Ngộ độc rượu “tập thể”
Các cơ quan chức năng cho biết thêm, một vụ việc tại hộ gia đình có tiệc với 10 người tham gia. Một vụ ngộ độc rượu “tập thể” khác xảy ra tại doanh nghiệp khi 17 người tham gia sinh nhật.
Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Đồng Nai đã lấy mẫu rượu trắng được bán tại các quán tạp hóa, để kiểm nghiệm.
Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận khoảng 17 trường hợp ngộ độc rượu, 3 người tử vong.
Riêng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đang tiếp nhận chữa trị cho 10 bệnh nhân ngộ độc rượu, trong đó nhiều ca nặng phải thở máy, 1 ca tử vong.
Qua khai thác dịch tễ bước đầu, các bệnh nhân phần lớn ngụ huyện Nhơn Trạch, khu trú lại tại cùng một con hẻm.
BS Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, các bệnh nhân nhập viện hầu hết đều có triệu chứng điển hình do ngộ độc methanol như nhiễm toan chuyển hóa, mờ mắt, suy hô hấp nặng… Thậm chí có bệnh nhân mới 21 tuổi.
Một bệnh nhân 61 tuổi đã uống rượu vào buổi sáng, đến đêm ông được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế Nhơn Trạch trong tình trạng hôn mê, niêm mạc nhợt, đồng tử giãn hai bên.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và được các bác sĩ chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày - tá tràng, nguyên nhân từ ngộ độc rượu nghi pha thêm cồn công nghiệp methanol.
Mỗi giờ gan chỉ xử lý được 7g - 8g cồn
Theo các chuyên gia y tế, bình thường ngay sau khi rượu, bia được hấp thụ vào máu, một phần nhỏ được thải qua tuyến mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, 90% còn lại sẽ được chuyển hóa ở gan.
Tuy nhiên, mỗi giờ gan cũng chỉ có thể xử lý một lượng cồn nhất định, khoảng 7g -8g cồn. Như vậy để thải độc cồn của một lon bia 330ml, những lá gan khỏe mạnh bình thường mất khoảng 85 phút.
Một ly rượu vang đỏ nhỏ chứa khoảng 1,5 đơn vị cồn (một đơn vị cồn khoảng 8g hoặc 10ml cồn nguyên chất). Một ly bia (473ml) chứa khoảng 3 đơn vị cồn, và 1 suất rượu tequila chưa khoảng 1 đơn vị cồn.
Theo Bộ Y tế, khi uống một đơn vị cồn, người khỏe mạnh phải mất từ 2 - 3giờ, cơ thể mới trở về trạng thái bình thường. Những người có chức năng gan suy yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm, thời gian sẽ lâu hơn.
“Say rượu” đã là ngộ độc rượu
Khi lượng rượu, bia hấp thụ quá nhiều, dồn dập trong thời gian ngắn, gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Các độc chất từ rượu, bia sẽ bị tồn đọng, phá hủy tế bào gan và gây độc cơ thể.
Ngộ độc rượu cấp tính do rượu khiến bệnh nhân không kiềm chế được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững.
Nặng hơn, bệnh nhân nôn ói nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu.
Uống rượu, bia thời gian dài có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Đối với hệ tim mạch, lạm dụng rượu bia gây nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột qụy ở những người có huyết áp cao. Uống nhiều rượu, bia còn gây mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần.
Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Uống rượu bia đã gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Uống nhiều rượu pha với cồn công nghiệp methanol còn nguy hiểm gấp nhiều lần.
Theo các chuyên gia y tế cảnh báo, methanol là một chất cực độc, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành các acid gây tổn thương tế bào và nhiều cơ quan trong cơ thể.
Các chất chuyển hóa từ methanol sẽ ức chế thần kinh trung ương, khiến người bệnh bồn chồn, đau đầu, chóng mặt, hôn mê, co giật; gây giãn mạch, tụt huyết áp, suy tim; viêm dạ dày xuất huyết, viêm tuỵ cấp, nôn ói, ỉa chảy; gây mù lòa vĩnh viễn; tổn thương não và tử vong.