Dữ liệu y khoa

Nhiều người bị hôn mê do hạ đường huyết

  • Tác giả : Thúy Nga
Không chỉ người bệnh đái tháo đường mới lo sợ hôn mê do hạ đường huyết mà nhiều bệnh lý khác cũng dễ gây ra tình trạng này. Nhận biết sớm dấu hiệu và xử lý đúng sẽ tránh những biến cố đáng tiếc.

Sau ăn đường huyết vẫn hạ

Các bác sĩ bệnh viện Việt Nam Thụy Điển - Uông bí cho biết, hạ đường huyết là hậu quả của tình trạng mất cân bằng giữa hai quá trình cung cấp và tiêu thụ đường trong máu. Hạ đường huyết xảy ra khi nồng độ đường máu giảm xuống dưới 3,9 mmol/l.

Đây là nỗi lo chung không chỉ của người bệnh đái tháo đường. Bởi Hạ đường huyết là một tình huống cấp cứu vì nó có thể diễn biến nhanh chóng dẫn đến hôn mê, có thể gây tử vong cho người bệnh. Nhưng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ mang lại kết quả tốt, người bệnh sẽ phục hồi không để lại bất kỳ di chứng nào. Vậy nguyên nhân hạ đường huyết do đâu?

Khi bị hạ đường huyết, người bệnh cần được điều trị ngay lập tức bằng quy tắc 15-15.

Cụ thể: ăn/uống 15 gam carbohydrate (carbs) để tăng lượng đường trong máu và kiểm tra sau 15 phút. Nếu đường huyết vẫn dưới 70 mg/dL, tiếp tục dùng một khẩu phần khác. Lặp lại các bước này đến khi lượng đường trong máu ít nhất là 70 mg/dL. Khi lượng đường huyết trở lại bình thường, hãy ăn một bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ.

Thức ăn tương đương 15g Glucose:

• 2 hay 3 viên đường.

• 1/2 ly nước trái cây bất kỳ.

• 1/2 ly nước ngọt.

• 1 ly sữa.

• 5 hay 6 viên kẹo.

• 15ml hay 1 muỗng canh đường hay mật ong.

Đối với người bệnh mắc đái tháo đường:

Tiêm quá liều Insulin, tiêm Insulin hay uống thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ, uống thuốc xa bữa ăn...

Sai lầm về chế độ ăn: Ăn quá chậm sau tiêm insulin, ăn không đủ hoặc thiếu bữa ăn phụ, bỏ bữa hay ăn quá ít mà vẫn tiêm insulin.

Đặc biệt, theo BSCKI Dương Trọng Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP HCM, nhiều người không mắc tiểu đường cũng bị hạ đường huyết. Nguyên nhân có thể bao gồm:

• Dùng thuốc không đúng cách: vô tình uống thuốc điều trị đái tháo đường có thể gây hạ đường huyết. Ngoài ra, các loại thuốc khác gây hạ đường huyết: quinine (qualaquin – được dùng điều trị bệnh sốt rét).

• Uống nhiều rượu: ngăn gan giải phóng glycogen tạo thành glucose vào máu, dẫn đến hạ đường huyết.

• Bệnh mạn tính: các bệnh viêm gan nặng, xơ gan, nhiễm trùng nặng, bệnh thận, bệnh tim tiến triển xấu có thể gây hạ đường huyết. Rối loạn thận cũng khiến cơ thể không bài tiết đúng cách, dẫn đến tích tụ glucose, gây hạ đường huyết.

• Nhịn đói quá lâu: suy dinh dưỡng, không đủ thức ăn, thiếu hụt lượng glycogen dự trữ mà cơ thể cần để tạo ra glucose … dẫn đến hạ đường huyết.

• Sản xuất thừa insulin: khối u hiếm ở tụy (insulinoma) khiến người bệnh sản xuất quá nhiều insulin, dẫn đến hạ đường huyết. Ngoài ra, các khối u khác, tế bào bất thường của tuyến tụy cũng giải phóng insulin quá mức, gây hạ đường huyết.

• Thiếu hụt hormone: rối loạn tuyến thượng thận và khối u tuyến yên dễ dẫn đến thiếu hụt một số hormone có vai trò điều chỉnh quá trình sản xuất hoặc chuyển hóa glucose. Ngoài ra, trẻ có thể bị hạ đường huyết nếu có quá ít hormone tăng trưởng (GH).

• Sau bữa ăn quá xa: cơ thể không đủ glucose, dễ gây hạ đường huyết.

Đặc biệt, có những trường hợp triệu chứng hạ đường huyết xảy ra sau một số bữa ăn nhất định, gọi là hạ đường huyết phản ứng hoặc hạ đường huyết sau ăn. Tình trạng này thường xảy ra ở người đã phẫu thuật cắt dạ dày.

Nhiều người bị hôn mê do hạ đường huyết ảnh 1

Nhiều người bị hôn mê do hạ đường huyết

Cần xử lý và điều trị ngay

BSCKI Dương Trọng Tuấn cho biết, đối tượng dễ bị hạ đường huyết gồm: người bệnh đái tháo đường sử dụng thuốc không đúng theo chỉ định của bác sĩ điều trị, sử dụng quá liều insulin hoặc sai loại insulin dễ bị tụt đường huyết.

Ngoài ra, tụt đường huyết còn gặp ở người luyện tập thể dục thể thao quá sức nhưng không có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, người bệnh mạn tính…

Để nhận biết biểu hiện của hạ đường huyết, bs Tuấn phân tích, mức đường huyết thấp sẽ kích hoạt giải phóng epinephrine (adrenaline) gây các triệu chứng: tim đập mạnh, đổ mồ hôi, ngứa ran, lo lắng, da tái nhợt, buồn nôn, tê lưỡi/môi/má.

Nếu lượng đường glucose trong máu tiếp tục giảm, não không nhận đủ glucose nên các hoạt động của não bị ảnh hưởng, dẫn đến: mờ mắt, khó tập trung, suy nghĩ lẫn lộn, nói lắp, buồn ngủ. Khi tụt đường huyết trong thời gian dài, não không có glucose, gây co giật, hôn mê… thậm chí tử vong.

Thường các triệu chứng hạ đường huyết xuất hiện khi mức đường huyết thấp hơn 70mg/dL. Tuy nhiên, nhiều người có chỉ số đường huyết dưới mức này nhưng không thấy triệu chứng, gọi là hạ đường huyết không nhận biết.

Do vậy, người bệnh không biết được khi nào hạ đường huyết nên không điều trị, dẫn đến nguy cơ cao gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Tình trạng này thường gặp ở người bệnh đái tháo đường trong thời gian dài.

“Thông thường, đường huyết lúc đói là 70 mg/dL hoặc 3,9mmol/L hoặc thấp hơn sẽ cảnh báo về tình trạng hạ đường huyết. Tuy nhiên, mỗi người có thể trạng và cơ địa khác nhau, do đó, cần đến bệnh viện khi có các triệu chứng choáng váng, chóng mặt, đau đầu, vã mồ hôi, da tái nhợt…”, BS Tuấn nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho biết, hạ đường huyết là trường hợp cấp cứu. Khi bị hạ đường huyết, cần ngừng ngay các thuốc nghi ngờ liên quan đến hạ đường huyết.

Làm ngay một mẫu xét nghiệm đường máu mao mạch đầu ngón tay nếu có máy thử đường huyết tại nhà

Nếu người bệnh còn tỉnh hãy cho uống ngay nước đường hoặc các thức uống, thức ăn chứa đường. Không dùng loại đường hóa học dành riêng cho người đái tháo đường.

Nếu người bệnh hôn mê, nhanh chóng đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất đề điều trị truyền Glucose.

Để phòng ngừa hạ đường huyết xảy ra, mỗi người bệnh cần phải: Tuân thủ chế độ điều trị và nắm được triệu chứng, cách xử trí hạ đường huyết sớm tại gia đình, không tự ý điều chỉnh liều lượng thuốc hạ đường huyết. Cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, cách thức dùng, chế độ ăn, chế độ tập luyện để tránh các sai lầm trong điều trị.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP