Bình luận

Nhiều cán bộ thế, ngân sách nào nuôi nổi!?

Theo ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ít có nước nào mà số lượng cán bộ công chức tính theo đầu người lại cao như ở Việt Nam. Đó là một trong những lý do khiến nợ công tăng cao, nền kinh tế “nặng vai” bởi chi thường xuyên quá lớn. Duy trì bộ máy quá cồng kềnh như vậy là một gánh nặng cho ngân sách.

Ông Trần Quốc Thuận

Nước nghèo vì quá nhiều cán bộ

Theo tính toán của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Đại học Fulbright Việt Nam) dựa trên số liệu của Bộ Nội vụ, bình quân cứ 9 người Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách nhà nước. Ông nghĩ gì về bài toán này?

Tỷ lệ riêng công chức và viên chức trên dân số ước tính là 4,8%, cao nhất so với các quốc gia châu Á. So sánh với nhiều nước trên thế giới thì không ở đâu có số lượng cán bộ công chức tính trên đầu người cao như ở Việt Nam. Chính con số đó đã nói lên tất cả. Hậu quả của bộ máy quá cồng kềnh là nợ xấu tăng, nợ nước ngoài phi mã do ngân sách dành cho chi thường xuyên quá nhiều.

Đến hơn 70% ngân sách phải dành cho chi thường xuyên thì lấy đâu mà đầu tư phát triển nữa. Những con số này đã được đưa ra bàn thảo trước Quốc hội, không có gì là bí mật cả. Nợ công tính theo đầu người là 35 triệu đồng. Nghĩa là mỗi người dân đang phải nợ 35 triệu đồng từ vay  nước ngoài.

Có thể diễn đạt điều này một cách gần gũi không thưa ông?

Nó giống như một gia đình có thu nhập thấp, thậm chí là không có tiền tiêu, nhưng lại có nhu cầu phải ăn nhiều. Thế là phải đi vay. Nợ nần chồng chất. Lấy vay dài hạn để trả vay ngắn hạn, và thế là nợ cứ tăng lên thôi.

Vì đâu mà bộ máy lại cồng kềnh như thế?

Khi Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam, ông rất ngạc nhiên khi nghe thông tin dân số Việt Nam chỉ bằng 25% dân số nước Mỹ mà công chức Việt Nam đông hơn công chức Mỹ. Số lượng cán bộ công chức đông lên từng ngày, dù năm nào cũng nói đến tinh giảm là do nhiều nguyên nhân khác nhau mà có thể nói một từ phổ biến là do “lỗi hệ thống”.

Những tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ… trong hệ thống. Đâu đâu cũng muốn mình được thêm người. Thêm người thì bớt việc, mà lương vẫn thế. Nên bộ máy cứ phình to dần.

Phình to thì cắt giảm đi, điều này có đơn giản?

Giải pháp lúc này là giảm biên chế, sát nhâp cơ quan, sắp xếp lại bộ máy… Nhưng nếu không làm đến nơi đến chốn cũng khó có hiệu quả. Người dân đóng thuế nuôi bộ máy, nhưng khi số người “được nuôi” này phình quá to thì phải có giải pháp. Việc cắt giảm phải nhằm mục đích để quản lý tốt và hiệu quả hơn, chứ không phải là để cắt việc làm của ai.

Tách tổ chức xã hội nghề nghiệp khỏi khu vực công

Theo ông, có thể giảm gánh nặng ngân sách ngay từ việc gì?

Tôi đã nói nhiều lần rằng phải tách dần các tổ chức xã hội và xã hội nghề nghiệp ra khỏi khu vực công. Đây cũng là những chiến lược đúng, đã và đang từng bước được thực hiện. Công chức chỉ là người của bộ máy công quyền, còn cán bộ mặt trận, đoàn thể… là người hoạt động xã hội, không phải công chức.

Nhưng hiện nay chúng ta lại đang gộp vào làm một. Nên để cho các tổ chức này hoạt động bằng lệ phí của hội viên, thay vì làm tăng gánh nặng cho ngân sách.

Còn việc sát nhập xã, huyện?

Tinh gọn bộ máy bằng cách cắt giảm như vậy tôi cho rằng đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên việc sát nhập cũng phải tính toán để không chồng chéo về chức năng nhiệm vụ.

Khi người làm ít hơn, với khối lượng công việc nhiều hơn, liệu có tạo ra sự xáo trộn?

Tổ chức có mạnh đến mấy, hợp lý đến mấy mà nguồn nhân lực yếu thì không ăn thua. Mấu chốt là con người, mà con người ở đây chính là công chức. Ít người làm nhưng hiệu quả, làm việc tận tâm, đúng pháp luật thì chắc chắn là hơn nhiều người mà ai cũng đủng đỉnh. Khi đó, phải tính đến hiệu quả công việc của từng vị trí.

Ai không đáp ứng được có thể bị đào thải ngay lập tức. Không có công chức cả đời, đã vào nhà nước là ngồi yên vị đến khi nghỉ hưu mà phải có sự cạnh tranh. Cùng với đó thì mức lương cũng sẽ phải cao hơn, đãi ngộ nhiều hơn, nhưng vẫn đem lại hiệu quả tốt hơn.

Cải cách thế nào?

Chúng ta nói nhiều đến vấn đề cải cách bộ máy, theo ông thì cụ thể chúng ta phải làm gì?

Việc cải cách bộ máy là vấn đề cực kỳ quan trọng. Bởi chúng ta đang đứng trước bài toán vô cùng nan giải với căn bệnh trầm kha là phình bộ máy và tăng biên chế. Để tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả, đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một sự bắt đầu phù hợp, với hy vọng sẽ lan dần tới cấp tỉnh.

Tuy nhiên phải là sự quyết tâm lớn của chính phủ kiến tạo. Chính phủ kiến tạo, chính quyền kiến tạo, thực hiện trên cả hệ thống thì mới mong thực sự đem lại hiệu quả.

Xem ra thì tới đây, cả hệ thống sẽ phải chuyển mình bởi với gánh nặng quá lớn như thế, khó mà có tiềm lực để đầu tư cho phát triển?

Nếu lúc nào mức chi thường xuyên cũng là 70% trở lên thì số còn lại để đầu tư phát triển là rất thấp. Do đó, cả hệ thống sẽ phải xoay chuyển. Hiện đã có một số địa phương thực hiện khá tốt việc tinh giảm, sát nhập, làm gọn bộ máy.

Nhưng cũng không ít nơi vẫn chưa chuyển mình, vẫn còn sự ì trệ, ỉ lại vào trung ương. Đã đến lúc chúng ta phải thực sự quyết tâm để xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu quả, vì dân chứ không chỉ là hình thức, phô trương, khẩu hiệu.

Cơ quan nào sẽ phải đi đầu việc này?

Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức khi thực hiện điều này. Với mục tiêu xây dựng chính phủ kiến tạo, hành động, thì cả hệ thống chính quyền bên dưới sẽ phải chuyển động theo. Làm sao để cán bộ phải tạo ra giá trị từ hiệu quả công việc của mình chứ không phải là người “ăn bám” vào ngân sách. Hy vọng khi ấy, chúng ta sẽ có một đội ngũ cán bộ thực sự tinh, gọn.

Xin cảm ơn ông!

Trong tham luận gửi đến hội thảo Chính phủ và Chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ tổ chức tuần qua, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa dẫn lại số liệu của Bộ Nội vụ cập nhật đến tháng 3/2018, nước ta có gần 137 nghìn khóm, xóm, tổ dân phố; 11.162 xã, phường; 713 đơn vị hành chính cấp huyện và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 11 triệu người, trong đó ở cấp khóm, xóm, tổ dân phố, xã, phường là 1,3 triệu người. Nếu số liệu đúng như vậy thì về đại thể, cứ bình quân 9 người Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách. Theo ông Nghĩa, nước ta nghèo và yếu, một phần cũng bởi hiện trạng này. Dẫn con số biên chế năm 2019, chỉ riêng cho bộ máy công chức đã là gần 260 nghìn người, ông lưu ý, con số này chiếm phần nhỏ trong 11 triệu người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP