phó tổ dân phố về trách nhiệm khiến ta không khỏi suy nghĩ.

Bà Nguyễn Thị Lê, phường Hàng Gai, Hà Nội.

Thấy việc gì sai là nhắc nhở

Bà làm tổ phó dân phố đã lâu chưa ạ?

Tôi làm công tác này từ năm 2011. Trước đó các bác quanh đây cũng vận động nhiều lần, nhưng tôi còn bận bán hàng nên không tham gia được.

Từ khi ông nhà tôi nghỉ hưu, thỉnh thoảng còn nhờ ông ấy trông hàng hộ, cũng rảnh hơn nên tôi nhận lời. Bởi vì tính tôi vốn thế, không nhận thì thôi, đã nhận là phải làm đến nơi đến chốn.

Hiện nay tôi còn làm tổ trường tổ phụ nữ, ở trong ban chấp hành hội Người cao tuổi và hội Chữ thập đỏ của phường.

Cụ thể là phải làm những gì, thưa bà?

Thì công việc của tổ trưởng tổ phó là cùng với các ban ngành đoàn thể tuyên truyền nhắc nhở để bà con thực hiện chủ trương đường lối của chính quyền, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh trật tự. Vận động ủng hộ các phong trào của phường…

Chung chung là thế thôi. Nhưng hàng ngày tôi ngồi bán hàng ở đây, thấy việc gì sai trái là tôi nhắc nhở ngay.

Ví dụ như cái thùng rác ngay kia, mấy người bán đồng nát có khi vứt cả những thứ cồng kềnh vào đầy hết cả lên, nhìn không đẹp tí nào.

Mà phố này là phố rất nhiều khách du lịch, khách Tây, người ta nhìn thấy sẽ nghĩ không hay về thành phố mình. Thế nên tôi cứ phải nhắc luôn.

Nhắc thế người ta có khó chịu không?

Tất nhiên là khó chịu rồi, có người còn cự lại. Nhưng tôi bảo đây là trách nhiệm của tôi, nếu không nghe tôi sẽ gọi cho bên trật tự, cho công an phường. Rồi dần dần họ biết, mình nhắc là họ không vứt rác nữa.

Hoặc có lần ngồi đây tôi thấy một chị bán cho khách Tây 10 cái bánh rán mà cầm cả tờ 500.000đ không chịu trả lại. Ông khách lại không biết tiếng Việt. Thấy đôi co mãi, tôi phải nhờ trông hộ hàng rồi sang nhắc chị ta không được làm thế, nếu không trả lại cho người ta tôi sẽ gọi công an. Chị ấy bảo phải để cho chị ấy kiếm sống chứ.

Nhưng tôi kiên quyết, mình bán cho người Việt Nam thế nào thì bán cho người ta thế ấy, không được lợi dụng họ không biết tiếng mà bắt chẹt như thế. Người ta cũng như mình thôi. Bị chặt chém như thế liệu ai còn muốn đến nước mình nữa.

Phố tôi là phố Hàng Bông, con phố rất đông người bán hàng, lại nhiều khách du lịch, nhiều khách Tây. Chả ai bảo thì mình cũng phải tự thấy cần giữ gìn bộ mặt khu phố sạch đẹp, văn minh. Đừng để người ta đi qua rồi lại nghĩ không hay về con phố này, lần sau chẳng muốn đến nữa. Mỗi người một tay thì sẽ làm được ngay. Mà không có ai làm thì mình làm.

Bà Nguyễn Thị Lê

Thấy rồi, vấp rồi nhưng không ai nói

Nhưng chị bán hàng rong ấy có thuộc dân phố tổ mình đâu ?

Mình phải quản lý mọi việc xảy ra trên địa bàn mình chứ. Họ ở đâu đến đây bán hàng rồi vứt rác bừa bãi, tranh giành, bắt chẹt khách, đánh nhau, trộm cắp… mình phải trông nom, nhắc nhở.

Có lần thấy chị bán bánh rán cứ cầm xiên bánh xỉa vào mặt người ta để mời. Trông không đẹp tí nào. Tôi lại phải nhắc không được làm thế, không chỉ làm người ta khiếp sợ mà còn làm xấu hình ảnh của thành phố mình.

Trong trách nhiệm của tổ phó dân phố có nêu rõ là phải làm những việc đó?

Giữ gìn an ninh trật tự là đấy chứ đâu nữa. Mình thấy cái gì ảnh hưởng đến trật tự, đến hình ảnh của phố mình thì mình làm thôi.

Có dạo phố bên kia người ta tháo dây dợ gì đấy rồi không thu dọn. Cả một đoạn dây lòng thòng như thế, người qua người lại rất dễ vấp. Mình chỉ dám cuộn lại thôi chứ không dám cắt đi vì biết đâu nhỡ người ta bảo mình lấy trộm dây.

Nhưng hôm sau có cuộc họp tiếp xúc cử tri, tôi có ý kiến luôn, thế là ngay sau đó có người tới dọn. Trong cuộc họp đấy nhiều người cảm ơn tôi đã nêu vấn đề đó ra vì họ cũng đã bị vấp rồi. Thấy rồi, vấp rồi đấy, nhưng không ai nói ra.

Tại sao họ lại không nói ra?

Có thể họ nghĩ đó không phải việc của họ, không phải trách nhiệm của họ. Cũng có thể họ nghĩ đó là việc nhỏ, không đáng để nói hay không biết nói với ai. Hoặc là họ không quan tâm.

Trước đây khi chưa làm tổ phó dân phố, bà có hay nhắc người ta như thế không?

Vẫn có nhắc chứ. Tính tôi thế, thấy gì không hợp mắt là nhắc. Mà có gì to tát, khó nhọc đâu, những việc nhỏ nhặt hàng ngày như không vứt rác bừa bãi, giữ cho đường phố sạch đẹp… ai chả biết, ai chả làm được.

Chỉ có điều từ khi được giao nhiệm vụ này thì mình biết đây là trách nhiệm của mình, nên tự tin và tích cực hơn.

Mình phản ánh việc này việc kia mà được giải quyết tốt thì người dân mới tin tưởng, lần sau có chuyện gì họ sẽ báo ngay cho mình. Thế cũng đã là tốt rồi.

Phải có người khởi xướng

Lối sống phổ biến bây giờ là ngại va chạm, nói ra sợ người khác ghét?

Tôi nghĩ mỗi người có một lối sống, một quan niệm sống khác nhau, mình không có quyền phán xét người khác. Mình sống kiểu của mình, quan tâm và có trách nhiệm với nhau, chứ nếu sống kiểu ích kỷ chỉ biết có mình thì buồn lắm, cô độc lắm.

Nhưng nhiều người lại cho rằng sống phải bịt mắt, bịt tai mới là khôn. Mà nhiều khi cũng phải bịt mắt bịt tai thật. Có lần có xe ô tô đỗ ở đây là sai quy định, tôi nhắc thì họ bảo họ có quyền đỗ. Tôi biết là họ có quyền, có tiền, có quan hệ đấy, mình mà báo công an họ gọi một cú điện thoại là chẳng làm sao cả. Nên chỉ nhắc thế thôi.

Những trường hợp như thế có nhiều không?

Cũng không nhiều. Chủ yếu là mình nhắc nhẹ nhàng, hợp lý thì người ta nghe. Có người định lên giọng thì tôi chỉ bảo, tôi nhắc để anh đỗ xịch lên đây chứ đỗ chỗ ấy công ăn bắt được thì phạt phải đến 3 triệu đấy. Thế là họ nghe mình. Việc gì cũng thế nói phải, nói hợp lý hợp tình, có lợi cho họ là người ta nghe ngay.

Cứ suốt ngày phải để ý, nhắc nhở những việc nhỏ như vậy bà có thấy mệt không?

Chả có gì là mệt cả. Vì như tôi đã nói đấy, tôi nghĩ đó là trách nhiệm của mình, mình lờ đi không làm tức là không hoàn thành trách nhiệm.

Thứ nữa là mình ngồi đây, thấy những cái gì bất tiện thì mình phản ánh lên phường để các anh ấy giải quyết. Chứ chả lẽ suốt ngày nhìn cái dây loằng ngoằng như thế, hết người nọ đến người kia đi vấp vào như thế mà chịu được à?

Mục đích chung là để đẹp phố đẹp phường, để khỏi xấu hổ với khách nước ngoài. Hơn nữa, cái tính tôi nó thế, nhìn thấy chướng mắt là không chịu được. Như cái ngõ này chẳng hạn, cháu hàng xóm bên này bảo bà đi vắng mấy hôm mà ngõ bẩn quá vì không có ai quét.

Thì phải có phân công mỗi nhà làm một buổi chứ, chả lẽ một người cứ làm mãi sao?

Người ta vẫn cứ không chịu quét thì làm thế nào. Thôi thì mình làm được đến đâu thì làm. Người ta làm việc to việc lớn thì mình làm những việc nhỏ.

Mà ngồi bán hàng ngoài phố này cũng rất quan trọng. Có lần nhà bên cạnh đây quên không khóa cửa, tôi để ý thấy mấy thanh niên đi xe máy cứ lượn qua lượn lại, ra bấm chuông thì trong nhà không thấy ai, gọi điện thoại hóa ra cả nhà đi ăn sáng bấm cửa cuốn rồi mà nó lại chạm phải cái nút dừng, thế là cửa cứ mở toang như thế. Họ cứ cảm ơn mãi.

Tôi nghĩ đúng là quan trọng thật. Nếu mỗi cán bộ đều có ý thức trách nhiệm như bà thì Hà Nội sẽ đẹp hơn rất nhiều?

Mọi người ai cũng thấy cả đấy, nhưng nhiều khi họ ngại không nói thôi. Quan trọng nhất là phải có người khởi xướng. Quanh đây, cứ thấy có hiện tượng nào như thế là họ lại báo cho tôi để tôi nói. Thứ nhất đấy là trách nhiệm của mình, thứ hai là mình không ngại.

Xin cảm ơn bà!

Nhật Minh

(thực hiện)

BẢN DESKTOP