Nhiều bệnh nhân nặng, thậm chí tử vong
Anh M.H (34 tuổi) đã từng mắc bệnh thuỷ đậu. Chủ quan tiếp xúc trực tiếp, không đeo khẩu trang với người mắc bệnh zona thần kinh, sau 2 tuần, anh bắt đầu nổi hạch sau tai, tăng dần các hiện tượng sốt, mụn nước toàn thân.
Anh H. tự mua thuốc và thực hiện “kiêng nước, kiêng gió” không tắm rửa đều đặn 4 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng, anh sốt cao, mụn nước hóa mủ nhiễm trùng trầm trọng toàn thân gây đau rát, ngứa ngáy, mệt mỏi. Đi khám anh được chẩn đoán mắc thủy đậu bội nhiễm da nặng...
Theo BSCKII Lại Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, tại Yên Bái đã có bệnh nhân tử vong do thủy đậu. Đó là bệnh nhân nữ 42 tuổi, bị lây thủy đậu từ con gái.
Ngày 25/2/2024 bệnh nhân xuất hiện rải rác các nốt phỏng nước, sau đó sốt thành từng cơn, đau họng, đau vùng cột sống thắt lưng nhưng gia đình không đưa đi khám mà tự mua thuốc về điều trị. Đến ngày 28/2/2024 bệnh tình ngày càng nặng, gia đình đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái khám và điều trị với chẩn đoán thủy đậu, biến chứng có bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy gan cấp.
Sau 3 ngày điều trị bệnh không thuyên giảm, người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục điều trị. Sau 4 ngày không đỡ gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà và bệnh nhân tử vong ngày 6/3/2024.
Nhiều bệnh nhân thủy đậu kiêng tắm bị biến chứng nguy hiểm tính mạng |
BSCKII Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, trời nồm ẩm khiến bệnh thủy đậu gia tăng. Từ năm ngoái đến nay, bệnh viện đã khám cho trên 1500 ca, trong đó các trường hợp bị nặng thường là người lớn, chưa từng tiêm phòng thủy đậu và những người có bệnh lý nền khiến hệ miễn dịch bị suy giảm.
"Vừa qua rất nhiều bệnh nhân đến khám do thủy đậu, càng lớn tuổi càng biểu hiện nặng, bệnh nhân sốt cao, nổi nốt phỏng nước khắp người, phải làm các xét nghiệm máu để theo dõi có triệu chứng nặng và kịp thời chuyển bệnh nhân sang cơ sở truyền nhiễm điều trị". Bác sỹ Thanh Thùy cho biết
Sai lầm vì kiêng nước, kiêng gió
BSCKII Nguyễn Thị Thanh Thùy cho biết, bệnh thủy đậu do một loại vi rút mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên, thường xuất hiện vào cuối mùa đông xuân và kéo dài sang mùa hè.
Đây là một bệnh rất dễ lây truyền: khi 1 người mang vi rút thủy đậu nói, hắt hơi, chảy nước mũi hoặc ho… thì các vi rút đó sẽ theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài, tan thành bụi và người khác hít phải bụi sẽ lây bệnh ngay.
Bệnh thủy đậu có thể tự khỏi sau 7 đến 10 ngày, nhưng nếu chủ quan dễ dẫn đến biến chứng khó kiểm soát như viêm não, suy thận, suy đa phủ tạng hoặc viêm gan.... Các trường hợp mắc thủy đậu dễ tăng nặng là người bị suy giảm miễn dịch, mắc ung thư hay những người đang phải sử dụng các thuốc corticoid kéo dài...
Qua thực tế khám và điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Thanh Thùy nhận thấy, chính những quan niệm sai lầm của bệnh nhân khi điều trị như kiêng gió, kiêng nước để bệnh mau khỏi lại khiến tình trạng nhiễm khuẩn nặng lên.
"Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh do virus thường họ kiêng gió, nước, thậm chí khi đến bệnh viện che chắn rất kỹ, kiêng tắm rửa trong nhiều ngày. Quan niệm như vậy rất sai vì lúc đầu cơ thể mình có thể chỉ là nhiễm virus thôi, không cần điều trị kháng sinh cũng sẽ ổn nhưng nếu dịch tiết đấy ra mà hàng ngày không được lau rửa thì sẽ bị bội nhiễm do vi khuẩn, bên cạnh đó bệnh nhân bị ngứa và gãi gây chà xát làm cho vi khuẩn xâm nhập từ chân tay gây biến chứng bội nhiễm da.
Nếu không điều trị, chăm sóc da đúng cách, người bệnh có thể trở nặng gây biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, viêm gan nặng, sốc nhiễm khuẩn nguy hiểm tính mạng.” – BS Thùy nhấn mạnh
BS Thùy phân tích, nếu kiêng nước trong toàn bộ thời gian bị bệnh sẽ dễ bội nhiễm vi khuẩn, gây viêm nhiễm tại các mụn nước. Để thủy đậu lành hẳn nhanh chóng, người bệnh cần tắm rửa sạch sẽ nhưng không lấy tay hoặc khăn mặt chà sát vào mụn nước khiến chúng vỡ ra và nhiễm trùng kèm theo tắm bằng nước sạch và ấm.
Việc kiêng gió cũng là không nên do điều kiện nóng bức của mùa hè khiến mồ hôi tiết ra nhiều chảy xuống các mụn nước có thể dẫn đến nhiễm trùng. Việc bật quạt để tạo không khí thoáng mát, sạch sẽ, đồng thời mặc quần áo rộng rãi, tránh bí bách là điều cần thiết đối với những ai mắc thủy đậu. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người bệnh được dùng quạt công suất lớn, hay ra đường với gió trời thổi vù vù sẽ dễ ảnh hướng đến sức khỏe do khi nhiễm virus sức đề kháng của cơ thể có thể giảm.
Do đó bác sĩ nhấn mạnh người bị thủy đậu cần thiết phải tắm để giữ vệ sinh và giảm ngứa. Một số lưu ý khi tắm, vệ sinh để không làm vỡ các mụn nước mà các bạn cần lưu ý:
- Người bệnh nên cắt móng tay, hạn chế gãi, cào vùng da bị tổn thương.
- Nên tắm bằng khăn bông mềm, lau nhẹ vùng tổn thương, tránh chà xát làm vỡ mụn nước.
-Vệ sinh môi trường, nhà cửa thường xuyên. Lau rửa các vật dụng của người bệnh hàng ngày.
- Ăn đủ các chất dinh dưỡng, uống nước ấm nhiều giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống lại virus gây bệnh.
- Tránh ăn những thực phẩm như: các loại gia vị cay nóng (tỏi, ớt, gừng, hạt tiêu, mù tạt,...); thực phẩm khó tiêu, chiên, xào, rán; đồ ngọt;đồ ăn mặn, nhiều muối; ...
-Đi khám khi có các biểu hiện nghi thủy đậu, không tự ý điều trị tại nhà, tránh biến chứng nặng có thể xảy ra.
“ Virus gây thủy đậu chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp; giọt bắn từ mũi, miệng người bệnh hoặc lây qua tiếp xúc trực tiếp với quần áo, chăn gối của bệnh nhân, chất dịch khi các bọng nước bị vỡ. Vì thế, khi gia đình có người mắc, người bệnh nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với những thành viên khác trong gia đình.
Đặc biệt, sau đó nếu thấy cơ thể mệt mỏi, có thể sốt đau, mỏi, triệu chứng giống nhiễm virus, trên da xuất hiện những bọng nước thì nên đi khám sớm để được xử lý ngay từ đầu, không để bệnh nặng lên...” – BSCKII Thùy khuyến cáo